Khởi tố đối tượng dẫn dụ hai bé gái ở phố Nguyễn Huệ

Thứ tư, 10/04/2024 20:38
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Khởi tố đối tượng dẫn dụ hai bé gái ở phố Nguyễn Huệ; Phát hiện loài rùa đầu to cực kỳ quý hiếm; Trung Quốc cấy ghép thành công thận lợn chỉnh sửa gen cho người chết não... là những tin đáng chú ý hôm nay, ngày 10/4.

Khởi tố đối tượng dẫn dụ hai bé ở phố Nguyễn Huệ

Ngày 10/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 1 (TP Hồ Chí Minh) đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi, quê Tiền Giang) để điều tra về tội "sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm" theo điều 147 Bộ luật hình sự năm 2015.

Lực lượng điều tra lấy lời khai của đối tượng - Ảnh: CACC 

Theo đó, Phạm Huỳnh Nhật Vi đã có hành vi dẫn dụ hai bé gái (con chị Nguyễn Thị Chi, 27 tuổi, ngụ quận 7) bị thất lạc mẹ theo mình về ở căn hộ tại chung cư Saigon Pearl (phường 22, quận Bình Thạnh) từ tối 3/4. Cho đến khi bị lực lượng cảnh sát bắt giữ (ngày 8/4), Vi chỉ sử dụng lợi ích vật chất (bánh kẹo, thức ăn, tiền bạc...) để dẫn dụ và giữ hai cháu ở lại chung cư, không có dấu hiệu đánh đập, bạo hành. Hai cháu bé được giải cứu an toàn, khỏe mạnh và trao trả lại cho mẹ ruột.

Theo thông tin, Vi được bạn trai ở nước ngoài chu cấp tiền để thuê Căn hộ 10.05 tháp Ruby, Chung cư Saigon Pearl (phường 22, quận Bình Thạnh) vào đầu tháng 4/2024. Thời hạn thuê căn hộ chỉ trong vòng một tháng (tức cuối tháng 4 sẽ hết hạn thuê nhà). Mục đích sử dụng làm nơi Vi quay các clip khiêu dâm rồi chuyển ra nước ngoài.

Ban đầu, Vi khai thấy hai bé tội nghiệp nên dẫn về ở chung nhưng sau đó công an phát hiện trong điện thoại của Vi có một số nội dung nghi vấn có liên quan đến người đàn ông thuê căn hộ (đang ở nước ngoài) cần làm rõ.

Phát hiện loài rùa đầu to cực kỳ quý hiếm

Sáng 10/4, trong lúc đi tuần tra, bảo vệ rừng, các thành viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng và PCCC số 4 (đóng tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện một con rùa bị mắc kẹt vào dây rừng tại một khe suối ở xã Trà Giang (huyện Bắc Trà My).

Sau đó, các nhân viên bảo vệ rừng đã giải cứu chú rùa, kiểm tra tình trạng sức khỏe và thả về môi trường sinh trưởng tự nhiên.

Rùa đầu to quý hiếm được nhân viên bảo vệ rừng "giải cứu"

Theo quan sát, con rùa này nặng gần 1 kg, dài khoảng 20 cm. Có đuôi dài gần bằng với thân, đầu được phủ bởi các mảng sừng rất cứng không thụt vào mai được, hàm trên tạo thành móc giống mỏ vẹt. Đây chính là đặc điểm nhận dạng của rùa đầu to (Platysternon megacephalum).

Loài này sống ở các khe suối trong rừng, nơi nước trong và chảy chậm với độ cao trên 600 m so với mặt nước biển ở các khu rừng tự nhiên từ miền Bắc đến hết miền Trung và Tây Nguyên.

Ban ngày, chúng thường ẩn nấp dưới các tảng đá hoặc phơi nắng trên bờ suối, ban đêm mới đi tìm thức ăn gồm động vật không xương sống, các loài thân mềm hoặc động vật giáp xác nhỏ. Khi trưởng thành rùa đầu to có thể đạt kích thước mai khoảng hơn 20 cm.

Loài rùa này được liệt kê vào nhóm cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ thế giới do bị khai thác, buôn bán quá mức, nếu không ngăn chặn, loài này sẽ biến mất trong tương lai gần. Ở Việt Nam, rùa đầu to thuộc nhóm IB trong danh sách được bảo vệ nghiêm ngặt, các hành vi xâm hại liên quan đến rùa đầu to sẽ bị xử phạt rất nặng.

Trung Quốc cấy ghép thành công thận lợn chỉnh sửa

Ca ghép thận dị loài (xenotransplantation) này được thực hiện vào ngày 25/3, trong đó quả thận của lợn đã được chỉnh sửa đa gen và ghép cho một người chết não. Tờ Nhật báo Khoa học Công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh dẫn lời bác sĩ Tần Vệ Quân, Trưởng Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Tây Kinh thuộc Đại học Y Không quân ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, miền Tây Bắc Trung Quốc cho biết, tính đến ngày 7/4, quả thận vẫn hoạt động tốt sau 13 ngày cấy ghép và sản xuất nước tiểu bình thường.

Ông khẳng định, ca phẫu thuật này là một bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu ghép thận dị loài ở Trung Quốc, đặt nền tảng cho việc nghiên cứu và ứng dụng lâm sàng của ghép thận dị loài và có thể mang đến một sự lựa chọn điều trị mới cho bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối trong tương lai.

 Ảnh do bệnh viện Tây Kinh cung cấp

Ghép thận hiện là phương pháp duy nhất để chữa khỏi cho những người mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nội tạng đã trở thành một vấn đề toàn cầu mà lĩnh vực cấy ghép phải đối mặt. Trung Quốc có hơn một triệu bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối và chỉ có hơn 10.000 ca phẫu thuật ghép thận đồng loài được thực hiện mỗi năm.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ chỉnh sửa gen và miễn dịch học, nghiên cứu cấy ghép dị loài được kỳ vọng sẽ trở thành một phương pháp mới để giải quyết tình trạng thiếu nội tạng. Trong đó, nghiên cứu về ghép thận lợn chỉnh sửa gen đã đạt được một loạt đột phá lớn. Đến nay, trên thế giới đã có 6 ca ghép thận lợn chỉnh sửa đa gen cho người chết não và 1 ca ghép cho người được thực hiện.

Trước đó, hôm 10/3, bệnh viện này vừa thực hiện ca ghép gan dị loài đầu tiên trên thế giới từ gan của một con lợn đã chỉnh sửa đa gen sang cơ thể một người chết não./.

TH (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực