12,5 triệu SIM rác không chính chủ bị loại bỏ

Thứ tư, 06/09/2023 21:39
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - 12,5 triệu SIM rác không chính chủ bị loại bỏ; Vì sao Ấn Độ muốn đổi tên nước?... là một số tin trong nước và thế giới đáng chú ý hôm nay.

7,15 triệu thuê bao đã chuẩn hóa thông tin

Tiến hành đối soát với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Bộ TT&TT đã xử lý và lọc ra 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp. Sau khi thông báo, đã có 7,15 triệu thuê bao tiến hành chuẩn hóa lại thông tin.

Đến nay, các doanh nghiệp viễn thông đã loại bỏ 12,5 triệu SIM không chính chủ trên hệ thống. Đây là các SIM mà chủ thuê bao không tiến hành cập nhật, chuẩn hóa lại thông tin dù đã quá hạn.

 Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, hiện có tình trạng nhiều người sẵn sàng đứng hộ tên để đăng ký thuê bao. Điều này dẫn đến một thuê bao có thông tin đăng ký thật, tên tuổi, địa chỉ thật nhưng thực ra nằm trong tay người sử dụng khác. Do vậy, một bộ phận người dùng đã tiếp tay dẫn đến vấn nạn SIM không chính chủ (Ảnh: Trọng Đạt)
 

Hiện ba nhà mạng lớn là Viettel, VNPT, MobiFone chiếm 85% thuê bao phát triển mới. Các nhà mạng này đã kết nối trực tiếp tới Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Khi đăng ký thuê bao mới, các thuê bao của 3 nhà mạng này sẽ được đối soát online, nếu khớp với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, thuê bao mới được chấp nhận.

Các nhà mạng còn lại như Vietnamobile, Wintel, Itel,... hiện chiếm 15% tổng lượng thuê bao mới ra thị trường hàng tháng. Những nhà mạng này chưa kết nối được với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, định kỳ hàng tháng, các nhà mạng này sẽ phải gửi số liệu về thuê bao mới đến Bộ. Trong trường hợp sau quá trình đối soát, nếu thuê bao mới không đúng với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, thuê bao sẽ bị xóa khỏi hệ thống.

Vì sao Ấn Độ muốn đổi tên nước?

Cái tên Ấn Độ gợi nhớ về thời kỳ thuộc địa và chính quyền Thủ tướng Modi dường như muốn khơi dậy tinh thần dân tộc bằng ý tưởng đổi sang tên gọi Bharat.

Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã đề cập tới tên quốc gia Ấn Độ là "Bharat" trong thư mời dự tiệc tối tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới ở New Delhi. Thư mời gọi Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu là "Tổng thống Bharat".

"Bharat" là tên Ấn Độ trong tiếng Hindi và giới quan sát cho rằng việc sử dụng nó là dấu hiệu mới nhất cho thấy các lãnh đạo ở New Delhi đang muốn thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc trong nước.

 Cổng vào trung tâm hội nghị Bharat Mandapam ở New Delhi, nơi dự kiến diễn ra các sự kiện của hội nghị thượng đỉnh G20 trong hai ngày 9 -10/9 (Ảnh: AFP)

Điều một của hiến pháp Ấn Độ bắt đầu bằng tuyên bố: "Ấn Độ, tức Bharat, sẽ là một liên minh các bang".

Tên gọi Ấn Độ được Anh hóa từ tiếng Phạn chỉ sông Indus, được đưa vào sử dụng trong thời kỳ nước này là thuộc địa của Anh năm 1858 đến 1947. Trong khi đó, tên gọi Bharat xuất hiện trong các văn tự tôn giáo Hindu cổ, mô tả về vùng đất rộng lớn nơi con người sinh sống mà trên đó có một khu vực gọi là Bharatavarsa.

Một tên gọi phổ biến khác chỉ Ấn Độ là Hindustan, có nghĩa "vùng đất của sông Ấn" trong tiếng Ba Tư. Nó phổ biến trong thời kỳ đế quốc Mogul từ thế kỷ 16 đến 18 và thường được những người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu sử dụng. Tuy nhiên, nó không được công nhận là tên gọi quốc gia trong hiến pháp Ấn Độ.

Trước đây, một số kiến nghị đã được đệ trình lên Tòa án Tối cao Ấn Độ nhằm đổi tên đất nước thành Bharat. Nhưng các thẩm phán đến nay vẫn từ chối xem xét những kiến nghị này.

Ấn Độ hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới và là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất. Ngoài việc đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, nước này gần đây còn thực hiện thành công sứ mệnh đổ bộ lên Mặt Trăng./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực