Thí sinh là F0, F1 vẫn có thể thi tốt nghiệp THPT 2022

Thứ ba, 19/04/2022 21:22
(ĐCSVN) - Các thí sinh là F0, F1 vẫn có thể thi tốt nghiệp THPT 2022 bình thường; Thủy điện tích nước có thể là nguyên nhân gây động đất liên tiếp tại Kon Tum; WHO cảnh báo khi nhiều nước dỡ bỏ biện pháp khẩn cấp về y tế công cộng; Nga tuyên bố bắt đầu giai đoạn mới trong chiến dịch quân sự ở Ukraine… là những tin tức đáng chú ý trong ngày 19.4.

F0, F1 vẫn có thể thi tốt nghiệp THPT 2022 bình thường.

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ ngày 19-4 cho biết thí sinh là F0 (thí sinh mắc Covid-19) được xét đặc cách tốt nghiệp nếu xác định nhiễm bệnh trong thời gian trước thi 10 ngày, thí sinh là F1 chỉ hạn chế tiếp xúc chứ không bị cách ly, vẫn thi bình thường.

Thí sinh là F0 (thí sinh mắc Covid-19) được xét đặc cách tốt nghiệp nếu xác định nhiễm bệnh trong thời gian trước thi 10 ngày, thí sinh là F1 chỉ hạn chế tiếp xúc chứ không bị cách ly, vẫn thi bình thường. Ảnh nld.com.vn

Thí sinh là F0 (thí sinh mắc Covid-19) được xét đặc cách tốt nghiệp nếu xác định nhiễm bệnh trong thời gian trước thi 10 ngày, thí sinh là F1 chỉ hạn chế tiếp xúc chứ không bị cách ly, vẫn thi bình thường.

Trả lời về việc Bộ GD-ĐT có nên xem xét để các F0 nhẹ và không triệu chứng thi cùng đợt, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết thêm Bộ GD-ĐT không đặt ra thi 2 đợt. Thí sinh là F0 sẽ được miễn thi, xét đặc cách. Các F0 nếu cần thi lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng, có điều kiện thi được thì phối hợp với cơ quan y tế, địa phương tổ chức ghép thi cùng một đợt, trừ trường hợp các địa phương dịch bệnh diễn biến rất phức tạp không thể tổ chức thi cùng được.

Trước đó, theo thông báo của Bộ GD-ĐT ngày 19-4, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ diễn ra trong 2 ngày 7 và 8-7. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản giữ ổn định về phương thức tổ chức như năm ngoái.

Thí sinh thực hiện thi 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng 2 bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).

Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Trừ môn Ngữ văn thi tự luận, đề các môn khác dưới dạng trắc nghiệm. Để được xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh THPT phải dự thi đầy đủ 3 bài độc lập và 1 bài tổ hợp. Còn thí sinh giáo dục thường xuyên dự thi 2 bài độc lập là Toán và Ngữ văn cùng 1 bài tổ hợp.

Nhóm này có thể đăng ký dự thi thêm bài Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh bởi đa số trường đại học vẫn dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, bên cạnh nhiều phương thức khác.

Theo quy định mới, tất cả học sinh đang học THPT tại các trường phải đăng ký dự thi trực tuyến trên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ và Cổng dịch vụ công quốc gia. Như vậy, thí sinh không còn đăng ký dự thi trên giấy như mọi năm.

Tuy nhiên, nhóm đối tượng thí sinh tự do vẫn phải đăng ký dự thi trên giấy và gửi tại các điểm tiếp nhận hồ sơ theo quy định của các sở giáo dục và đào tạo để nhập dữ liệu lên hệ thống".

Thủy điện có thể là nguyên nhân gây động đất liên tiếp tại Kon Tum

Theo chuyên gia vật lý địa cầu, nguyên nhân gây ra động đất với mật độ dày đặc ở Kon Tum những ngày qua có thể do hoạt động tích nước của các hồ thủy điện trong vùng.

Liên quan đến tình hình động đất với mật độ dày đặc ở Kon Tum trong những ngày qua, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết: “Tình hình động đất ở khu vực Kon Plông (Kon Tum) thời gian gần đây có mật độ chưa từng có trong lịch sử. Từ tháng 4/2021 đến nay, các số liệu thống kê cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có tần xuất thường xuyên và xu hướng mạnh dần”.

Trong năm 2021 đến nay ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn lớn hơn hoặc bằng 2.5 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đặc biệt trong các ngày 15 -18/4/2022 đã ghi nhận động đất xảy ra liên tục tại khu vực này với tổng số 22 trận động đất với độ lớn từ 2,5 đến 4,5 độ richter. Ngoài việc liên tục xảy ra động đất gây rung lắc dữ dội, những tiếng nổ lớn trong lòng đất cũng khiến người dân nơi đây vô cùng lo lắng.

“Trong thời gian tới, tại khu vực này có thể tiếp tục xảy ra các trận động đất mới, đặc biệt có thể tăng cường độ, cao nhất từ 5 - 5,5 độ richter, thậm chí có thể cao hơn”, ông Nguyễn Xuân Anh nhận định.

Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh cho biết: "Từ tháng 3/2021, thủy điện Kon Tum có tích nước, sau đấy liên tiếp xảy ra các trận động đất. Đánh giá sơ bộ của chúng tôi khả năng liên quan đến động đất, giống như ở thủy điện Sông Tranh 2. Đây là hiện tượng động đất kích thích, do hoạt động của con người gây ra, cụ thể là hoạt động của thủy điện”, ông Nguyễn Xuân Anh chia sẻ.

"Hiện tượng này khá phổ biến. Khi thủy điện hoạt động thì phải thực hiện tích nước hồ chứa để vận hành phát điện. Nếu lòng hồ nằm trên khu vực có những đứt gãy, là những vết nứt trên vỏ rắn vỏ Trái Đất và vẫn có hoạt động lẻ tẻ thì sẽ gây ra động đất. Động đất kích thích không phải tự nhiên mà do những tác động dồn nén của con người gây ra do hoạt động thủy điện", ông Nguyễn Xuân Anh cho hay.

Cùng chung quan điểm với ông Nguyễn Xuân Anh, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho rằng, thực tế có nhà máy thủy điện tích nước xong sẽ gây ra động đất, cũng có những nhà máy thủy điện tích nước được một thời gian dài khoảng vài năm, đến khi địa chất phía dưới mất sự cân bằng thì mới xảy ra những trận động đất nhỏ.

"Có nhà máy thủy điện tích nước xong sẽ gây ra động đất, cũng có những nhà máy thủy điện tích nước được một thời gian dài khoảng vài năm, đến khi địa chất phía dưới mất sự cân bằng thì mới xảy ra những trận động đất nhỏ. Từ xưa đến nay, tất cả những trận động đất kích thích đều không mạnh, không thể gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, con người. Trưa 18/4/2022, mới có một trận động đất lớn nhất với độ lớn 4.5. Hiện các nhà khoa học đã chú ý đến hiện tượng này và đang theo dõi, có những biện pháp khảo sát, đề phòng", PGS.TS Nguyễn Hồng Phương chia sẻ.

Về nội dung này, ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục An toàn môi trường (Bộ Công Thương) cho biết, nhà máy thủy điện thượng Kon Tum tích nước từ 26/2/2020 đến nay, hiện vẫn đang trong quá trình tích nước với dung tích hiện đạt 73%, còn 7m nước nữa mới đạt đến mực nước dâng bình thường. Mực nước này không phải quá lớn so với dung tích của hồ chứa. Vì vậy ông Thực nhận định quá trình vận hành nhà máy thủy điện thượng Kon Tum vẫn đảm bảo an toàn và "trong tầm kiểm soát".

Về nhận định nguyên nhân động đất tại Kon Plông có thể là động đất kích thích do việc tích nước, ông Thực cho rằng cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu thêm việc này.

Trước mắt, đại diện Bộ Công Thương kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum và Gia Lai sớm xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó khẩn cấp đối với các tình huống động đất trên địa bàn.

Trong cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức sáng 19/4, ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã chỉ đạo, yêu cầu dừng tích nước ngay đối với các công trình hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Kom Tum. Các hồ chứa thủy lợi phải được tăng cường kiểm tra, có trực ban và theo dõi giám sát thường xuyên để kịp thời ứng phó.

WHO cảnh báo khi nhiều nước dỡ bỏ biện pháp khẩn cấp về y tế công cộng

Đã có thêm nhiều quốc gia dỡ bỏ các biện pháp khẩn cấp về y tế công cộng nhằm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, WHO khẳng định còn rất lâu nữa Covid-19 mới trở thành một bệnh thông thường.

leftcenterrightdel

WHO khẳng định còn rất lâu Covid-19 mới trở thành một bệnh thông thường

Tuy mỗi nước đều có những quy định riêng trong công tác phòng chống dịch, nhưng về cơ bản, nhiều nước  đã và đang dỡ bỏ các biện pháp giãn cách, đẩy mạnh các hoạt động du lịch trong và ngoài nước nhằm “thích ứng” và “sống chung” với dịch bệnh.

Mới nhất, ngày 18/4, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách phòng dịch Covid-19, trừ quy định bắt buộc đeo khẩu trang cả trong nhà và ngoài trời. Thông tin cho biết, riêng quy định đeo khẩu trang sẽ vẫn được áp đặt và chính phủ sẽ xem xét lại để đưa ra quyết định sau 2 tuần triển khai quy định mới. Với quyết định mới này, Hàn Quốc đã chính thức quay trở lại với cuộc sống thường nhật, kết thúc 757 ngày thực hiện các biện pháp giãn cách vì đại dịch Covid-19.

Việc mở cửa biên giới, hay dỡ bỏ quy định với du khách quốc tế cũng đang được các quốc gia thực hiện. Theo đó, Australia dỡ bỏ quy định xét nghiệm đối với du khách quốc tế bắt đầu từ ngày 18/4, hơn hai năm sau khi đại dịch bùng phát. Du khách nước ngoài không phải thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh hay xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay, tuy nhiên họ vẫn phải xuất trình chứng nhận đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa Covid-19 và đeo khẩu trang trên các chuyến bay quốc tế.

Tương tự, một số quốc gia khác từng là tâm dịch của thế giới như Mỹ cũng đã đưa khoảng 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ra khỏi danh sách khuyến cáo không đi du lịch liên quan đến dịch Covid-19. Với quyết định này, Mỹ không còn xếp bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào vào nhóm thuộc diện cảnh báo cao nhất trong thang cảnh báo 4 cấp độ của nước này.

Với việc nhiều nước đã cắt giảm và loại bỏ dần các chương trình giám sát và xét nghiệm Covid-19 khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại khả năng giám sát dịch bệnh trong thời gian tới sẽ suy yếu và việc ứng phó với dịch có thể gặp nhiều hạn chế khi dịch bệnh tái bùng phát. WHO vẫn khẳng định còn rất lâu Covid-19 mới trở thành một bệnh thông thường.

 Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan nhấn mạnh, Covid-19 vẫn có khả năng gây dịch bệnh rất lớn. Theo vov.vn

Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan nhấn mạnh, Covid-19 vẫn có khả năng gây dịch bệnh rất lớn: “Sẽ rất rất thiển cận vào thời điểm này nếu cho rằng số ca mắc bệnh thấp hơn đồng nghĩa với nguy cơ tuyệt đối thấp hơn. Chúng tôi rất mừng khi thấy số người chết vì Covid-19 giảm xuống nhưng chúng ta không nên mất cảnh giác. Để mọi người có thể quay trở lại cuộc sống bình thường, thì những người trong cộng đồng khoa học chúng tôi sẽ theo dõi loại virus này ở mọi quốc gia”.

Thực tế, số ca mắc Covid-19 lại gia tăng trở lại tại một số nước. Ấn Độ ngày 18/4 thông báo số ca mắc Covid-19 hằng ngày đã tăng gần gấp đôi, lên mức gần 2.200 ca, lần đầu tiên trong tháng này. Trong khi đó, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) cũng ghi nhận ca tử vong thứ 10 kể từ ngày 17/4. Do đó, theo các nhà khoa học, mở cửa kinh tế, thúc đẩy du lịch, dỡ bỏ dần các biện pháp phòng chống dịch nhưng vẫn đảm bảo “sống chung an toàn” chính là chìa khóa để góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Nga tuyên bố bắt đầu giai đoạn mới trong chiến dịch quân sự ở Ukraine

Ngày 19/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo Moskva đang bắt đầu giai đoạn mới của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình India Today, ông Lavrov nói: "Một giai đoạn khác của chiến dịch này (ở miền Đông Ukraine) đang bắt đầu và tôi chắc chắn đây sẽ là thời điểm rất quan trọng của toàn bộ chiến dịch đặc biệt này".

Ông Lavrov cũng cho biết Moskva chỉ sử dụng vũ khí thông thường trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào giai đoạn này. Ông nhấn mạnh Nga đã thay đổi việc bố trí lực lượng ở Ukraine sau cuộc đàm phán trực tiếp ở Istanbul, nhưng cho rằng phía Kiev không coi trọng đúng mức.

Theo các hãng tin phương Tây, cuộc xung đột Nga - Ukraine đang chuyển hướng từ những đô thị đông dân cư sang khu vực Đông Nam thuộc vùng Donbass với những đồng bằng rộng lớn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 18/4 cũng xác nhận các lực lượng Nga đã bắt đầu chiến dịch quân sự ở vùng Donbass,  đồng thời tuyên bố Kiev sẽ tự phòng thủ.

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn, Ngoại trưởng Nga khẳng định quyết định của Moskva về việc các nước phương Tây thanh toán hợp đồng khí đốt bằng đồng ruble không mâu thuẫn với các hợp đồng hiện có. Theo ông Lavrov, sở dĩ có quyết định như vậy là do phương Tây quyết định đóng băng khối tài sản trị giá hơn 300 tỷ euro hoặc USD của Nga, số tiền này nằm trong các ngân hàng phương Tây sau khi Nga nhận được các khoản thanh toán từ các nước phương Tây cho hoạt động cung cấp khí đốt.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cho biết thêm nước này đề xuất các nước phương Tây không chuyển tiền vào các tài khoản của Gazprom mà mở một tài khoản đặc biệt với Gazprombank để chuyển tiền thanh toán khí đốt, trong khi một tài khoản song song bằng đồng ruble sẽ được mở tại ngân hàng nhằm chuyển đổi tiền tệ./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực