Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ ông Lê Thanh Thản lừa dối khách hàng

Thứ năm, 10/08/2023 20:24
(ĐCSVN) - Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ ông Lê Thanh Thản lừa dối khách hàng; Nga nêu điều kiện đạt giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine; hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi bị ảnh hưởng do giá gạo tăng vọt,…là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 10/8.

Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản lừa dối khách hàng

 Quang cảnh phiên xét xử. Ảnh: TTXVN

Sáng 10/8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Lừa dối khách hàng”.

Tuy nhiên, sau khi xét hỏi bị cáo Lê Thanh Thản và nghe ý kiến của một số bị hại trong vụ án, Chủ tọa phiên tòa công bố tạm nghỉ để Hội đồng xét xử hội ý. Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử xét thấy có một số nội dung không thể làm rõ tại phiên tòa, do vậy quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Tòa thông báo cho những người bị hại, người liên quan... chưa có lời khai, chưa trình báo thì liên hệ Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội để gửi đơn, nộp tài liệu chứng cứ, đưa vào tham gia tố tụng trong vụ án này. Trong thời gian điều tra bổ sung, các bị hại đã được đưa vào tham gia tố tụng thì liên hệ với Cơ quan điều tra, bị cáo Lê Thanh Thản và Công ty Bemes để giải quyết.

Ngay sau quyết định của Hội đồng xét xử, một số bị hại đã bày tỏ mong muốn được các cơ quan chức năng giải quyết quyền lợi sớm. Họ cho rằng đã phải chờ đợi quá lâu để được lên tiếng và sẽ không chấp nhận việc bồi thường bằng mức tiền họ mua căn hộ từ 10 năm trước.

Trước đó, khai tại phiên tòa, bị cáo Lê Thanh Thản thừa nhận là người chịu trách nhiệm tại Công ty Bemes. Về dự án CT6 Kiến Hưng, bị cáo Thản khai không nhớ được về số tầng, số căn hộ. Bị cáo cho rằng, 3 tòa nhà trong dự án gồm CT6A, CT6B, CT6C đã xây dựng đúng quy hoạch, nếu sai chỉ là sai về công năng. Một tòa nhà theo đúng thiết kế làm khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng, nhưng đã được sử dụng làm căn hộ để ở.

Liên quan đến việc này, bị cáo Thản khai Công ty Bemes nhiều lần có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho chấp thuận sự thay đổi. UBND thành phố Hà Nội có cho thay đổi quy hoạch nhưng Công ty Bemes đã không làm những thủ tục tiếp theo vì cho rằng công trình này đã hoàn thành xong rồi.

Đối với 520 căn hộ cao tầng và thấp tầng đến nay không được cấp sổ đỏ, bị cáo Thản bày tỏ mong muốn đề nghị Tòa án và thành phố Hà Nội tạo điều kiện để cấp sổ đỏ cho cư dân.

Theo cáo buộc, khi xây dựng dự án, bị cáo Lê Thanh Thản đã chỉ đạo tổ chức thi công xây dựng công trình Dự án CT6 Kiến Hưng vi phạm nghiêm trọng quy hoạch 1/500 được phê duyệt. Các vi phạm bao gồm: tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Công ty xây thêm tòa tháp CT6C không có trong thiết kế được duyệt. Tổng số căn hộ chung cư là 1.582 căn hộ, không có tháp khách sạn như thiết kế.

Nga nêu điều kiện đạt giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine

 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 10/8, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin tuyên bố giải pháp hòa bình tại Ukraine chỉ có thể đạt được khi các nước phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine.

Trao đổi với hãng tin TASS, Thứ trưởng Galuzin nêu rõ Nga tiếp tục duy trì lập trường nguyên tắc của mình, đó là một giải pháp toàn diện, bền vững và công bằng. Theo nhà ngoại giao Nga, tính trung lập, không liên minh và phi hạt nhân của Ukraine phải được xác nhận để đạt được giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng lưu ý các nước phương Tây và Ukraine đang nỗ lực thúc đẩy cái gọi là công thức hòa bình do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) hồi tháng 11/2022. Theo ông Galuzin, điều này thực chất không liên quan đến giải pháp hòa bình mà là "tối hậu thư" đối với Nga. Ông Galuzin cũng cho biết các đối tác của Nga trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS  - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã đưa ra những đề xuất về giải pháp cho cuộc cuộc xung đột hiện nay.

Hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi bị ảnh hưởng do giá gạo tăng vọt

 Gạo được bày bán tại một chợ ở Dhaka, Bangladesh. Ảnh: AFP/TTXVN 

Báo Bangkok Post ngày 10/8 đưa tin giá gạo tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 15 năm qua đang làm dấy lên lo ngại rằng chi phí lương thực sẽ trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều đối với những người nghèo nhất thế giới.

Gạo là lương thực rất quan trọng đối với chế độ ăn của hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi. Gạo đóng góp tới 60% tổng lượng calo cho người dân ở các vùng của Đông Nam Á và châu Phi, và tỷ lệ này tăng lên 70% ở các quốc gia như Bangladesh.

Đợt tăng giá mới nhất làm gia tăng căng thẳng trên thị trường lương thực toàn cầu vốn đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt và xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine. Gạo trắng Thái Lan 5% tấm, tiêu chuẩn châu Á, tăng lên 648 USD/tấn trong tuần này do thời tiết khô hạn đe dọa vụ mùa của Thái Lan, và sau khi nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ - chiếm 40% thương mại gạo thế giới - thực hiện lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng (trừ gạo thơm hạt dài basmati) để bảo vệ thị trường nội địa.

Ông Peter Timmer, Giáo sư danh dự tại Đại học Harvard (Mỹ) và là nhà nghiên cứu về an ninh lương thực, dự báo giá gạo có thể tăng thêm 100 USD/tấn trong vòng 6 đến 12 tháng.  

Hầu hết gạo trên thế giới được trồng và tiêu thụ ở châu Á, nơi nông dân đang phải vật lộn với nắng nóng và hạn hán. Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đang khuyến khích nông dân chuyển sang các loại cây trồng cần ít nước hơn, trong khi nông dân ở các vùng sản xuất lúa gạo hàng đầu của Indonesia đang trồng ngô và cải bắp để đề phòng hạn hán./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực