Bộ Công an đề nghị nhiều địa phương cung cấp tài liệu về “chuyến bay giải cứu”

Thứ ba, 25/10/2022 21:35
(ĐCSVN) - Bộ Công an đề nghị nhiều địa phương cung cấp tài liệu về “chuyến bay giải cứu”; Bộ Ngoại giao lên tiếng vụ 100 công dân “mất liên lạc” khi du lịch Hàn Quốc; Vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng: Mỗi bị cáo thu lợi hàng chục đến trên trăm tỷ đồng; NASA thành lập hội đồng nghiên cứu UFO…là những tin đáng chú ý trong ngày 25/10.
Công dân tỉnh Quảng Nam được "chuyến bay giải cứu" đưa từ Nhật về cách ly tại địa phương. 

Bộ Công an đề nghị nhiều địa phương cung cấp tài liệu về “chuyến bay giải cứu”

Để phục vụ điều tra vụ án trục lợi từ các “chuyến bay giải cứu”, Bộ Công an đã có văn bản gửi nhiều địa phương, yêu cầu rà soát, kiểm tra và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan, trong đó có TP.Hà Nội.

Liên quan đến vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao và các tỉnh thành phố, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa có văn bản yêu cầu nhiều tỉnh, thành phố đã tiếp nhận các “chuyến bay giải cứu” đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch COVID-19 rà soát, kiểm tra và cung cấp tiếp thông tin, tài liệu để phục vụ công tác điều tra, trong đó có TP.Hà Nội.

Cụ thể, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an yêu cầu rà soát, kiểm tra và cung cấp tiếp thông tin, tài liệu về việc lựa chọn khách sạn, resort là địa điểm cách ly. Yêu cầu thống kê và cung cấp toàn bộ hồ sơ của các khách sạn, resort đã nộp để xin là địa điểm cách ly đón công dân Việt Nam từ nước ngoài hồi hương trên các chuyến bay tự trả phí cách ly, bao gồm cả những khách sạn không được lựa chọn.

Những đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, tham mưu, đề xuất giải quyết hồ sơ của khách sạn, resort xin là địa điểm cách ly cần cung cấp tài liệu thể hiện quá trình giải quyết từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi ban hành quyết định lựa chọn điểm cách ly và danh sách cá nhân tham gia quá trình xét duyệt hồ sơ của khách sạn, resort.

Đối với việc xin chủ trương cách ly, Bộ Công an yêu cầu thống kê và cung cấp toàn bộ hồ sơ doanh nghiệp nộp đơn đăng ký xin chủ trương cách ly để tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam hồi hương trên chuyến bay trả phí. Đồng thời, cung cấp thông tin những doanh nghiệp được cấp và không được cấp, lý do không cấp chủ trương; những doanh nghiệp được cấp chủ trương cách ly nhưng không tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước.

Ngoài ra, thống kê và cung cấp toàn bộ hồ sơ doanh nghiệp nộp xin chủ trương cách ly để đưa chuyên gia, công nhân từ công ty nước ngoài về cách ly tại địa phương; cung cấp địa chỉ các cá nhân đăng ký sau khi kết thúc thời gian cách ly; những đơn vị được giao phối hợp tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh ra quyết định chấp thuận chủ trương cách ly.

Đáng chú ý, Bộ Công an đề nghị cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu thể hiện quá trình tiếp nhận, tham mưu, đề xuất giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi ban hành quyết định chủ trương cách ly; danh sách những cá nhân tham gia giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp.

Đối với việc tổ chức chuyến bay đưa công dân về cách ly, Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ của doanh nghiệp báo cáo xin tổ chức chuyến bay sau khi được cấp phép thực hiện chuyến bay.

Đồng thời, cung cấp thông tin về việc giám sát, kiểm tra hoạt động cách ly tại khách sạn, những đơn vị tham gia; danh sách đoàn giám sát, kiểm tra hoạt động cách ly và kết quả kèm theo; việc yêu cầu, giám sát cơ sở lưu trú công khai giá dịch vụ, cung cấp cam kết, công khai bảng giá dịch vụ; sao lưu, cung cấp báo cáo định kỳ hằng tháng và đột xuất về công tác tiếp nhận, cách ly người nhập cảnh mà các tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị phối hợp, UBND các tỉnh và TP.Hà Nội đã có văn bản giao sở y tế phối hợp với sở du lịch triển khai thực hiện nội dung yêu cầu của của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.

Bộ Ngoại giao lên tiếng vụ 100 công dân “mất liên lạc” khi du lịch Hàn Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. 

Ngày 25/10, trước thông tin khoảng 100 người Việt đã mất liên lạc sau khi nhập cảnh Hàn Quốc với mục đích du lịch khi qua sân bay quốc tế Yangyang, tỉnh Gangwon. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã liên hệ với cơ quan chức năng Hàn Quốc xác minh, tìm hiểu thông tin về vụ việc.

"Thông tin ban đầu cho biết có khoảng 100 công dân Việt Nam mất liên lạc sau khi nhập cảnh Hàn Quốc với mục đích du lịch qua sân bay quốc tế Yangyang tỉnh Gangwon, do đó những hãng bay và các công ty du lịch có liên quan phải tạm dừng đưa khách du lịch đến đảo Yangyang, tỉnh Gangwon đến hết ngày 31/10", bà Hằng cho biết.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ tiếp tục theo dõi sát vụ việc, giữ liên hệ với các cơ quan chức năng Hàn Quốc để cập nhật thông tin, hỗ trợ tìm kiếm công dân, sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

Đồng thời, Cục Lãnh sự phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và công ty du lịch tại Việt Nam để tìm hiểu thông tin về những công dân mất liên lạc và thực hiện các biện pháp giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng công dân Việt Nam lợi dụng hình thức du lịch để tìm cách cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Trước đó, đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO) cho biết: do một số nguyên nhân, hiện tại công ty du lịch được chỉ định tại Việt Nam và Hàn Quốc đang triển khai sản phẩm du lịch miễn visa tới Yangyang thông qua đường bay thẳng của hãng hàng không Fly Gangwon tạm thời không thể tiếp nhận khách đăng ký theo diện miễn visa đến Yangyang từ 0h ngày 23.10 - 31.10.2022. Từ đó dẫn đến việc du khách Việt Nam không tiếp cận và hưởng chính sách miễn thị thực thông qua công ty này.

Từ ngày 1/6, du khách Việt Nam đi theo đoàn từ 5 người trở lên nhập cảnh tại sân bay quốc tế Yangyang theo chương trình công ty du lịch được chỉ định được hưởng chính sách miễn visa của tỉnh Gangwon với thời gian lưu trú tối đa 15 ngày. Hãng hàng không Fly Gangwon mở đường bay thẳng từ Việt Nam đi Gangwon từ 13.10 để chỉ phục vụ đối tượng khách miễn visa này.

Vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng: Mỗi bị cáo thu lợi hàng chục đến trên trăm tỷ đồng

Các bị cáo được dẫn giải ra xe. 

Sáng 25/10, tại phiên tòa, bị cáo Đào Ngọc Viễn - một trong số các ông trùm của đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng cho rằng bản thân đã liên hệ với Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai để ra đầu thú và đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt khi lượng hình.

Sáng 25/10, sau phần khai mạc phiên tòa sơ thẩm hình sự xét xử hành vi buôn lậu và nhận hối lộ đối với 74 bị cáo trong vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu, HĐXX đã điểm danh, kiểm tra lý lịch các bị cáo.

Theo cáo trạng, Viễn, Hữu và Phùng Danh Thoại (nguyên đại tá, Trưởng phòng Xăng dầu thuộc Cục hậu cần Bộ tư lệnh Cảnh sát biển) có mối quan hệ quen biết từ trước. Vào khoảng tháng 5-2019, Viễn, Hữu, Thoại gặp nhau bàn bạc, thỏa thuận việc góp vốn buôn lậu xăng từ Singapore đưa về Việt Nam tiêu thụ với tổng số tiền vốn 53,4 tỷ đồng. Hữu có trách nhiệm quản lý số tiền này và tìm khách hàng bán xăng nhập lậu và quan hệ với các lực lượng chức năng để đưa hối lộ phục vụ hoạt động buôn lậu.

Tính từ đầu tháng 3/2020 đến đầu tháng 1/2021, Viễn đã sử dụng các tàu Pacific Ocean, Western Sea vận chuyển xăng từ Singapore về vùng biển Việt Nam. Sau đó Hữu điều động tàu khác vận chuyển số xăng này vào nội địa với tổng cộng 197.824.853 lít để bán cho Tứ và Trần Thị Thanh Vân (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Vân Trúc, tỉnh Bình Dương).

Từ nguồn xăng dầu này, Tứ đã cung cấp cho 7 đầu mối khác nhau tại nhiều tỉnh. Các đầu mối này tiếp tục bán cho các cơ sở bán lẻ xăng khác trên các địa bàn, trong đó có Đồng Nai. Riêng Vân với sự giúp sức của 4 bị cáo khác đã bán lẻ xăng cho rất nhiều người tại các cơ sở xăng trên địa bàn Bình Dương và TP.HCM.

Tính từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, tổng giá trị hàng phạm pháp mà bị can Viễn và đồng phạm phải chịu trách nhiệm là 2.596.539.861.906 đồng. Bị can Viễn đã thu lợi bất chính là hơn 46,7 tỷ đồng; Hữu thu lợi hơn 156,2 tỷ đồng; Thoại thu lợi hơn 22 tỷ đồng (Thoại đã bị Toà án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt 7 năm về tội buôn lậu); Tứ thu lợi gần 83 tỷ đồng; Vân thu lợi bất chính 18 tỷ đồng.

Viễn còn cùngvới Nguyễn Minh Đức (39 tuổi, Chủ công ty TNHH Dầu khí Vượng Đạt, TP.Hải Phòng) cùng góp vốn tổng cộng hơn 49 tỷ đồng mua tàu vận chuyển và buôn lậu xăng tại tỉnh Khánh Hòa. Đức được hưởng lợi hơn 1,5 tỷ đồng.

NASA thành lập hội đồng nghiên cứu UFO

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã triệu tập mội hội đồng chuyên gia để nghiên cứu về UFO (hay UAP). Ảnh chụp màn hình. 

Hội đồng nghiên cứu UFO (hay UAP theo tên gọi mới) của NASA sẽ hoạt động song song với Lầu Năm Góc.

Một nhóm nghiên cứu do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) tổ chức đã tập hợp các chuyên gia từ các lĩnh vực khoa học từ vật lý đến sinh học thiên văn để mở một nghiên cứu vào 24/10 về cái mà chính phủ gọi là "hiện tượng trên không không xác định", vẫn thường được gọi là UFO.

Cuộc điều tra của nhóm nghiên cứu tách biệt với cuộc điều tra của Lầu Năm Góc mới được chính thức hóa về các hiện tượng trên không không xác định, hoặc UAP. Chúng thường được các phi công quân sự báo cáo và các quan chức quốc phòng và tình báo Mỹ phân tích.

Những nỗ lực song song của NASA và Lầu Năm Góc đã đánh dấu bước ngoặt đối với hành động chính phủ Mỹ, sau nhiều thập kỷ được cho là cố làm chệch hướng, phá hỏng và làm rối loạn thông tin các quan sát về vật thể bay không xác định, vốn đã có từ những năm 1940.

Thuật ngữ UFO, từ lâu gắn liền với các khái niệm về đĩa bay và tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh, đã được thay thế trong cách gọi chính thức của chính phủ Mỹ bằng khái niệm “UAP" (hiện tượng trên không chưa xác định).

Thông báo về sự hình thành của hội đồng vào tháng 6, NASA cho hay: "Không có bằng chứng nào cho thấy UAP có nguồn gốc từ ngoài Trái đất”.

Một báo cáo của Lầu Năm Góc đưa ra một năm trước đó cũng cho thấy cơ quan này không đủ dữ liệu để xác định bản chất của hơn 140 hiện tượng trên không được các nhà quan sát quân sự ghi lại kể từ năm 2004, chủ yếu là nhân viên Hải quân Mỹ.

Các quan chức quốc phòng và tình báo cấp cao đã trình bày trước Quốc hội 5 tháng trước rằng danh sách các vụ nhìn thấy UAP đã được lập danh mục.

Kể từ đó, số vụ nhìn thấy UAP đã tăng lên 400 nhưng nhiều người vẫn chưa thể giải thích được. Một số cho là công nghệ bí mật trên Trái đất, hiện tượng khí quyển hoặc thứ gì đó ngoài hành tinh.

Trong số các vụ chứng kiến UAP, có video do Lầu Năm Góc công bố về các vật thể bí ẩn trong không khí thể hiện tốc độ và khả năng cơ động vượt quá công nghệ hàng không đã biết và không có bất kỳ phương tiện đẩy hoặc bề mặt điều khiển bay nào có thể nhìn thấy được.

NASA cho biết ban giám đốc của họ sẽ dành 9 tháng để đưa ra chiến lược riêng về cách tổ chức và nghiên cứu các vụ nhìn thấy trước khi đề xuất "lộ trình phân tích dữ liệu UAP tiềm năng của cơ quan trong tương lai". Báo cáo đầu tiên sẽ được công khai vào giữa năm 2023.

Thomas Zurbuchen, phó giám đốc NASA, cho biết: “Hiểu được dữ liệu về các hiện tượng trên không không xác định là rất quan trọng để giúp chúng tôi đưa ra kết luận khoa học về những điều đang xảy ra trên bầu trời của chúngs ta"../.

HH (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực