Bộ Y tế nhất quán quan điểm đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng

Thứ hai, 11/11/2024 17:15
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, qua lấy ý kiến của các bộ, ngành, đa phần rất ủng hộ đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội có những giải pháp cấm sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Bộ Y tế nhất quán quan điểm đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Chiều 11/11, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan bắt đầu "ngồi ghế nóng", trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tập trung vào 04 nhóm vấn đề: Việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; Việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; Thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.

Một trong những nội dung được các Đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi chất vấn đó là về giải pháp của Bộ Y tế về tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang gia tăng gần đây cũng như trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc tham mưu về việc cấm sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng như thế nào…?

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đưa ra một số sản phẩm thuốc lá điện tử đang được lưu hành trôi nổi trên thị trường với hình thức rất bắt mắt, có sức thu hút với thanh thiếu niên, trẻ em, trước Hội trường chiều 11/11.

Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn.

Về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường, Bộ trưởng Y tế nhắc đến sự xuất hiện của thuốc lá mới gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng - những sản phẩm được nhận diện "gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội và môi trường sống, ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tượng thanh, thiếu niên".

Theo Bộ trưởng Lan, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã được Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều chuyên gia y tế cảnh báo là độc hại, gây nghiện, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người, đặc biệt là giới trẻ. Tổ chức Y tế Thế giới đã có 2 văn bản chính thức gửi Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam, nhưng hiện chưa có cơ chế pháp lý quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; khái niệm này chưa có trong luật, cũng chưa giao cho cơ quan nào quy định về quy chuẩn, hay tiêu chuẩn quản lý.

Bộ trưởng Y tế dẫn đánh giá của Hội Kinh tế y tế, cho thấy thiệt hại về kinh tế do hút thuốc lá tính sơ bộ lớn gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế mang lại. Đặc biệt tính chất gây nghiện, pha trộn ma túy ngày càng phổ biến và tinh vi đã được Bộ Công an cảnh báo.

Nhưng thực tế, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hấp dẫn và thu hút giới trẻ như hướng đến phong cách sống thời thượng; kiểu dáng, hương vị đa dạng, hấp dẫn và lại có giá rất rẻ, nên giới trẻ dễ dàng sở hữu các sản phẩm này.

Thậm chí, theo Bộ trưởng Y tế, còn có tình trạng sử dụng các thần tượng của giới trẻ để quảng bá sản phẩm độc hại này.

"Theo báo cáo tổng hợp của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, riêng năm 2023 có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng", Bộ Y tế nêu rõ và chỉ ra bất cập khi chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.

Theo Bộ trưởng, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và trước mắt sẽ trình ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác.

Tham gia chất vấn, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn ĐBQH Đắk Nông) nêu rõ, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang là mối nguy hiểm cho sức khoẻ con người, nhất là đối với thanh thiếu niên. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đánh giá về thực trạng này và giải pháp kiểm soát tình hình này?

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế chiều 11/11.

Trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Qua điều tra tại 34 tỉnh, thành phố vào năm 2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong đó tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi. Kết quả điều tra liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo các nhóm tuổi thấy rằng, nhu cầu và việc sử dụng trong giới trẻ, đặc biệt là đối với phụ nữ trẻ em gái cũng tăng lên.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng phân tích về những tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đặc biệt là đối với giới trẻ. Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng cho biết đã chỉ ra nguyên nhân thuốc lá điện tử và nung nóng trôi nổi trên thị trường dù chúng ta chưa cho phép bán, trong đó có nguyên nhân từ tình trạng nhập lậu.

“Là cơ quan bảo vệ sức khỏe cho người dân, Bộ Y tế đề xuất có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết tình trạng buôn bán thuốc lá điện tử làm ảnh hưởng đến người dân, hướng tới cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng bằng một Nghị quyết của Quốc hội, trước khi sửa đổi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ.

Có thể xây dựng và nhân rộng mô hình hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, chất kích thích cho trẻ em ở địa phương hay không?

Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho biết, Bộ Y tế đã chính thức công bố tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, kiến nghị cấm với mặt hàng này. Đại biểu Mai Thoa đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, liệu có thể thực hiện được việc xây dựng và nhân rộng mô hình hỗ trợ cai nghiện thuốc lá và chất kích thích cho trẻ em ở các địa phương hay không?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chính phủ đã thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá với 9 nhiệm vụ, trong đó có nhóm nhiệm vụ thành lập tổ chức mạng lưới cai nghiện thuốc lá để thiết lập hỗ trợ người dân cai nghiện thuốc lá.

Bộ Y tế đã tổ chức được 24 điểm tham gia vào mạng lưới cai nghiện, đó là các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế gồm các bệnh viện chuyên khoa có số lượng bệnh nhân lớn như Bạch Mai, Phổi Trung ương, Ung bướu Hà Nội, Nhân dân Gia Định… Riêng Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức một Trung tâm cai nghiện thuộc bệnh viện thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện trên cả nước liên quan đến cai nghiện thuốc lá.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng thành lập những tổng đài tư vấn cai nghiện trực tiếp và hoạt động rất hiệu quả.

Khi nào ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng?

Tham gia chất vấn, đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) cho biết, Công điện số 47 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của thuốc lá này. Cụ thể, nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết khi nào sẽ thực hiện nhiệm vụ này?

Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Quốc hội, Điều 12 có quy định trường hợp thuốc lá mới được phép nhập khẩu, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá hoặc văn bản quy phạm pháp luật quy định thì các sản phẩm thuốc lá mới sẽ là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về quy định này?

Gửi câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) cho biết, theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm phòng, chống ma túy (Bộ Công an), tình trạng tẩm ướp ma túy trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá thế hệ mới tăng rất mạnh và khó phát hiện và Cục đồng tình cấm sản xuất, nhập khẩu, phân phối và quảng cáo các loại thuốc lá này. Tuy nhiên, Bộ Công Thương muốn thí điểm để quản lý tốt hơn. Không ít cử tri phản ánh nhiều nhóm lợi ích của ngành công nghiệp thuốc lá đang tích cực vận động để duy trì thử nghiệm quản lý các sản phẩm thuốc lá này. Trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc tham mưu như thế nào?

Tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tác hại đến sức khỏe người dân, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam đã tham gia vào Công ước khung phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh giảm thiểu tác hại của thuốc lá thông thường, với những hình thức xuất hiện mới của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ngành Y tế cũng đã có rất nhiều giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Y tế phối hợp với ngành Giáo dục, các cơ quan liên quan tăng cường truyền thông và phòng, chống tác hại thuốc lá nói chung, trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, qua lấy ý kiến của các bộ, ngành đa phần rất ủng hộ đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội có những giải pháp cấm sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Bộ Y tế đã tổ chức đánh giá tác động làm căn cứ khoa học; đã tổ chức công bố tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử ra công chúng. Các giải pháp này là những giải pháp mang tính chất căn cơ để cung cấp các bằng chứng, căn cứ pháp lý để Chính phủ quyết định các giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu về triển khai Công điện 47 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ Y tế đã hoàn thành báo cáo trình Chính phủ, tham mưu ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội về vấn đề này.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trình tại Kỳ họp thứ 8 đã đề xuất đến nội dung tính thuế đối với thuốc lá mới trong phần tổ chức thực hiện, Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã có ba văn bản gửi Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Bởi trên cơ sở đánh giá của Hiệp hội kinh tế y tế, nếu thu được một đồng thuế liên quan tới các loại thuế này, chúng ta phải mất 5 đồng để giải quyết các vấn đề liên quan tới sức khỏe của người dân, chưa kể các hệ lụy gây ra đối với sức khỏe tinh thần, thể chất của người dân.

“Bộ Y tế nhất quán quan điểm đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Rất mong đại biểu Quốc hội khi thảo luận cân nhắc nội dung liên quan tính thuế”- Bộ Trưởng Đào Hồng Lan nói và mong Quốc hội ủng hộ cấm các loại hình thuốc lá mới./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực