Luân chuyển 12 lãnh đạo cấp vụ Ngân hàng Nhà nước làm quản lý doanh nghiệp

Thứ tư, 19/07/2023 21:31
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Đề xuất EVN được tự tăng giảm giá điện dưới 5% mỗi quý; Luân chuyển 12 lãnh đạo cấp vụ Ngân hàng Nhà nước làm quản lý doanh nghiệp; Hà Nội: Cháy cửa hàng kinh doanh xe đạp, xe máy điện làm 3 người tử vong; Bắt nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng tỷ đồng qua mạng; Mưa lớn khiến 44 người chết, Hàn Quốc công bố 13 “khu vực thảm họa đặc biệt”... là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (19/7).

Đề xuất EVN được tự tăng giảm giá điện dưới 5% mỗi quý

Thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, rút ngắn hơn so với quy định hiện hành là 6 tháng. 

Bộ Công Thương vừa đưa ra phương án mới về việc sửa đổi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tính toán giá bán lẻ điện bình quân.

Trong trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN sẽ có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng.

Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.

Nếu giá điện tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ báo cáo, được Bộ Công Thương chấp thuận thì sẽ tăng giá. Với mức tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 10% trở lên so với mức hiện hành hoặc ngoài khung giá, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.

Thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, rút ngắn hơn so với quy định hiện hành là 6 tháng.

Trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống do Bộ Công Thương ban hành, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, EVN sẽ tính toán giá bán điện bình quân...

Luân chuyển 12 lãnh đạo cấp vụ Ngân hàng Nhà nước làm quản lý doanh nghiệp

 Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì - (Ảnh: VGP)

12 lãnh đạo cấp vụ thuộc Ngân hàng Nhà nước được luân chuyển sang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại nhà nước.

Thông tin này được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tại phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, sơ kết 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra ngày 19/7.

Theo ông Đào Minh Tú, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã đẩy mạnh thực hiện công tác luân chuyển cán bộ. Đặc biệt, từ khi quy định số 98/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ được ban hành, có 4 cán bộ luân chuyển từ các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại nhà nước về giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý cấp vụ trưởng, phó vụ trưởng và tương đương tại các đơn vị thuộc Ngân hàng Trung ương.

12 lãnh đạo cấp vụ trưởng, phó vụ trưởng và tương đương ở các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước được luân chuyển sang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại nhà nước.

“Việc luân chuyển này vừa giúp cho các vụ, cục chuyên môn nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng chính sách, cũng như chất lượng tham mưu, xử lý công việc; vừa từng bước đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng được đội ngũ cán bộ tiềm năng thông qua luân chuyển thực tế”, ông Tú cho biết.

Hà Nội: Cháy cửa hàng kinh doanh xe đạp, xe máy điện làm 3 người tử vong

 Hiện trường vụ cháy làm 3 người trong gia đình tử vong tại huyện Hoài Đức, Hà Nội (Ảnh: CACC)

Sáng 19/7, Công an TP Hà Nội cho biết, vào rạng sáng cùng ngày, tại thôn Ngãi Cầu (xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã xảy vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh khiến 3 người trong một gia đình tử vong.

Cụ thể, vào khoảng 2h07, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội nhận được tin báo về vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh xe đạp, xe máy điện Ánh Dương tại thôn Ngãi Cầu.

Nhận tin báo cháy, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP đã điều động 8 xe chữa cháy của các đội PCCC & CNCH (Khu vực 4, huyện Hoài Đức, quận Hà Đông, huyện Quốc Oai) cùng trên 50 cán bộ, chiến sĩ khẩn trương đến hiện trường tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Lãnh đạo Công an TP Hà Nội, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH cùng lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức, Công an huyện Hoài Đức, Cục Cảnh sát PCCC & CNCH (Bộ Công an) đã trực tiếp xuống hiện trường để chỉ đạo công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Diện tích xây dựng của căn nhà bị cháy khoảng 120m2 (chiều rộng mặt tiền khoảng 6m, chiều dài khoảng 20m), chiều cao khoảng 5m. Nhà gồm 1 tầng, 1 lửng (diện tích tầng lửng khoảng 30m2 bố trí để ở và sinh hoạt gia đình); kết cấu tường ngoài 3 mặt tiếp giáp với nhà dân xung quanh xây gạch, vì kèo thép, mái lợp tôn; lối ra vào tại mặt trước tiếp giáp trục đường 72, bố trí cửa cuốn. Hộ gia đình sử dụng nhà vừa để ở kết hợp kinh doanh xe đạp, xe máy điện.

Theo thống kê thiệt hại sơ bộ, 3 người tử vong gồm: anh T.D.Q (SN 1985), chị N.T.H (1990), cháu T.N.L (SN 2016); nhiều tài sản như xe đạp, xe máy điện và đồ dùng gia đình cũng bị cháy.

Đến khoảng 3h02, đám cháy cơ bản được dập tắt. Lực lượng chữa cháy đã khống chế và bảo vệ không để cháy lan, cháy lớn ra các nhà dân xung quanh liền kề. Hiện các lực lượng chức năng tập trung khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và khắc phục hậu quả vụ cháy.

Hà Nam: Bắt nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng tỷ đồng qua mạng

8 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị cơ quan Công an bắt giữ. 

Ngày 19/7, Công an huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cho biết đã khởi tố và bắt tạm giam 8 đối tượng, gồm: Dương Ngô Tùng, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Hữu Phong, Hoàng Văn Trung, Bùi Ngọc Duy (cùng sinh năm 2002), Nguyễn Thế Minh, Hoàng Thị Minh Dương (cùng sinh năm 2004), trú ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang và Trần Đình Nam (sinh năm 2004, trú ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, ngày 26/6, chị L. (trú tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đã trình báo về việc một đối tượng sử dụng tài khoản Facebook xưng danh “Thầy Thế” đăng bài viết có khả năng làm lễ giải hạn, cầu tài lộc... tư vấn mua “lá bùa” cầu tài lộc và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để thuê làm lễ và đặt dâng tiền lễ giữ lộc. Vì tin tưởng mù quáng, chị L., đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng với số tiền lên đến hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền chuyển khoản, đối tượng đã không thực hiện theo yêu cầu mà chặn mọi liên lạc, lộ rõ mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Xác định đây là vụ việc mang tính chất nghiêm trọng với phương thức thủ đoạn phạm tội tinh vi, lợi dụng hoạt động “tâm linh” và sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, Công an huyện Lý Nhân đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Hà Nam tiến hành xác minh, điều tra, làm rõ và bắt giữ 8 đối tượng tại một chung cư thuộc phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Công an đã thu giữ 230 triệu tiền mặt, 8 máy tính, 15 điện thoại di động là tang vật các đối tượng phục vụ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đáng chú ý, nhóm đối tượng này đều trong độ tuổi từ 19 đến 21 tuổi và đang là sinh viên Đại học.

Tại cơ quan Công an, nhóm đối tượng khai nhận hành vi phạm tội, do cần tiền tiêu xài nên đã bàn bạc, thống nhất lên kịch bản; phân công nhiệm vụ cho từng người. Sau đó, các đối tượng lập các trang mạng xã hội Facebook, Zalo với tên “Thầy Thế” để chạy quảng cáo và lập các tài khoản Facebook ảo vào bình luận công khai để tạo lòng tin cho người truy cập. Khi có “con mồi” cắn câu, nhóm đối tượng này liền tìm cách tiếp cận, nhắn tin và tự giới thiệu có khả năng làm lễ: Cầu tài lộc, bình an, trúng số độc đắc, mở cung tài lộc, dâng sao giải hạn... để lấy lòng tin và yêu cầu chuyển khoản làm lễ. Nhận được tiền, các đối tượng đã chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Với các thủ đoạn trên, từ tháng 5 đến tháng 6/2023, nhóm đối tượng này đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.

Vụ việc đã được cơ quan công an xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cơ quan Công an khuyến cáo, để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lòng tin trục lợi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc “tâm linh”, người dân cần nâng cao cảnh giác, không nghe những lời đồn thổi, đặc biệt là cần kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải liên quan đến “tâm linh” trên các trang mạng xã hội...

Mưa lớn khiến 44 người chết, Hàn Quốc công bố 13 “khu vực thảm họa đặc biệt”

Lực lượng cứu hộ tiếp cận những người bị mắc kẹt trong một chiếc xe buýt ở Cheongju, Hàn Quốc. (Ảnh : Yonhap) 

Ngày 19/7, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol công bố “khu vực thảm họa đặc biệt” đối với 13 tỉnh, thành bị thiệt hại do đợt mưa lớn từ ngày 9/7. Các địa phương này bao gồm một số thành phố, huyện thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang, tỉnh Bắc và Nam Chungcheong, tỉnh Bắc Jeolla và thành phố Sejong.

Theo Yonhap, chính phủ sẽ nhanh chóng hoàn tất quá trình đánh giá thiệt hại đối với các địa phương còn lại và dự kiến công bố thêm “khu vực thảm họa đặc biệt” đối với những địa phương chịu thiệt hại nặng nề.

Địa phương được chỉ định là “khu vực thảm họa đặc biệt” sẽ được hỗ trợ một phần chi phí khắc phục hậu quả do thiên tai bằng nguồn ngân sách quốc gia. Theo đó, người dân bị thiệt hại sẽ được hưởng tiền hỗ trợ khẩn cấp, miễn giảm các loại phí công cộng như tiền điện và nhận ưu đãi thuế.

Tính tới trưa 19/7 (giờ địa phương), đợt mưa lớn vừa qua đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 44 người, làm 6 người mất tích và 35 người khác bị thương.

Hơn 16.000 người dân phải sơ tán khẩn cấp để phòng ngừa thiệt hại do mưa lớn, trong đó vẫn còn 7.843 người chưa thể quay về nhà. Thiệt hại về tài sản cũng đang gia tăng.

Tới thời điểm hiện tại, đã có 422 căn nhà bị ngập nước hoặc hư hại, hơn 1.000 hạ tầng công cộng như cầu, đường, kè sông bị cuốn trôi hoặc hư hại. Hơn 32.800 diện tích đất nông nghiệp như lúa, cây ăn trái bị ngập nước, 797.000 gia súc, gia cầm bị chết. Ngoài ra, có 39 di tích văn hóa, lịch sử, 75 trường học trên cả nước bị hư hại do mưa lớn. Hơn 37.000 hộ gia đình bị mất điện tạm thời.../.

Trung Anh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực