Người tiêm đủ liều vaccine không phải cách ly khi về từ vùng dịch

Thứ bảy, 07/08/2021 20:00
(ĐCSVN) - Người tiêm đủ liều vaccine không phải cách ly khi về từ vùng dịch; Bộ Y tế họp khẩn cấp thẩm định vaccine Nano Covax; Chính phủ được ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác luật để chống COVID-19; Số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Lào và Campuchia tiếp tục tăng cao; Triều Tiên: Lũ lụt nghiêm trọng, hơn 1.000 ngôi nhà bị phá hủy, 5.000 người phải sơ tán… là những tin tức đáng chú ý diễn ra trong ngày 7/8.

Người tiêm đủ liều vaccine không phải cách ly khi về từ vùng dịch

Bộ Y tế quy định, những người tiêm đủ liều vaccine không phải cách ly khi về từ vùng dịch. Họ sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày và xét nghiệm 2 lần.

Những người tiêm đủ liều vaccine không phải cách ly khi về từ vùng dịch. Họ sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày và xét nghiệm 2 lần -  Ảnh: PC

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn về việc áp dụng biện pháp phòng chống dịch đối với người về từ khu vực có dịch COVID-19.

Cụ thể, đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày đến, về địa phương; đồng thời luôn thực hiện nghiêm biện pháp 5K; thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu và ngày thứ 7. Nếu có trường hợp xét nghiệm dương tính thì thực hiện các biện pháp theo quy định.

Với những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 thì thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày kể từ ngày đến, về địa phương; sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Đồng thời những trường hợp này sẽ thực hiện xét nghiệm 3 lần vào: Ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 trong thời gian cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-COV-2 sẽ xử lý theo quy định.

Bộ Y tế cũng quy định, các trường hợp từ các tỉnh, thành phố, địa bàn khác đi qua khu vực có dịch nhưng không dừng, đỗ thì không phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế.

Trong hướng dẫn cũng nêu rõ, đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa ra, vào khu vực có dịch, không phải thực hiện cách ly y tế khi thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa...

Bộ Y tế họp khẩn cho phép thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax giai đoạn 3

Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia họp khẩn cấp xem xét dữ liệu thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax (Ảnh: Nguyễn Nhiên) 

Sáng 7/8, đã diễn ra cuộc họp trực tuyến khẩn của Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học quốc gia nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin COVID-19 "made in Vietnam" Nano Covax và thông qua đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2 của vắc xin này.

Tại cuộc họp, các thành viên của Hội đồng đạo đức đã nghe đại diện Học viện Quân Y - đơn vị đang thực hiện thử nghiệm lâm sàng đại diện cho các đơn vị thử nghiệm báo cáo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Nano Covax cũng như báo cáo đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2.

Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Nano Covax với dữ liệu theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên của giai đoạn 1 trên 60 người tình nguyện với 3 mức liều 25 mcg, 50 mcg, 75 mcg.

Trên cơ sở cập nhật kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại, Hội đồng quyết định tiếp tục cho phép triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với mức liều 25mcg theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt.

Về thiết kế thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và phân tích dữ liệu về tính sinh miễn dịch trong đánh giá dữ liệu nghiên cứu lâm sàng vaccine phòng chống COVID-19.

Trong những ngày vừa qua với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, các chuyên gia của Hội đồng Đạo đức quốc gia đã liên tục làm việc, trao đổi với các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, của Bộ Y tế Hàn Quốc để tham vấn về thẩm định dữ liệu nghiên cứu lâm sàng và phê duyệt vắc xin phòng chống COVID-19 trong trường hợp khẩn cấp; về thiết kế thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và phân tích dữ liệu về tính sinh miễn dịch trong đánh giá dữ liệu nghiên cứu lâm sàng vắc xin phòng chống COVID-19. Các nội dung trao đổi nhằm có thể nhanh chóng xem xét, thẩm định dữ liệu nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 đảm bảo tính khoa học, chuẩn mực chung trên những điểm cơ bản có tính quyết định.

Sau khi nghe Chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận cuộc họp, với vai trò quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các đơn vị nhận thử như Học viện Quân y, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và đơn vị độc lập là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kết hợp với nhà sản xuất là Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen: sau khi Hội đồng đã cho phép nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 và giữa kỳ giai đoạn 2 phải khẩn trương hoàn thiện, đồng thời chuẩn bị ngay và gửi cho Hội đồng và Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo báo cáo pha 3a, gửi càng sớm càng tốt, ngay đầu tuần tới.

Thứ trưởng đề nghị Hội đồng tiếp tục họp vào ngày 15/8/2021 để đánh giá kết quả giai đoạn 3a. Dựa trên kết quả đánh giá, đề nghị các thầy cô trong Hội đồng khuyến nghị các biện pháp khẩn thiết, cần thiết, hợp lý…

Chính phủ được ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác luật để chống COVID-19

Thay măt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Phiên họp khẩn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 6/8 xem xét Tờ trình của Chính phủ về giải quyết các cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền để đẩy mạnh phòng, chống COVID-19. Ảnh: QH  

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV.

Trong đó có các nội dung: Quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đồng thời là giấy phép hoạt động; giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch; giao Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.

Đối với đề nghị quy định việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19) do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo hướng ngân sách nhà nước có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị COVID-19.

Đối với bệnh nhân mắc COVID-19 có các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Bảo hiểm y tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/8/2021.

Số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Lào và Campuchia tiếp tục tăng cao

Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN 

Theo thông báo của Bộ Y tế Lào ngày 7/8, cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 354 ca mắc mới COVID-19 và 1 trường hợp tử vong do căn bệnh này.

Trong số các ca nhiễm mới có 330 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 24 ca cộng đồng. Như vậy, số ca lây nhiễm trong cộng đồng ghi nhận mới trong một ngày tại Lào tiếp tục tăng cao.

Theo Bộ Y tế Lào, trong bối cảnh dòng người lao động trở về từ Thái Lan ngày càng gia tăng và có nhiều trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, nhà chức trách Lào đang khẩn trương mở rộng các cơ sở giám sát y tế đối với người nhập cảnh. Đồng thời, Chính phủ Lào cũng yêu cầu tăng cường truy vết người mắc COVID-19 để đưa đi điều trị kịp thời và thúc đẩy chương trình tiêm chủng để đạt kế hoạch đã đề ra.

Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 8.132 ca, trong đó có 8 người tử vong.

Còn tại Campuchia, nước này cũng ghi nhận 522 trường hợp mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 135 trường hợp nhập cảnh, đẩy tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 81.335 người. Ngoài ra, Campuchia cũng có thêm 11 trường hợp tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi đại dịch lên 1.537 trường hợp.

Triều Tiên: Lũ lụt nghiêm trọng, hơn 1.000 ngôi nhà bị phá hủy, 5.000 người phải sơ tán

Hình ảnh lũ lụt tại Triều Tiên phát trên kênh KCTV. (Nguồn: newsdirectory3.com) 

Theo AFP,  truyền hình nhà nước Triều Tiên đưa tin hơn 1.000 ngôi nhà đã bị phá hủy và khoảng 5.000 người phải sơ tán sau khi mưa to gây lũ lụt ở nước này. Nhiều diện tích đất nông nghiệp cũng bị ngập trong nước lũ.

Tin tức cho biết “hàng trăm hecta đất nông nghiệp” bị nhấn chìm ở tỉnh Nam Hamgyong. Ngoài ra, nhà cửa và đường sá cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đê ngăn nước sông bị vỡ.

Thiên tai có xu hướng gây ảnh hưởng lớn hơn cho Triều Tiên do cơ sở hạ tầng yếu kém trong khi nạn phá rừng khiến nước này dễ bị tổn hại do lũ lụt.

Trước đó hồi tháng Sáu, Triều Tiên thừa nhận đang phải giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực, gióng lên hồi chuông cảnh báo với một nền nông nghiệp từ lâu đã phải vật lộn để phục vụ nhu cầu trong nước./.

PC (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực