Phiên xét xử vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả (xăng giả) liên quan đến Trịnh Sướng (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, trụ sở tại Sóc Trăng) cùng 38 bị cáo (12/1/2021) vẫn chưa đến hồi kết do bị hoãn, thì ngày 9/3/2021, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an triển khai lực lượng đồng loạt khám xét khẩn cấp tại 10 địa điểm là kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở; thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với Lê Thanh Tú (giám đốc) và vợ là Trần Thị Thanh Vân (quản lý điều hành) của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vân Trúc về tội buôn lậu.
Đây chỉ là một mắt xích trong chuyên án 920-G của đường dây buôn lậu xăng giả do “ông trùm” Phan Thanh Hữu (64 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) và Nguyễn Hữu Tứ (55 tuổi, Vĩnh Long) cầm đầu.
So với đường dây sản xuất xăng giả của Trịnh Sướng (Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, Sóc Trăng) bị khởi tố và bắt giữ năm 2019 thì đường dây buôn lậu và làm xăng giả mới bị công an Đồng Nai triệt phá có quy mô mà mức độ còn lớn hơn, nghiêm trọng hơn xuyên nhiều tỉnh thành, với thủ đoạn tinh vi hơn như: các đối tượng sử dụng tàu biển có trọng tải lớn trực tiếp nhập xăng từ ngoài phao số 0. Sau đó dùng các loại dung môi, hóa chất pha chế thành xăng loại A95 kém chất lượng. Từ đây các tàu, sà lan tải trọng nhỏ có nhiệm vụ vận chuyển về các kho chứa đã được các đối tượng xây dựng dọc theo các tuyến đường sông lớn ở nhiều tỉnh, thành; cuối cùng cấp cho các xe bồn chở đến các cây xăng để phân phối, tiêu thụ ra thị trường nhiều tỉnh miền Tây.
|
Cửa hàng xăng dầu Vân Trúc - một mắt xích trong chuyên án 920-G của đường dây buôn lậu xăng giả do “ông trùm” Phan Thanh Hữu (64 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) và Nguyễn Hữu Tứ (55 tuổi, Vĩnh Long) cầm đầu. (Ảnh: laodong.vn) |
Kết quả đã có hơn 40 đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam về các hành vi “buôn lậu”, “sản xuất, buôn bán hàng giả”, “mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”.
Theo cơ quan Công an, hằng ngày, các đối tượng của đường dây đã cung cấp trung bình trên 1 triệu lít xăng giả, kém chất lượng ra thị trường; tính từ tháng 8.2020 đến nay, các đối tượng đã cung cấp ra thị trường trên 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng.
Có thể thấy, số lượng xăng giả khổng lồ này (chỉ tạm tính trong vụ án này) khi được đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường sẽ mang đến nhiều nguy cơ, hiểm hoạ khôn lường đối với phương tiện và người tham gia giao thông. Thực tế thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ các phương tiện khi tham gia giao thông và chỉ khi các vụ xăng giả được phanh phui thì người tiêu dùng mới vỡ lẽ, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Hoá ra lâu nay mình phải trả tiền thật cho xăng giả, xăng kém chất lượng?. Và hơn thế, vẫn chưa có cơ chế bảo vệ hữu hiệu quyền lợi người tiêu dùng khi sử dụng phải số nhiên liệu giả.
Câu hỏi được đặt ra: Vì sao một mặt hàng trọng yếu, liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia, được quản lý theo diện kinh doanh có điều kiện nhưng các đối tượng trên vẫn có thể hoành hành, tiêu thụ dễ dàng, rộng khắp các tỉnh, thành trong một thời gian không ngắn?.
Mặc dù thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán xăng dầu, nhưng thực tế cho thấy, sự phối hợp đồng bộ các lực lượng chức năng ở các địa phương vẫn chưa kịp thời, hiệu quả, nhất là trách nhiệm của các đơn vị trong quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng xăng dầu và đơn vị kiểm tra chất lượng xăng dầu trên thị trường… đôi khi còn “buông lỏng” dẫn tới vấn nạn xăng dầu giả quy mô lớn vẫn còn “đất diễn”, xâm hại trực tiếp tới quyền lợi người tiêu dùng.
"Thực tế chúng ta đã không phát hiện ra được hành vi tinh vi của các tổ chức, do yếu kém của các lực lượng này", lãnh đạo Bộ Công Thương trên một diễn đàn Quốc hội đã từng thừa nhận.
Đáng chú ý, liên quan đến vụ án này, ngày 5/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Văn Thụy (57 tuổi), cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, để điều tra về tội nhận hối lộ một số bị can bị bắt trong đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả quy mô lớn này.
Điều này làm dư luận dấy lên những nghi ngờ về liệu có lợi ích nhóm sau đường dây xăng giả này hay không, khi một cán bộ chống buôn lậu lại tiếp tay cho chính bọn buôn lậu?.
Ở một khía cạnh khác, tình trạng buôn bán xăng dầu lậu, giả, kém chất lượng không chỉ gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh xăng dầu hợp pháp của doanh nghiệp chân chính, làm thất thu ngân sách, mà còn tác động tiêu cực việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Đây là mặt hàng có nhiều ngành cùng tham gia quản lý. Do đó, cần sớm nghiên cứu xây dựng các quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả kiểm tra, xử lý trên địa bàn và xuyên khu vực, chú trọng các địa bàn vùng sâu vùng xa là nơi có nguy cơ cao; đồng thời quy rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” hay kiểm tra, xử lý chồng chéo gây bức xúc dư luận.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cùng các cơ quan liên quan cần rà soát, hoàn thiện quy định về quản lý kinh doanh xăng dầu, để bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và người tiêu dùng.
Đồng thời, tăng cường vai trò quản lý của cơ quan quản lý thị trường, bằng nhiều biện pháp, kể cả các công cụ công nghệ 4.0, để kiểm tra lưu chuyển hàng hóa trên thị trường.Tăng thẩm quyền xử phạt; đầu tư trang bị, thiết bị hiện đại cho lực lượng hải quan để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu trên biển, xuyên biên giới; xử lý thật nghiêm các đối tượng buôn lậu xăng giả....
Xin được nhắc lại, chuyên án mang tên 920-G được triển khai bắt đầu từ nguồn tin tố giác tội phạm. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp và người tiêu dùng thông thái nên phát huy tính chủ động, trách nhiệm, mạnh dạn tố giác những đối tượng, những cửa hàng xăng dầu có dấu hiệu nghi vấn để bảo vệ quyền lợi cho chính mình, cho người tiêu dùng và Nhà nước.
Bao giờ mới chấm dứt được vấn nạn xăng giả vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ chờ các lực lượng chức năng trả lời?./.