Vietnam Airlines được cấp phép bay thẳng thường lệ đến Mỹ

Thứ ba, 16/11/2021 21:10
(ĐCSVN) - Vietnam Airlines nhận chứng chỉ cấp phép bay thẳng thường lệ đến Mỹ; Từ 17/11, Hà Nội thí điểm điều trị F0 triệu chứng nhẹ tại địa phương; Bình Định di dời 50 hộ/200 nhân khẩu do sạt lở núi; Pfizer chia sẻ công thức thuốc trị COVID-19, 4 tỉ người sẽ hưởng lợi; Trung Quốc vượt Mỹ thành nước giàu nhất thế giới… là những tin đáng chú ý trong ngày 16/11.
Vietnam Airlines nhận chứng chỉ cấp phép bay thẳng thường lệ đến Mỹ. 

Vietnam Airlines nhận chứng chỉ cấp phép bay thẳng thường lệ đến Mỹ

Chiều 16/11, đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã thay mặt nhà chức trách Mỹ trao chứng chỉ cho phép bay thường lệ đường bay thẳng tới nước này cho Vietnam Airlines. Như vậy, sau hơn 20 năm triển khai kế hoạch bay thẳng, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam được cấp phép khai thác thường lệ đường bay Việt – Mỹ.

Trước đó, ngày 4/11, Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã thông báo cấp phép bay thường lệ chở khách và chở hàng cho Vietnam Airlines trên đường bay thẳng Việt – Mỹ. Chứng chỉ này không quy định thời hạn, hãng có thể chủ động xây dựng tần suất bay, lịch bay theo nhu cầu, thay vì chỉ được khai thác số chuyến bay hạn chế, kèm nhiều điều kiện như bay thuê chuyến.

Theo ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, hãng dự kiến ngày 28/11 sẽ thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên được kết nối giữa TP. Hồ Chí  Minh và San Francisco. Chiều từ Việt Nam đi kéo dài 13 tiếng 50 phút và chiều ngược lại dự kiến xuất phát vào tối 29/11 với thời gian bay khoảng 16 tiếng 40 phút. Sau đó, các chuyến bay thường lệ được Vietnam Airlines khai thác với tần suất 2 chuyến/tuần (từ TP. HCM đi vào Thứ Tư và Thứ Bảy hàng tuần), sau đó có thể tăng tần suất lên mỗi ngày 1 chuyến khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và mở lại đường bay quốc tế thường lệ.

Theo ông Lê Hồng Hà, kế hoạch mở đường bay thẳng Việt – Mỹ được hãng triển khai từ năm 2000. Để đạt chứng nhận khai thác thường lệ đường bay tới Mỹ, Vietnam Airlines đã phải làm việc với 9 cơ quan của Mỹ, với nhiều thủ tục khắt khe.

Khu cách ly ở quận Long Biên, Hà Nội. 

Từ 17/11, Hà Nội thí điểm điều trị F0 triệu chứng nhẹ tại địa phương

UBND TP Hà Nội vừa có công điện tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Theo đó, từ ngày 17/11, Hà Nội điều chỉnh công tác thu dung điều trị các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và tăng cường cách ly, xét nghiệm đối với người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về Hà Nội.

Chủ động xây dựng phương án thu dung, điều trị người bị nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn TP với các kịch bản cao theo mô hình tháp 3 tầng.

Giảm thời gian cách ly tập trung, thí điểm cách ly F1 tại nhà.

Thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ” do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế.

Thí điểm tại Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn (Long Biên) với quy mô 150 giường; Trường THCS Tiền Yên, huyện Hoài Đức - quy mô 300 giường (trường mới xây dựng, chưa bàn giao đón học sinh); Phòng khám đa khoa Minh Phú (huyện Sóc Sơn) - quy mô 200 giường; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (huyện Thanh Trì) - quy mô 300 giường; trường Mầm non Lê Thanh A, xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức) - quy mô 200 giường.

Mở rộng cơ sở thu dung điều trị người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại cấp quận, huyện, thị xã sau thời gian thí điểm.

Rà soát và mở rộng các cơ sở thu dung, điều trị tại các cơ sở thu dung của TP, các Bệnh viện tuyến huyện và tuyến TP.

Huy động các bệnh viện, cơ sở y tế của Bộ, ngành Trung ương, các Trường Đại học, cao đẳng Y dược và các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn để tham gia công tác thu dung điều trị người bệnh (F0).

Rà soát các cơ sở thu dung điều trị, huy động nhân lực y tế (bác sĩ, sinh viên, học sinh, y, bác sĩ đã nghỉ hưu) tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 khi có yêu cầu.

Về điều chỉnh phương án cách ly các đối tượng tiếp xúc gần (F1) thời gian thực hiện cách ly tập trung còn 14 ngày.

Tiếp tục duy trì các khu cách ly tập trung F1 tại các quận, huyện, thị xã đã được thành lập hoặc đã rà soát chưa kích hoạt; rà soát và mở rộng các khu cách ly (tính các cơ sở giáo dục, trường học, khu ký túc xá học sinh, sinh viên khi học sinh, sinh viên quay trở lại trường học).

Thí điểm thực hiện cách ly tại nhà cho người tiếp xúc gần (F1) đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế.

Khu vực sạt lở nằm cheo leo trên đầu khu dân cư thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, Bình Định. (Ảnh: Thanhnien.vn ) 

Bình Định: Di dời 50 hộ/200 nhân khẩu do sạt lở núi

Ngày 16/11, núi Cấm ở thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát (Bình Định) tiếp tục bị sạt lở 200m, với khoảng 2.000m3 đất đá bị trôi xuống chân núi.

Ông Nguyễn Đức Chiêu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định), cho biết: “Điểm sạt lở mới cách điểm sạt lở cũ chừng 300m, nhưng mức độ nguy hiểm hơn, do nằm gần khu dân cư. Do đó, xã đã khẩn cấp sơ tán hơn 20 hộ dân có nhà cửa nằm dưới chân núi đến nơi an toàn”.

Trước đó, vào tối 14 rạng sáng 15/11, nhiều hộ dân ở thôn Chánh Thắng hoảng hốt nghe tiếng nổ lớn phát ra từ núi Cấm. Ít phút sau, đất đá theo nước chảy ào ào xuống khu dân cư và các tuyến đường liên xóm. Biết núi lở nên người dân chủ động di chuyển đến những ngôi nhà ở xa chân núi để trú tạm.

Sáng hôm sau (15/11), UBND huyện Phù Cát và chính quyền địa phương đến kiểm tra thì phát hiện trên đỉnh núi Cấm xảy ra sạt lở. Ước tính khu vực sạt lở xảy ra ở độ cao 300m, rộng 120m, sâu 3m, với lượng đất đá sạt xuống chân núi hơn 6.000m3. Chính quyền địa phương buộc phải di dời 50 hộ/200 nhân khẩu đến Trường Tiểu học Cát Thành để lánh nạn.

Toàn bộ khu vực sạt lở và các điểm có nguy cơ không an toàn được chính quyền địa phương giăng dây, cử người túc trực không cho người dân, gia súc đến gần để đảm bảo an toàn. Đồng thời, theo dõi tiếp diễn biến sạt lở nếu có diễn ra để thông báo, yêu cầu bà con sinh sống vùng nguy hiểm nhanh chóng thoát ra ngoài, đến nơi an toàn để ở.

“Bà con đang ở tạm tại Trường Tiểu học Cát Thành sẽ được chính quyền hỗ trợ nước uống, thực phẩm để dùng”, ông Chiêu cho biết thêm.

Pfizer hiện đang là 1 trong các hãng cung cấp vaccine phòng chống COVID-19 lớn nhất thế giới. 

Pfizer chia sẻ công thức thuốc trị COVID-19, 4 tỉ người sẽ hưởng lợi

Pfizer đã ký thỏa thuận với một nhóm do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn nhằm cho phép các nhà sản xuất khác sản xuất thuốc uống trị COVID-19 của hãng.

Pfizer thông báo ngày 16/11 về việc cấp giấy phép thuốc trị COVID-19 của hãng cho Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ.

Thỏa thuận mới của Pfizer cho phép các công ty sản xuất thuốc thông thường sản xuất thuốc kháng virus của hãng dược Mỹ để sử dụng ở 95 quốc gia, chiếm khoảng 53% dân số thế giới. Như vậy, động thái này có thể cung cấp phương pháp điều trị COVID-19 cho hơn một nửa dân số thế giới

Thỏa thuận ngày 16/11 loại trừ một số quốc gia lớn đã bị đại dịch COVID-19 tàn phá nặng nề. Ví dụ, khi một hãng dược Brazil có thể nhận giấy phép sản xuất thuốc điều trị COVID-19 của Pfizer cho xuất khẩu sang nước khác nhưng loại thuốc đó có thể không thể được sản xuất cho sử dụng chung ở Brazil. Thỏa thuận Pfizer cũng loại trừ các quốc gia Trung Quốc, Argentina và Thái Lan.

Dù vậy, các quan chức y tế nhấn mạnh, việc đạt được thỏa thuận trước khi thuốc của Pfizer được phê duyệt ở bất kỳ đâu có thể giúp chấm dứt đại dịch COVID-19 nhanh hơn.

"Điều khá quan trọng là chúng tôi có thể cấp quyền tiếp cận một loại thuốc hiệu quả, mới phát triển, cho hơn 4 tỉ người" - Esteban Burrone, người đứng đầu chính sách tại Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc, cho biết.

Ông ước tính các nhà sản xuất thuốc khác có thể bắt đầu sản xuất thuốc viên trị COVID-19 trong vòng vài tháng.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, Pfizer sẽ không nhận phí bản quyền khi bán thuốc ở các quốc gia có thu nhập thấp và sẽ miễn phí bản quyền cho doanh số bán thuốc ở tất cả các quốc gia có trong thỏa thuận trong khi đại dịch COVID-19 vẫn trong trạng thái khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Đầu tháng này, Pfizer công bố thuốc uống trị COVID-19 của hãng làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong gần 90% ở những người bị nhiễm SARS-CoV-2 từ nhẹ đến trung bình. Pfizer dự kiến đệ trình Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cũng như các cơ quan quản lý khác để được cấp phép thuốc càng sớm càng tốt.

Trung Quốc vượt Mỹ thành nước giàu nhất thế giới

Tình hình tài chính của 10 quốc gia chiếm hơn 60% thu nhập thế giới. Đồ hoạ: Bloomberg 

Bloomberg dẫn báo cáo mới của nhóm nghiên cứu của công ty tư vấn quản lý McKinsey & Co cho thấy, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia giàu nhất thế giới với tài sản tăng gấp 17 lần trong 20 năm qua, chiếm tới 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn này.  

Báo cáo mới của nhóm nghiên cứu của công ty tư vấn quản lý McKinsey & Co - một trong những công ty tư vấn lớn nhất toàn cầu - đã công bố tình hình tài chính của 10 quốc gia chiếm hơn 60% thu nhập thế giới. Cũng theo nghiên cứu trên, tài sản toàn cầu đã tăng gấp 3 lần trong 2 thập kỷ qua, trong đó, Trung Quốc dẫn đầu và vượt qua Mỹ để giành vị trí hàng đầu trên toàn thế giới.

Báo cáo chỉ ra, giá trị tài sản ròng của thế giới đã tăng lên 514.000 tỉ USD năm 2020, mức chưa từng có, so với 156.000 tỉ USD trong năm 2000. Trong đó, Trung Quốc chiếm tới khoảng 1/3 tăng trưởng.

Tài sản của Trung Quốc tăng khủng trong giai đoạn này, với tài sản ròng lên tới 120.000 tỉ USD. Trước đó, tài sản ròng của Trung Quốc ở mức 7.000 tỉ USD năm 2000, một năm trước khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong khi đó, tài sản của Mỹ cũng tăng gấp đôi trong giai đoạn 2000 đến 2020 lên mức 90.000 tỉ USD. Mức tăng trưởng của Mỹ bị tác động bởi lĩnh vực bất động sản.

Tại cả Mỹ và Trung Quốc - 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới - hơn 2/3 tài sản thuộc về 10% hộ gia đình giàu nhất nắm giữ và tỉ trọng của những gia đình này ngày càng tăng lên, báo cáo mới nhất lưu ý.

Theo tính toán của McKinsey, 68% giá trị ròng toàn cầu gắn với bất động sản. Các tài sản còn lại bao gồm máy móc, cơ sở hạ tầng, thiết bị, bằng sáng chế và tài sản trí tuệ.

Theo McKinsey, mức tăng giá trị tài sản ròng trong 2 thập kỷ qua đã vượt mức tăng GDP toàn cầu và được thúc đẩy chủ yếu từ giá bất động sản tăng cao do lãi suất giảm./.

HH (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực