Phát hiện sập đá cổ từ thế kỷ XVI

Thứ hai, 06/07/2020 20:33
(ĐCSVN) - Phát hiện sập đá cổ từ thế kỷ XVI; 14 ca mắc COVID-19 về nước, bệnh nhân 91 được công bố khỏi bệnh; Phát hiện 3 người chui dưới hầm xe khách để trốn cách ly; Bạch hầu lan rộng, hàng chục ca mắc mới; Ấn Độ trở thành vùng dịch COVID-19 lớn thứ 3 thế giới…là những tin đáng chú ý trong ngày 6/7.

14 ca mắc COVID-19 về nước, bệnh nhân 91 được công bố khỏi bệnh

Chiều 6/7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 xác nhận 14 ca mắc mới COVID-19 từ nước ngoài trở về, được cách ly ngay sau nhập cảnh.

Ngày 3/7, các bệnh nhân này từ Bangladesh về Sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh trên chuyến bay VJ5967 và được cách ly tập trung ngay tại Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 390, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 4/7, các bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa lấy mẫu xét nghiệm, các mẫu bệnh phẩm đã được gửi tới Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm tham chiếu ngày 5.7. Kết quả xét nghiệm ngày 6/7 của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 14 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Như vậy, tính đến 18h ngày 6/7, Việt Nam có tổng cộng 229 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay, đã qua 81 ngày liên tiếp không có ca nhiễm trong cộng đồng.

Cũng theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày 6/7 có 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh:

- BN329 (22 tuổi, nam, quốc tịch Việt Nam) tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

- BN91 (43 tuổi, nam, phi công người Anh) tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Căn cứ kết luận Hội chẩn Quốc gia ngày 3/7, BN91 được chính thức công bố khỏi bệnh COVID-19, bệnh nhân có thể ra viện và không cần cách ly. Tuy nhiên bệnh nhân còn tiếp tục ở lại Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị phục hồi chức năng vận động để có thể hồi hương trên chuyến bay thương mại ngày 12.7. 

Trốn dưới gầm xe để  tránh kiểm tra y tế và cách ly tập trung. (Ảnh: Báo Lao động)

* Trong một diễn biến khác liên quan đến đại dịch COVID-19, ngày 6/7, tin từ Trạm Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo cho biết, vào lúc 7h30 ngày 5/7, khi làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát xe khách mang biển kiểm soát UN-8989 nhập cảnh từ Lào về Việt Nam, đơn vị đã phát hiện 3 người đàn ông trốn trong hầm xe để tránh kiểm tra y tế và cách ly tập trung.

Danh tính 3 người đàn ông đó là Lê Văn T. (Sinh năm 1987), Đoàn Văn M. (Sinh năm 1996) và Phạm H. (Sinh năm 1989), đều trú tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Sau khi phát hiện, lực lượng kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đã phối hợp với các lực lượng liên quan tiến hành kiểm tra y tế, đo thân nhiệt, vệ sinh khử trùng, yêu cầu họ kê khai hành trình. Sau khi làm đầy đủ các thủ tục, 3 công dân nói trên được bàn giao về quê nhà cách ly phòng dịch COVID – 19 theo đúng quy định.

Bệnh nhân bạch hầu điều trị tại BVĐK tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Báo Kon Tum)

Bạch hầu lan rộng, hàng chục ca mắc mới

Chỉ trong thời gian ngắn, bạch hầu đã được ghi nhận ở 4 tỉnh, thành phố với số ca mắc tăng nhanh.

Tính tới 6/7, Việt Nam đã phát hiện tổng cộng 49 ca nhiễm bạch hầu. Dịch đã ghi nhận ở 4 tỉnh: Kon Tum (23 ca), TP.HCM (1 ca), Gia Lai (10 ca) và Đắk Nông (15 ca). Trong đó, 3 bệnh nhi đã tử vong (Gia Lai: 1, Đắk Nông: 2). Số ca mắc tăng nhanh trong thời gian từ tháng 6 đến nay.

Phát hiện sập đá cổ từ thế kỷ XVI

Trong quá trình canh tác, người dân xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, Ninh Bình đã phát hiện một sập đá nghi là di vật cổ từ thế kỷ XVI. Nhận được tin báo từ chính quyền địa phương, Sở Văn hóa và Thể thao đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp đến khảo sát và tiến hành khai quật.

Sập đá được phát hiện nằm sâu dưới mặt ruộng canh tác hoa màu của người dân tại xã Xích Thổ. Theo người dân địa phương khu vực này xưa thuộc xứ Đồng Tráng - một điểm tụ cư của mấy chục hộ gia đình, trước kia tại đây còn có ngôi đình Trại Ảnh. Nhưng do nằm ở ngoài đê, bên tả dòng sông Bôi, thường xuyên bị lũ lụt nên vào những năm 60, nhân dân đã chuyển hết vào phía trong đê sinh sống (nay là thôn Lạc Long).

Một số vật liệu kiến trúc ngôi đình Trại Ảnh cũng được dỡ về phục vụ việc xây dựng công trình trạm y tế xã. Do vậy, rất có thể đây là sập đá phục vụ lễ nghi tín ngưỡng trong đình Trại Ảnh còn sót lại.

 Sập đá cổ được khai quật và đưa về Bảo tàng tỉnh Ninh Bình để lưu giữ và bảo quản. Ảnh: Diệu Anh

Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình đã giao cho Bảo tàng tỉnh Ninh Bình phối hợp với chính quyền địa phương di dời hiện vật về bảo quản và phát huy giá trị tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình.

Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết qua nghiên cứu, đánh giá ban đầu, sập đá này được tạo tác từ đá vôi nguyên khối, làm theo phong cách kiểu "chân quỳ dạ cá". Kích thước dài 165cm, rộng 128cm, cao 53cm. Mặt trên của sập được làm nhẵn, bốn mặt hông sập chạm khắc trang trí nhiều họa tiết hoa văn như rồng chầu, hoa thị, hoa cúc cách điệu. Đặc biệt, các đồ án rồng chầu được thể hiện một cách khỏe khoắn, thân mập, đuôi thẳng, lưng yên ngựa.

 Hiện chiếc sập đá cổ này đang được bảo quản và lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Diệu Anh

Ở bốn góc chân sập trang trí hình mặt linh thú cách điệu.. Phong cách tạo tác tổng thể cũng như trang trí các đồ án hoa văn có nhiều nét giống các sập đá ở đền thờ Đinh Tiên Hoàng đế, đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

“Theo nhận định ban đầu, sập đá này có niên đại trong khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII và rất có giá trị về văn hóa, lịch sử, mỹ thuật” – ông Tấn nói.

Ấn Độ trở thành vùng dịch COVID-19 lớn thứ 3 thế giới

Với gần 700.000 ca mắc COVID-19, Ấn Độ đã vượt qua Nga và trở thành vùng dịch lớn thứ ba trên thế giới.

Hơn 24.000 ca nhiễm mới trong 24h qua đã nâng tổng số người mắc COVID-19 tại Ấn Độ lên 698.817, theo số liệu từ Worldometers, khiến nước này vượt qua Nga, trở thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới.

Dữ liệu do Bộ Y tế Ấn Độ công bố cho thấy, gần đây, mỗi ngày nước này ghi nhận trên dưới 20.000 ca mắc COVID-19. Tình hình dịch bệnh tại đất nước 1,3 tỉ dân chưa có dấu hiệu giảm tốc và đã có gần 20.000 người chết ở Ấn Độ kể từ khi trường hợp đầu tiên được phát hiện vào tháng 1.

Đại dịch COVID-19  vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới.

Mỹ và Brazil hiện có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới, tuy nhiên, số ca mắc tại Ấn Độ được cho là vẫn chưa đạt đỉnh trong vài tuần tới. Theo Arabnews, các chuyên gia dự đoán Ấn Độ sẽ đạt tới con số 1 triệu ca trong tháng này.

Các thành phố lớn của Ấn Độ đang là "điểm nóng" về dịch bệnh, với New Delhi và Mumbai mỗi nơi có khoảng 100.000 bệnh nhân COVID-19. Khoảng 3.000 người chết ở thủ đô và gần 5.000 người ở Mumbai.

Ngoài áp lực đang đè nặng lên các bệnh viện, Ấn Độ còn phải đối mặt với vấn đề nảy sinh khi các cơ sở xét nghiệm không thể đáp ứng kịp nhu cầu do quá đông dân. Ở một số khu vực của đất nước, một phòng xét nghiệm phải phục vụ tới 30 triệu người.

New Delhi đã mở một bệnh viện tạm thời 10.000 giường mới, trong khi các thành phố khác đang thắt chặt các hạn chế về đi lại để ngăn virus lây lan. Theo India Today, sắp tới các thành phố xung quanh Mumbai một lần nữa sẽ tiếp tục bị phong tỏa với các miễn trừ chỉ dành cho công nhân và các dịch vụ thiết yếu./.

HH (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực