Tòa tuyên án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan

Thứ năm, 11/04/2024 20:25
(ĐCSVN) - Xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát: Tuyên án tử hình đối với Trương Mỹ Lan; Khởi tố, bắt tạm giam Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi; Pháp và các nước thả 110 tấn hàng cứu trợ xuống Gaza; Lật xe tải làm 13 người thiệt mạng tại Pakistan… là một số tin tức đáng chú diễn ra ngày 11-4.

Xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát: Tuyên án tử hình đối với Trương Mỹ Lan

Ngày 11/4, sau hơn một tháng xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan tiến hành tuyên án. Bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) nhận mức án tử hình.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 11/4. Ảnh: TTXVN 

Cụ thể, bị cáo Trương Mỹ Lan nhận mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”; 20 năm tù giam về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại khoản 4 Điều 353, khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; 20 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999. Tổng hợp hình phạt là tử hình.

Theo Hội đồng xét xử, tại phiên tòa, các bị cáo dù có nhiều nhận thức khác nhau về hành vi phạm tội nhưng đều thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, bản thân chỉ đưa tài sản vào Ngân hàng SCB để phục vụ tái cơ cấu nên việc cáo trạng quy kết bị cáo sở hữu 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB là không đúng; bị cáo chỉ sở hữu gần 5% cổ phần. Trương Mỹ Lan cũng cho rằng, bị cáo chỉ huy động người thân, bạn bè, nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu theo động viên của một số cán bộ Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, Trương Mỹ Lan cho rằng, Ngân hàng SCB hoạt động theo quy định pháp luật. Bản thân bị cáo không đưa người thân tín vào các vị trí quan trọng tại ngân hàng. Bị cáo Lan cũng phủ nhận việc chỉ đạo cấp dưới lập công ty “ma” để lập khống hồ sơ vay vốn; khẳng định không móc nối các công ty thẩm định giá để nâng khống tài sản. Lan xác nhận, được sự ủy thác của hai bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch Hội đồng quản Trị Ngân hàng SCB, đã bỏ trốn) và Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) để gặp riêng bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) hai lần nhằm xin sớm kết luận thanh tra nhưng không thừa nhận chỉ đạo Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn đưa hối lộ cho Nhàn.

Trước ý kiến bào chữa của Trương Mỹ Lan và luật sư, Hội đồng xét xử cho biết, trong quá trình điều tra và diễn biến phiên tòa, lời khai của các bị cáo phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ xác định Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB thông qua các cá nhân, pháp nhân đứng tên hộ; qua đó, chi phối, kiểm soát mọi hoạt động của ngân hàng này. Theo đó, trước khi hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém là Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Sài Gòn (SCB) thành Ngân hàng SCB, Lan sở hữu cổ phần Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa. Quá trình hoạt động, đã cấp tín dụng cho dự án Times Square của bị cáo Chu Lập Cơ (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square, chồng của Trương Mỹ Lan).

Đối với 5 cổ đông nước ngoài, trong quá trình điều tra, Lan khai đã nhận chuyển nhượng cổ phần từ 5 cổ đông này. Tuy nhiên, trên thực tế, các cổ đông nước ngoài từ lâu đã không tham gia đại hội đồng cổ đông. Do đó, lời bào chữa của các luật sư cho rằng Lan và gia đình chỉ nắm giữ khoảng 15% cổ phần SCB là không có cơ sở. Việc nắm giữ 91,5% cổ phần SCB cho thấy, Lan thực tế là đại cổ đông của SCB, là người có quyền tuyển chọn, bố trí các vị trí chủ chốt tại ngân hàng.

Hội đồng xét xử cũng bác bỏ lời bào chữa từ các luật sư của Trương Mỹ Lan cho rằng, hoạt động đảo nợ được pháp luật cho phép. Hội đồng xét xử khẳng định, không có quy định pháp luật nào cho phép hoạt động này. Bên cạnh đó, việc các luật sư cho rằng Trương Mỹ Lan đưa tài sản vào SCB để trả nợ cũ, nhằm cơ cấu nợ cũ cũng không có cơ sở để chấp nhận.

Kết quả điều tra xác định, các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB phần lớn được thực hiện bởi các pháp nhân mới thành lập. Các bị cáo tại SCB tiếp nhận chỉ đạo của Trương Mỹ Lan đã bất chấp các quy định pháp luật để hợp thức hóa, phê duyệt các khoản vay khống của nhóm Vạn Thịnh Phát, thậm chí có nhiều khoản vay giải ngân trước khi hồ sơ được hợp thức; qua đó, giúp Lan chiếm đoạt số tiền lớn của ngân hàng để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Hành vi nêu trên của Trương Mỹ Lan và các bị cáo đủ cấu thành tội "Tham ô tài sản". Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài, trong khi Bộ luật Hình sự có sự thay đổi cơ bản về đường lối xử lý tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018. Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 1999 không quy định tội "Tham ô tài sản" đối với các pháp nhân ngoài Nhà nước, mà SCB lại không có vốn Nhà nước nên những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1/1/2018 bị xử lý theo điều, khoản tương ứng (điều 179) Bộ luật Hình sự năm 1999. Những hành vi phạm tội xảy ra sau ngày 1/1/2018 bị xử lý theo các điều, khoản (điều 353, điều 206) Bộ luật Hình sự năm 2015. Quyết định này nhằm xem xét đến nguyên tắc có lợi cho các bị cáo.

Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng, chống COVID-19; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và 31 Bằng khen của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh… Tuy nhiên, bị cáo Trương Mỹ Lan phạm nhiều tội danh đặc biệt nghiêm trọng; tổ chức thực hiện chuỗi hành vi phạm tội trong một thời gian dài, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, gian dối; chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn. Đặc biệt, Trương Mỹ Lan có 3 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là: Thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức; phạm tội từ hai lần trở lên và dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội. Trong quá trình xét xử, bị cáo có thái độ thiếu thành khẩn, quanh co chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới. Vì vậy, cần phải có mức hình phạt nghiêm khắc tương xứng với hành vi và hậu quả bị cáo gây ra, loại bỏ bị cáo khỏi đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm kinh tế chức vụ nói riêng. 

Hội đồng xét xử Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án đã tuyên án dành cho 85 bị cáo còn lại trong vụ án.

Khởi tố, bắt tạm giam Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi

Bị can Nguyễn Phạm Trọng Nghĩa. Ảnh: TTXVN 

Ngày 11/4, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt để tạm giam 2 bị can thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi về hành vi đưa và nhận hối lộ. Các quyết định, lệnh đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Cơ quan công an đã khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Phạm Trọng Nghĩa (50 tuổi, phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi), Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi về hành vi nhận hối lộ, theo Khoản 4, Điều 354, Bộ luật Hình sự; khởi tố, bắt tạm giam Trần Thạch Nam (46 tuổi, phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi), Phó Trưởng phòng Quản lý tài nguyên và môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, về hành vi đưa hối lộ, theo Khoản 4, Điều 364, Bộ luật Hình sự.

Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra mở rộng.

Pháp và các nước thả 110 tấn hàng cứu trợ xuống Gaza

Người dân chờ nhận lương thực viện trợ ở thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza ngày 30/3/2024. Ảnh minh họa: THX/TTXVN 

Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội X, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết: "Đối mặt với tình trạng nhân đạo khẩn cấp tại Gaza, Pháp tiếp tục chuyển lương thực và thuốc men đến người dân ở đây". Theo ông, cùng với Jordan và các đối tác khác, hoạt động thả hàng cứu trợ từ trên không giúp chuyển hơn 110 tấn hàng.

Ngày 10/4, quân đội Pháp cho biết Anh và Đức cũng tham gia hoạt động thả hàng cứu trợ. Đây là hoạt động lớn nhất mà Pháp tham gia kể từ khi xung đột giữa Hamas và Israel bùng phát tại Dải Gaza từ ngày 7/10/2023.

Theo cơ quan y tế Dải Gaza, hoạt động thả hàng cứu trợ từ trên không được tiến hành trong bối cảnh kỳ lễ Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo ở Gaza diễn ra trong đau buồn, rất ít thực phẩm trong khi một đợt ném bom của Israel trong đêm khiến 14 người thiệt mạng, trong đó có trẻ em.

Lật xe tải làm 13 người thiệt mạng tại Pakistan

Hiện trường một vụ tai nạn ở Pakistan. Ảnh: AP 

Cảnh sát Pakistan cho biết ngày 10/4, ít nhất 13 người hành hương đã thiệt mạng và 30 người bị thương khi xe tải chở họ bị lật tại tỉnh Balochistan, Tây Nam nước này.

Theo cảnh sát, vụ việc xảy ra khi xe tải đang chở người hành hương đến một ngôi đền tăng tốc và lao xuống hào sâu cạnh đường tại thành phố Hub của tỉnh Balochistan. Số người thiệt mạng dự kiến sẽ còn tăng.

Các vụ tai nạn giao thông gây thương vong thường xảy ra tại Pakistan do phương tiện chở quá tải và các biện pháp an toàn lỏng lẻo./.

PC (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực