Giải cứu an toàn hai bé gái “mất tích” ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

Thứ hai, 08/04/2024 21:38
(ĐCSVN) - Bắt nhóm đối tượng bán điện thoại giá rẻ chiếm đoạt hơn 90 tỷ đồng; Công an TP. Hồ Chí Minh giải cứu an toàn hai bé gái “mất tích” ở phố đi bộ Nguyễn Huệ; bắt đầu xét xử vụ bê bối trốn thuế “Hồ sơ Panama”,… là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 8/4.

Bắt nhóm đối tượng bán điện thoại giá rẻ chiếm đoạt hơn 90 tỷ đồng

 Một phần hàng hóa là tang vật vụ án. Ảnh: Công Tường-TTXVN

Sáng 8/4, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vừa triệt phá đường dây bán điện thoại giả trên các sàn thương mại điện tử, lừa đảo khoảng 7.000 bị hại tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, chiếm đoạt hơn 90 tỷ đồng.

Theo đó, Công an Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 22 bị can về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; thu giữ 20 máy tính các loại, khoảng 3.000 điện thoại chất lượng kém, hàng giả là công cụ các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, cùng nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan.

Qua nắm tình hình từ các bị hại, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức lừa bán điện thoại di động giá rẻ trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Shopee, Lazada, TikTok, Tiki.

Các đối tượng đăng tải hình ảnh của điện thoại thông minh chính hãng với giá rẻ hơn rất nhiều so với thực tế, chỉ dao động từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng, sau đó giao hàng là sản phẩm giả.

Ngày 26/1/2024, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 50 cán bộ, chiến sỹ, chia thành 9 tổ công tác tiến hành phá một phần chuyên án, tại địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Thanh Hóa, bắt giữ 9 đối tượng. Đối tượng cầm đầu là Đặng Thị Thêm (sinh năm 1995), trú tại Phòng 204, số 55 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội cùng chồng Lê Quang Vinh (sinh năm 1993), trú tại số 10 Lý Tự Trọng, phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Mở rộng đấu tranh chuyên án, cơ quan điều tra xác định Đặng Thị Thêm và Lê Quang Vinh là mắt xích trong đường dây lừa đảo do Bùi Thị Hương (sinh năm 1981), trú tại khu biệt thự thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội là chủ mưu, cầm đầu.

Tiếp đến, Công an Hà Tĩnh bắt giữ Bùi Thị Hương cùng đồng bọn và khám xét kho hàng của Hương tại khu đô thị Vân Canh, Hoài Đức (Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện hàng nghìn hộp điện thoại được để từ tầng 1 đến tầng 3 của tòa nhà; hàng trăm bộ dây sạc, sạc dự phòng và các thiết bị di động giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Iphone, Samsung, Dell, Vivo...

Công an tỉnh Hà Tĩnh đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Công an TP. Hồ Chí Minh giải cứu an toàn hai bé gái “mất tích” ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

Hai bé gái bị bắt cóc ở phố đi bộ Nguyễn Huệ đã được giải cứu an toàn, trao trả cho gia đình. Ảnh: Báo Dân Trí. 

Chiều 8/4, Công an Quận 1 tổ chức họp báo thông tin về vụ các lực lượng Công an Thành phố đã giải cứu an toàn hai cháu bé "mất tích" tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, đồng thời trao trả hai cháu bé về với gia đình.

Theo Công an TP. Hồ Chí Minh, chiều ngày 6/4/2024, Công an phường Bến Nghé, Quận 1 tiếp nhận nguồn tin từ chị Nguyễn Thị Chi (SN 1997; cư trú: phường Tân Hưng, Quận 7) về việc bị thất lạc hai con ruột là cháu N.K.T.M (7 tuổi) và cháu L. H.T.L (3 tuổi) tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé, Quận 1) từ tối 3/4/2024; mặc dù gia đình đã đi tìm và liên hệ tại nhiều nơi nhưng không thấy 2 cháu bé.

Ngay sau khi tiếp nhận nguồn tin, Công an Quận 1 đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự phối hợp Công an phường Bến Nghé khẩn trương xác minh thông tin ban đầu; tổ chức lực lượng truy tìm trên địa bàn Quận 1. Đồng thời, tại thời điểm này, thông tin về 2 cháu bé mất tích tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ đã được mạng xã hội và một số cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin; thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Bộ Công an và Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Công an Thành phố khẩn trương truy tìm tung tích nạn nhân; đồng chí Giám đốc Công an Thành phố và đồng chí Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố đã trực tiếp chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ khác phối hợp với Công an Quận 1 huy động lực lượng, áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ khẩn trương truy tìm tung tích 2 cháu bé để trao trả cho gia đình đảm bảo tuyệt đối an toàn, trong thời gian nhanh nhất.

Lực lượng phối hợp thuộc Công an Thành phố đã phát động phong trào quần chúng nhân dân tố giác tội phạm, cung cấp nhiều thông tin quan trọng, có giá trị liên quan cho lực lượng Công an. Kết hợp với nhiều biện pháp nghiệp vụ sắc bén, nhiều tổ công tác đã được triển khai để nhanh chóng xác minh thông tin, rà dựng lại quá trình di chuyển, tung tích nạn nhân và đối tượng có liên quan. Qua đó Công an xác định: Khoảng 20h30 ngày 3/4/2024, có một đối tượng nữ đã lợi dụng lúc 2 cháu bé không có người thân trông coi, liền tiếp cận, dẫn dụ hai 2 đứa trẻ đi theo mình qua nhiều tuyến đường từ Quận 1 sang Quận 8; sau đó đặt xe taxi công nghệ đưa 2 cháu về chung cư Saigon Pearl (Phường 22, quận Bình Thạnh).

Khẩn trương truy xét, Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì phối hợp Công an Quận 1, Công an quận Bình Thạnh rà soát, phát hiện đối tượng là Phạm Huỳnh Nhật Vi (SN 2003; cư trú: huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Thời điểm trinh sát tiếp cận, đối tượng Vi đang khống chế 2 cháu bé con chị Nguyễn Thị Chi tại căn hộ 10.05 tháp Ruby, chung cư Saigon Pearl. Lực lượng Công an phối hợp đã nhanh chóng khống chế đối tượng, giải cứu 2 cháu bé an toàn, khỏe mạnh.

Hiện Cơ quan công an đang tiếp tục, khẩn trương củng cố tài liệu chứng cứ để xử lý nghiêm đối tượng Phạm Huỳnh Nhật Vi theo đúng quy định.

Bắt đầu xét xử vụ bê bối trốn thuế “Hồ sơ Panama”

Ngày 8/4, tòa án hình sự Panama bắt đầu tiến hành xét xử 27 bị cáo với tội danh rửa tiền liên quan vụ bê bối trốn thuế được gọi là vụ "Hồ sơ Panama".

Trong số các bị cáo có Jurgen Mossack và Ramon Fonseca Mora, những người sáng lập công ty luật Mossack Fonseca vốn là trung tâm của vụ bê bối. Công ty này hiện không còn tồn tại.

Năm 2016, tổng cộng 11,5 triệu tệp dữ liệu từ công ty Mossack Fonseca được tiết lộ với tờ Sueddeutsche Zeitung của Đức và báo này đã chia sẻ với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế. Những dữ liệu rò rỉ này liên quan hàng loạt nhân vật danh tiếng và quan chức cấp cao của nhiều nước, làm rung chuyển các chính phủ, dẫn tới hàng loạt cuộc điều tra trên khắp thế giới và giáng một đòn mạnh vào danh tiếng của Panama như một trung tâm tài chính hải ngoại.

Năm 2018, công ty Mossack Fonseca thông báo sẽ đóng cửa do "thiệt hại không thể khắc phục" đối với danh tiếng của công ty.

Sau vụ bê bối trên, Panama đã thông qua luật mới nhằm minh bạch tài chính, nhưng quốc gia Trung Mỹ này vẫn nằm trong danh sách đen của Liên minh châu Âu (EU) về "thiên đường thuế".

Năm 2019 Panama mới bắt đầu phạt tội trốn thuế và chỉ áp dụng đối với số tiền trốn thuế lớn hơn 300.000 USD/năm.

Năm 2023, hai bị cáo Mossack và Fonseca từng bị xét xử ở Panama với cáo buộc rửa tiền trong vụ bê bối tham nhũng "Car Wash" ở Brazil liên quan đến tập đoàn xây dựng Odebrecht. Cơ quan công tố yêu cầu mức án tối đa 12 năm tù đối với hai nhân vật này trong vụ án đó. Tòa chưa tuyên án vụ này,.../.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực