Sở Y tế Hà Nội hướng dẫn treo biển trước nhà người bay về từ TP HCM

Thứ ba, 12/10/2021 20:03
(ĐCSVN) - Sở Y tế Hà Nội hướng dẫn treo biển trước nhà người bay về từ TP HCM.; Lên kế hoạch sơ tán hơn 65.000 hộ dân khi bão số 8 cấp 9-10 đổ bộ; WHO có thể sẽ thông qua vaccine Sputnik V của Nga vào cuối năm nay,… là một số tin tức trong nước và quốc tế đáng chú ý ngày hôm nay (12/10).
 Vị trí, hướng đi của bão số 8. Nguồn: NCHMF

Lên kế hoạch sơ tán hơn 65.000 hộ dân khi bão số 8 cấp 9-10 đổ bộ

Chiều 12/10, tại cuộc họp ứng phó khẩn cấp với bão số 8 Compasu do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết:

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 8 Kompasu di chuyển nhanh, đạt cường độ mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14 trong ngày 12-13/10 khi di chuyển trên khu vực Bắc biển Đông đến gần đảo Hải Nam, Trung Quốc; đi vào vịnh Bắc Bộ với sức gió cấp 8, giật cấp 10 vào rạng sáng 14/10.

Dự kiến bão số 8 đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa - Quảng Bình trong sáng đến trưa 14/10.

Do ảnh hưởng của bão số 8, từ chiều 13-14/10, Bắc Bộ và Quảng Trị có mưa từ 100-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt; Thanh Hóa - Quảng Bình có mưa 150-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Từ ngày 15/10, Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn.

Từ ngày 13-15/10, Bắc Bộ, từ Thanh Hóa - Quảng Trị xảy ra một đợt lũ với đỉnh lũ ở thượng lưu lên mức báo động 1- báo động 2, có sông trên báo động 2, riêng sông Thao (tỉnh Yên Bái) và sông Bôi (tỉnh Hòa Bình) đạt mức báo động 2; hạ lưu các sông chính còn dưới mức báo động 1.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, hiện tại đã kiểm đếm, hướng dẫn 53.944 tàu/233.335; hiện còn 3 tàu/29 người (Quảng Ngãi) hoạt động ở Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (đã nắm được thông tin về bão và dự kiến tránh trú trên các đảo Đá Lồi, Linh Côn).

Đã có 7 tỉnh duy trì cấm biển gồm: Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam.

Các địa phương đã lên kế hoạch sơ tán dân với 65.425 hộ/247.997 người (các tỉnh từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế) khi bão số 8 cấp 9-10 đổ bộ.

Hiện nay có 361 hồ có nguy cơ mất an toàn. Trong đó, Thanh Hóa:  97, Nghệ An: 89, Hà Tĩnh: 86, Quảng Bình: 55, Quảng Trị: 34, Thừa Thiên-Huế: 5.

Về điều tiết các hồ chứa thủy điện, khu vực Bắc Trung Bộ có 3 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn (A Lưới; Đa krông 1; Hủa Na).

Về các hồ chứa thủy lợi, đến thời điểm này có 1.803/2.117 hồ chứa ở khu vực Bắc Trung Bộ đã đầy nước (Thanh Hóa: 370/610, Nghệ An: 1031/1.061; Hà Tĩnh: 261/323; Quảng Bình: 141/153).

Để ứng phó với bão số 8, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để phòng tránh, trong đó kiên quyết kêu gọi 4 tàu Quảng Ngãi thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tại khu vực đồng bằng và ven biển, cần rà soát, sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân cư khu vực trũng thấp, cửa sông, ven biển đến nơi an toàn. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi tập trung khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp. Khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng.

Tại khu vực miền núi, sẵn sàng tổ chức lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Sở Y tế Hà Nội hướng dẫn treo biển trước nhà người bay về từ TP HCM

Theo công văn hoả tốc gửi các quận, huyện, Sở Y tế Hà Nội, với các đường bay nội địa chở khách thường lệ từ TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đến Hà Nội tại sân bay quốc tế Nội Bài và ngược lại, hành khách phải tuân thủ các điều kiện tại Quyết định 1776/QĐ-BGTVT ngày 8/10/2021 của Bộ Giao thông Vận tải về việc Ban hành Quy định tạm thời về triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Luôn thực hiện thông điệp 5K. Thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) - hay còn gọi xét nghiệm sinh học phân tử (Realtime RT-PCR) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 được xử trí theo quy định.

Người dân đi về phải cam kết tuân thủ nghiêm theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú, khai báo y tế, chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú để được xét nghiệm và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo quy định.

Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh.

Sở Y tế Hà Nội giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội là đầu mối tiếp nhận thông tin, danh sách hành khách và phối hợp với Cảng vụ hàng không, các hãng hàng không kiểm soát dịch tễ đối với hành khách tại sân bay quốc tế Nội Bài. Hai đơn vị phối hợp để sàng lọc, phân luồng hành khách và thông báo đến các quận, huyện, thị xã để quản lý, theo dõi sức khỏe, thực hiện xét nghiệm cho người dân tại nơi cư trú, nơi lưu trú; hướng dẫn thực hiện công tác chuyên môn đối với các quận, huyện, thị xã.

Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã là đầu mối tiếp nhận thông tin, danh sách hành khách về địa phương từ CDC Hà Nội và thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn để tiếp nhận quản lý; chỉ đạo các Trạm Y tế tham mưu cho UBND xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ người về từ các chuyến bay trên; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Đáng chú ý, Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và các lực lượng liên quan tiếp nhận thông tin người dân về trên địa bàn và quản lý chặt chẽ (có thể treo biển tại cửa nhà: “Gia đình có người theo dõi sức khỏe PCD COVID-19”); giao công an khu vực và tổ COVID-19 cộng đồng giám sát chặt chẽ.

WHO có thể sẽ thông qua vaccine Sputnik V của Nga vào cuối năm nay

Ảnh minh họa: Reuters 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có thể sẽ thông qua vaccine Covid-19 Sputnik V của Nga vào cuối năm nay nếu Moscow ký các tài liệu pháp lý cần thiết trong những ngày tới, nhà khoa học trưởng của WHO Soumya Swaminathan nhận định.

"Có một số tài liệu pháp lý cần được cả hai bên ký kết trước khi quá trình xem xét vaccine Nga tiếp diễn và tôi nghĩ đây là thời điểm đó. Các nhà chức trách Nga khẳng định với chúng tôi rằng những tài liệu này sẽ sớm được ký kết. Ngay khi việc này hoàn thành, quá trình đánh giá hồ sơ cũng như các cuộc đối thoại sẽ tái khởi động, và sau đó, việc kiểm tra sẽ được lên kế hoạch", chuyên gia WHO cho hay trong cuộc trả lời phỏng vấn với Sputnik.

WHO dự kiến sẽ cử các chuyên gia tới Nga sớm nhất có thể để kiểm tra các địa điểm sản xuất.

"Nếu tất cả điều này xảy ra (các tài liệu được ký kết) trong một vài ngày tới, rất có thể việc kiểm tra sẽ sớm diễn ra trước cuối năm nay và quy trình thông qua vaccine sẽ hoàn tất”.

Các nhà phát triển vaccine Sputnik đã nộp đơn đề nghị WHO thông qua vaccine này vào tháng 2. WHO sau đó đã tiến hành một số cuộc kiểm tra tại những nhà máy sản xuất ở Nga hồi tháng 5 và tháng 6. Hồi tháng 10, Moscow thông báo, WHO đã dỡ bỏ tất cả rào cản với việc thông qua vaccine Sputnik V.

Vaccine Sputnik V hiện được thông qua sử dụng tại 70 quốc gia với tổng số 4 tỷ người, tương đương với 50% dân số thế giới. Đây là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được thông qua trên thế giới với hiệu quả là 91,6%./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực