Bình Thuận tiếp thu ý kiến về dự án hồ chứa nước Ka Pét

Thứ năm, 07/09/2023 21:28
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Tỉnh Bình Thuận sẵn sàng tiếp thu ý kiến đối với dự án hồ chứa nước Ka Pét; Hơn 22.000 trường hợp vi phạm bị xử lý trong 15 ngày tổng kiểm soát; Nhóm G20 sẽ mở rộng thành viên;… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay, 7/9.

Tỉnh Bình Thuận sẵn sàng tiếp thu ý kiến đối với dự án hồ chứa nước Ka Pét

Đó là khẳng định của đồng chí Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tại buổi họp báo thông tin về chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam.

Cụ thể, chiều 7/9, đồng chí Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã thông tin về chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam.

 Đồng chí Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Duy Tuấn.

Phát biểu mở đầu buổi họp báo, Bí Thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, Dương Văn An cho biết tỉnh sẵn sàng tiếp thu ý kiến của phóng viên, dư luận, các nhà khoa học đối với dự án hồ chứa nước Ka Pét. Nếu dự án có điều bất cập cần điều chỉnh thì tỉnh Bình Thuận sẽ nghiên cứu, tiếp thu các góp ý, đóng góp.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của dự án trong việc cung cấp, điều tiết nước cho nhiều vùng khô hạn tại Bình Thuận. Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, cho biết tổng diện tích đất dự án là 697,73 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (đất có rừng là 619,58 ha, gồm: rừng đặc dụng là 137,95 ha; rừng phòng hộ là 0,51 ha; rừng sản xuất là 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.

Hồ chứa nước Ka Pét sẽ đảm nhiệm việc cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô với khoảng 2,63 triệu m²/năm cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II và tạo nguồn nước thô để phục vụ sinh hoạt của 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam, TP Phan Thiết.

Hồ Ka Pét còn có vai trò phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của địa phương.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, dự án hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định và quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 93/2019/QH14 ngày 26-11-2020 và Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24-6-2023. Quy mô hồ Ka Pét gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ Wtb = 51,21 triệu m³, dung tích hữu ích Whi = 47,41 triệu m³, dung tích chết Wc = 3,8 triệu m³; hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác.

Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là 874,089 tỉ đồng, gồm ngân sách trung ương 519,927 tỉ đồng và ngân sách địa phương 354,162 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025.

Liên quan thông tin về khu rừng hơn 600 ha sẽ được khai thác, chuyển đổi để làm dự án hồ chứa nước Ka Pét, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã thông tin về diện tích các loại rừng sẽ khai thác.

Cụ thể, tổng diện tích đất dự án là 697,73 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (đất có rừng 619,58 ha, gồm: rừng đặc dụng 137,95 ha; rừng phòng hộ 0,51 ha; rừng sản xuất 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.

Tổng diện tích phải trồng rừng thay thế theo Điều 21 Luật Lâm nghiệp là 1.844,54 ha. UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định 3263/QĐ-UBND ngày 30-12-2020 về việc phê duyệt phương án trồng rừng thay thế (đợt I) với diện tích 434,22 ha (cho 144,74 ha rừng tự nhiên).

Đối với phần diện tích cần trồng rừng thay thế còn lại (1.410,32 ha), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đang rà soát để mở rộng thêm vị trí trồng rừng thay thế bổ sung, đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế của dự án.

Hơn 22.000 trường hợp vi phạm bị xử lý trong 15 ngày tổng kiểm soát

Hôm nay, 7/9, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, sau nửa tháng thực hiện tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container (từ ngày 15/8-30/8) lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý trên 22.000 trường hợp vi phạm.

Dư luận cho rằng cần tiếp tục triển khai các đợt tổng kiểm soát nhằm bảo đảm tốt trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Nguyễn Anh. 

Trong 15 ngày tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện hiện, xử lý hơn 22.000 phương tiện vi phạm. Trong đó hơn 16 nghìn xe khách, gần 6 nghìn xe ô tô vận tải container. Đã xử lý 46 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn và 13 trường hợp lái xe sử dụng ma túy là 13 trường hợp. Đồng thời xử lý hơn 3 nghìn trường hợp, chở quá số người quy định, gần 1.300 trường hợp vi phạm về tốc độ và tải trọng. Đặc biệt trong đợt tổng kiểm soát tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.

Từ ngày 15/8 đến 29/8 toàn quốc xảy ra 45 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe ô tô chở khách và ô tô vận tải container, làm chết 28 người, bị thương 29 người. So với trước liền kề giảm 14 vụ, giảm 6 người chết và giảm 06 người bị thương.

Dư luận xã hội đánh giá cao kết quả nửa tháng thực hiện tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container do Cục Cảnh sát giao thông triển khai. Nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục xây dựng kế hoạch và triển khai các đợt tổng kiểm soát như vậy nhằm bảo đảm tốt trật tự an toàn giao thông.

Nhóm G20 sẽ mở rộng thành viên

Ngày 7/9, theo thông tin của các hãng truyền thông quốc tế, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, các nhà lãnh đạo đã đồng ý cấp cho Liên minh châu Phi (AU) quyền thành viên thường trực của tổ chức này.

 Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Phi tại một cuộc họp ở Nairobi, Kenya. Ảnh: Getty Images.

Khối AU gồm 55 quốc gia châu Phi hiện được G20 phân loại là “tổ chức quốc tế được mời”. Sắp tới, AU sẽ có tư cách tương tự như Liên minh châu Âu (EU) trong nhóm.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên G20, đã gửi thư kêu gọi các nhà lãnh đạo khác chấp nhận AU trở thành thành viên thứ 21 của nhóm.

Các hãng truyền thông trích dẫn nội dung của bức thư có đoạn như sau: “Đây sẽ là một bước đi đúng đắn hướng tới một kiến trúc và quản lý toàn cầu công bằng, toàn diện hơn và mang tính đại diện hơn”.

Thủ tướng Ấn Độ có niềm tin mạnh mẽ vào khả năng các nước “Thế giới phương Nam” có tiếng nói lớn hơn trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là các nước châu Phi.

Nam Phi hiện là thành viên G20 thường trực duy nhất đại diện cho lục địa này. Ai Cập và Mauritius là những “khách mời”. Việc gia nhập sắp tới của AU đã được xác nhận bởi tờ báo The Times of India, hãng tin Bloomberg và nhật báo Vedomosti của Nga. Nữ cố vấn Svetlana Lukash của chính phủ Nga lưu ý rằng Mokva là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ việc kết nạp AU.

Lời đề nghị gia nhập G20 đã được Tổng thống Senegal Macky Sall, người cũng là chủ tịch Liên minh châu Phi, chính thức đề xuất vào năm ngoái. Nhà lãnh đạo Senegal lập luận rằng G20 sẽ xóa bỏ “sự bất công” lớn bằng cách chấp nhận liên minh này vào hàng ngũ của mình.

Ngoài ra, hãng tin Bloomberg cho biết Mỹ và các đồng minh châu Âu có ý định tận dụng Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ làm cơ hội để thu hút các quốc gia có quan hệ tốt với Moskva và Bắc Kinh. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không trực tiếp tham dự sự kiện này.

Bloomberg cho rằng việc người châu Âu ủng hộ nỗ lực của Liên minh châu Phi sẽ mang lại cho họ tầm ảnh hưởng đối với các quốc gia trong lục địa đen.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực