Đối tượng tấn công trang vov.vn bị phạt 7,5 triệu đồng

Thứ tư, 17/11/2021 21:05
(ĐCSVN) - Phạt 7,5 triệu đồng đối tượng tấn công trang vov.vn; Số ca tử vong do COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh chiếm 74% cả nước; Tạm giam bác sĩ trong đường dây tiêm vắc xin 'dịch vụ'; Hàn Quốc rút ngắn thời gian tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19; Lạm phát tại Anh lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ... là những tin đáng chú ý trong ngày 17/11.

Phạt 7,5 triệu đồng đối tượng tấn công trang vov.vn

Ngày 17/11, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã triệu tập, xử phạt P.T, 16 tuổi, trú tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm 7,5 triệu đồng. Đây là một trong các đối tượng có hành vi tấn công trang vov.vn vào tháng 6/2021.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, sau khi Báo điện tử VOV thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam (địa chỉ: vov.vn) đăng tải hai bài viết phản ánh việc bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Huỳnh Uy Dũng, chủ Khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương) có hành vi phát trực tiếp (livestream) với nội dung lệch chuẩn và xúc phạm cá nhân trên không gian mạng, một số đối tượng đã có hành vi kích động, tạo các tài khoản ảo để tấn công nhiều nền tảng của Báo điên tử VOV để phản đối loạt bài viết trên.

P.T tại cơ quan Công an -  Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp

Từ trưa 12/6/2021, toàn bộ các nền tảng mạng xã hội của Báo điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) trên Google, Facebook, bị các nhóm đối tượng tổ chức spam, đe dọa và kêu gọi đánh giá 1* (1 sao) trên Google Maps với trang vov.vn nhằm làm giảm uy tín của cơ quan này, khiến trang này đang ở thứ hạng 4,5* bị tụt xuống 1,9* vào chiều 12/6. Đỉnh điểm là việc tấn công DDoS (từ chối dịch vụ) nhằm vào Báo điện tử VOV trong ngày 13/6 làm tràn băng thông, khiến việc truy cập vào báo bị tê liệt.

Ngay sau đó, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã phối hợp với Công an các địa phương khẩn trương vào cuộc điều tra, truy vết, làm rõ tính chất vụ việc, xác định đối tượng thực hiện. Các đơn vị chức năng xác định P.T là một trong số các đối tượng đã có hành vi tấn công trang vov.vn. Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Lâm Đồng đã triệu tập P.T đến trụ sở cơ quan Công an để làm việc.

Tại đây, P.T khai nhận, đầu tháng 5/2021, trong quá trình xem tin tức trên mạng xã hội facebook, đối tượng đã tiếp cận, đọc được nhiều thông tin, xem các video livestream của bà Nguyễn Phương Hằng và nảy sinh suy nghĩ, có quan điểm ủng hộ bà Hằng và thực hiện các hình thức tấn công trang vov.vn. P.T đã thừa nhận toàn bộ hành vi của bản thân, đồng thời nhận thức được hành vi tấn công mạng nêu trên là vi phạm pháp luật.

Sau khi đánh giá các thiệt hại do hành vi tấn công mạng của P.T gây ra đối với trang vov.vn, xem xét P.T còn đang ở độ tuổi chưa thành niên, nhận thức còn nhiều hạn chế, tháng 11/2021, Công an tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với P.T về hành vi “Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin” theo quy định tại điểm c, khoản 2, điều 80, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Đến ngày 17/11, gia đình P.T đã thực hiện nộp phạt theo đúng quyết định xử phạt.

Số ca tử vong do COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh chiếm 74% cả nước

Ngày 17/11, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam cho biết, tính đến hết ngày 16/11, số tử vong do COVID-19 tại TP là 17.263 người, chiếm 74% trên tổng số tử vong của cả nước. Lứa tuổi từ 50 trở lên tử vong chiếm 86,5%. 

 Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam

Nỗ lực kiểm soát dịch và tăng cường các biện pháp điều trị đã kéo giảm số ca tử vong, tuy nhiên mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận từ 30 đến 40 người mất vì COVID-19. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ngành y tế thành phố kêu gọi người dân tăng cường các biện pháp phòng chống, tuân thủ khuyến cáo 5K, chích vắc xin ngay khi đến lượt.

Cũng trong 24h qua, tính đến 16 giờ ngày 17/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.849 ca mắc mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 9.839 ca ghi nhận trong nước (tăng 198 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố; có 4.956 ca trong cộng đồng, 67 ca tử vong. Yên Bái, Bắc Kạn là 2 tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua.

Như vậy, trong đợt dịch thứ 4, số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 1.050.185 ca, trong đó có 872.053 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.337 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc.

Tạm giam bác sĩ trong đường dây tiêm vắc xin 'dịch vụ'

Tối ngày 17/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương thông tin đã thực hiện bắt tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Thái Hiệp (31 tuổi, bác sĩ Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên) để điều tra làm rõ hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.

 Lê Văn Thắng (bìa phải) móc nối thu tiền của người muốn tiêm vắc xin bị công an bắt quả tang - Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp

Trước đó, vào ngày 6/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam đối với Lê Văn Thắng (24 tuổi, quê Đồng Tháp, tạm trú khu phố 7, phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên), là người giữ xe của Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Vào thời điểm đó, công an cũng khởi tố bác sĩ Nguyễn Thái Hiệp về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” nhưng cho tại ngoại điều tra.

Qua công tác nắm tình hình địa bàn, trinh sát xác định Thắng đã thỏa thuận với Tống Văn Tùng (29 tuổi, quê Thanh Hóa, tạm trú khu phố 1, phường Uyên Hưng) và ra giá tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho 17 người dân với giá 600.000 đồng/người.

Ngày 24/8, Thắng tự ý mở cổng sau của Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên cho 10 người dân đi vào trong để tiêm vắc xin (7 người còn lại chưa đến). Tiêm xong, Tống Văn Tùng đang đưa số tiền cho Thắng thì bị lực lượng công an bắt quả tang, tạm giữ người và tang vật với tổng số tiền là 10,2 triệu đồng.

Qua đấu tranh, Thắng thừa nhận hành vi phạm tội. Ngoài ra, Thắng khai đã móc nối với bác sĩ Nguyễn Thái Hiệp thống nhất tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho 42 người khác với tổng số tiền là 17,5 triệu đồng sau 2 lần tiêm (ngày 11/8 và ngày 20/8) rồi chia đôi số tiền trên.

Hàn Quốc rút ngắn thời gian tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19

Ngày 17/11, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) Hàn Quốc cho biết nước này đã ghi nhận thêm 3.187 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó có 3.163 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 402.775 ca. 

Con số trên tăng mạnh so với 2.125 ca nhiễm mới của ngày trước đó và là mức cao thứ hai từ trước đến nay. Đây cũng là lần thứ hai số ca nhiễm mới theo ngày tại Hàn Quốc vượt 3.000 ca. 

Đáng chú ý, số ca mắc COVID-19 nghiêm trọng trong ngày 17/11 cũng lên mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát là 522 ca. Trước đó, giới chức y tế Hàn Quốc khẳng định với năng lực hiện nay, họ có thể điều trị cho khoảng 500 ca nghiêm trọng. Số ca tử vong do COVID-19 tăng thêm 21 ca lên 3.158 ca. Tỷ lệ tử vong là 0,78%. Trong số các ca nhiễm mới, tỷ lệ những người tiêm phòng vẫn mắc COVID-19 trong tuần đầu của tháng 11 là 56%, tăng 26,3% so với một tháng trước đó. Trong số các ca nghiêm trọng, có tới 84,3% là những người từ 60 tuổi trở lên. 

Để khống chế dịch bệnh, Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực đẩy nhanh việc tiêm mũi tăng cường nhằm bảo vệ những người lớn tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương khác. KDCA cho biết khoảng cách giữa mũi tiêm bình thường với mũi tiêm tăng cường đã được rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 4 tháng cho những người từ 60 tuổi trở lên, các nhân viên tại nhà dưỡng lão và những người làm việc tại các khu vực có nguy cơ cao. Điều này sẽ giúp Hàn Quốc hoàn tất việc tiêm mũi tăng cường cho nhóm này vào tháng 12.

Tính đến ngày 17/11, Hàn Quốc có 42,06 triệu người, tương đương 81,9% dân số, đã tiêm mũi đầu vaccine ngừa COVID-19. Số người tiêm đủ hai mũi là 40,24 triệu người, tương đương 78,4% dân số.  

Lạm phát tại Anh lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ

Khách chọn mua hàng tại một siêu thị ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN 

Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh (ONS), lạm phát của nước này trong tháng 10 đã tăng lên 4,2%, mức cao nhất kể từ tháng 11/2011. Nguyên nhân là do giá năng lượng tăng và nhu cầu tiêu dùng nhảy vọt trong giai đoạn hậu phong tỏa do dich COVID-19.

Trước đó, lạm phát của Anh trong tháng 9 là 3,1%, cao hơn so với mục tiêu chính phủ đề ra là 2%, từ đó làm dấy lên đồn đoán về khả năng Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ tăng lãi suất. Nhà kinh tế trưởng của ONS Grant Fitzner nhận định nguyên nhân khiến lạm phát trong tháng 10 tăng lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ là do gia tăng chi phí năng lượng, nhiên liệu, giá thành của ô tô cũ, giá dịch vụ tại các nhà hàng và khách sạn. 

Việc thiếu hụt chip bán dẫn trên toàn thế giới đã gây khó khăn cho ngành sản xuất ô tô, từ đó đẩy giá thành xe đã qua sử dụng lên cao. Bên cạnh đó, tình trạng gián đoạn nguồn cung trên toàn cầu và chi phí nguyên liệu tăng cao đã góp phần khiến lạm phát gia tăng. 

Mặc dù BoE đã quyết định duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục là 0,1% trong tháng 11, song nhiều khả năng ngân hàng sẽ nâng lãi suất trong những tháng tới để kìm hãm đà tăng của lạm phát. Trong bối cảnh nhiều quốc gia mở cửa sau trở lại sau phong tỏa do dịch bệnh, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu về dịch vụ và hàng hóa, kéo theo lạm phát lên cao, ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của người dân. Các thị trường đang kỳ vọng trong tháng này, BoE sẽ lần đầu tiên nâng lãi suất trong hơn 3 năm. Chuyên gia kinh tế Anh Yael Selfin của công ty kiểm toán KPMG dự đoán xu hướng lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp giảm sẽ là nhân tố khiến BoE quyết tâm nâng lãi suất vào tháng 12 tới./.

 

 

Cẩm Linh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực