Thông tin trên được Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, tại cuộc họp báo Bộ Công an, chiều 2/10.
Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, tất cả khách hàng sau khi trúng đấu giá đã ký biên bản xác nhận.
Trong các phiên đấu giá, buổi đầu tiên (15/9) gây chú ý nhiều nhất về mức tiền được trả cho 11 biển số tổng cộng hơn 82 tỷ đồng.
|
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông tin với báo chí. Ảnh: TH. |
Mức giá cao kỷ lục 32,34 tỷ đồng đã thuộc về biển số khu vực TP Hồ Chí Minh: 51K-888.88. Đây cũng là biển số thu hút tới hơn 400 lượt trả giá. Đứng thứ hai và thứ ba đều là biển số của Hà Nội. Trong đó, biển 30K-555.55 có giá hơn 14,1 tỷ đồng. Biển 30K-567.89 có giá hơn 13 tỷ đồng. Như vậy, 3 biển số có giá cao đều thuộc về 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hiện 5 người đã nộp tiền.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết trong 6 người chưa nộp, 3 người trúng đấu giá biển số 51K-888.88 (32,34 tỷ đồng), 30K-567.89 (13 tỷ đồng) và 30K-555.55 (14,12 tỷ đồng) đã liên hệ với Cục Cảnh sát giao thông để "tìm hiểu các bước tiếp theo về quy trình, thủ tục pháp lý".
Từ ngày 15/9 đến 30/9, 493 biển số đã được đấu giá, dự thu hơn 214 tỷ đồng. Đến nay, có 76 người đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nộp 16,8 tỷ đồng; 3 khách hàng đã đăng ký biển số.
Trước băn khoăn của nhiều người dân về thủ tục sang tên, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho hay, khi người dân có đầy đủ thủ tục mua bán, sang tên, di chuyển, gửi đến cơ quan Công an, trong vòng 2 ngày được làm thủ tục. Khi người sử dụng phương tiện không xác định được chủ sở hữu, có thể thay mặt chủ sở hữu ký vào tờ khai sang tên di chuyển, nộp cơ quan Công an. Cơ quan Công an tiếp nhận hồ sơ và ra thông báo trong thời hạn 30 ngày giải quyết cho người dân.
Như vậy, người dân không cần phải yêu cầu chủ phương tiện cũ đến để rút hồ sơ, điều này đã tháo gỡ vướng mắc tại Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới.../.