Tước danh hiệu Công an nhân dân vì chiếm đoạt tài sản của người khác

Thứ ba, 26/07/2022 21:26
(ĐCSVN) - Một cán bộ Công an phường Bàng La, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng vừa bị tước danh hiệu Công an nhân dân, bắt tạm giam về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; phát hiện 94 cá thể kỳ đà và động vật họ rùa vận chuyển trái phép qua biên giới; Ít nhất 21 người đã tử vong do ngộ độc rượu ở Ấn Độ là những tin đáng chú ý trong ngày 26/7.

Cựu Công an bị tố cáo chiếm đoạt ô tô

Ngày 26/7, thông tin từ Công an thành phố Hải Phòng cho biết, ngày 25/7/2022, Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng đã ra Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Nguyễn Khắc Cường. 

Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hải Phòng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với Nguyễn Khắc Cường về tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ảnh minh họa 

Trước đó, Công an thành phố Hải Phòng nhận được đơn của anh N.S.Đ cư trú tại xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng tố cáo Nguyễn Khắc Cường là cán bộ Công an phường Bàng La, quận Đồ Sơn có hành vi chiếm đoạt tài sản của công dân.

Tài liệu điều tra, xác minh giải quyết tố giác về tội phạm có đủ căn cứ xác định Nguyễn Khắc Cường, sinh năm 1992, nơi cư trú tại Tổ 6 phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp, cán bộ Công an phường Bàng La, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng đã có hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản là xe ô tô nhãn hiệu KIA BKS 15A-679.62 của anh N.S.Đ, phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự.

Gần 335 kg kỳ đà, động vật họ rùa vận chuyển trái phép qua biên giới

Ngày 26/7, thông tin từ Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, Bộ đội Biên phòng An Giang cho biết, đơn vị vừa mật phục, phát hiện vụ vận chuyển động vật hoang dã qua biên giới, thu giữ 1 thuyền máy, cùng 94 cá thể kỳ đà và động vật họ rùa.

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình kiểm tra tang vật vừa thu giữ - Ảnh: TTXVN 

Trước đó, khoảng 2 giờ 10 phút ngày 24/7, Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 số 9 của Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang đã tổ chức tuần tra, kiểm soát trong phạm vi đảm nhiệm, phát hiện trên bờ sông Hậu tại khu vực ấp An Hòa, xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang, có 3 đối tượng đang khuân, vác đồ vật từ thuyền máy lên bờ có dấu hiệu nghi vấn. 

Khi phát hiện tổ công tác, các đối tượng lợi dụng đêm tối lẩn trốn, để lại 1 thuyền máy có chở 10 thùng giấy chứa động vật hoang dã gồm kỳ đà, động vật họ rùa. Tổ công tác tìm kiếm, kiểm tra khu vực bờ sông phát hiện thêm 3 bao tải bên trong có chứa nhiều cá thể động vật là kỳ đà, động vật họ rùa. 

Qua kiểm đếm có 52 cá thể kỳ đà, 42 cá thể động vật họ rùa, tổng trọng lượng gần 335 kg. Tổ công tác đã đưa phương tiện và tang vật về Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình đã bàn giao toàn bộ tang vật cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang chăm sóc, bảo quản; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xác minh, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Tử vong do sử dụng rượu giả, kém chất lượng 

Ngày 26/7, giới chức Ấn Độ cho biết ít nhất 21 người đã tử vong và 30 người khác phải điều trị do ngộ độc rượu ở bang Gujarat, miền Tây nước này.

 Chuyển nạn nhân ngộ độc rượu tới bệnh viện tại Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 26/7/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo quan chức cấp cao Chính phủ Ấn Độ Mukesh Parmar, các ca tử vong ghi nhận ở các huyện Ahmedabad và Botad của bang Gujarat - bang đã có lệnh cấm hoàn toàn việc bán và tiêu thụ rượu. Trong khi đó, truyền thông Ấn Độ đưa tin cảnh sát đã bắt giữ một số đối tượng tình nghi buôn lậu rượu.

Tử vong do ngộ độc rượu thường xuyên xảy ra tại Ấn Độ, nơi người dân thường chuộng loại rượu tự nấu rẻ tiền. Theo số liệu của Hiệp hội Quốc tế rượu và đồ uống có cồn Ấn Độ, mỗi năm có khoảng 5 tỷ lít rượu được tiêu thụ ở nước này, 40% trong số đó là rượu lậu và rượu giả.

Rượu giả, kém chất lượng do các cơ sở nấu rượu lậu chế biến mỗi năm cướp đi sinh mạng của hàng trăm người ở Ấn Độ, chủ yếu là người lao động nghèo. Năm 2020, ít nhất 120 người đã tử vong do uống phải rượu giả ở bang Punjab, miền Bắc Ấn Độ./.

Cẩm Linh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực