Đầu tư nguồn lực, trang thiết bị cho công tác xét xử trực tuyến

Thứ sáu, 17/03/2023 15:04
(ĐCSVN) - Việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến bước đầu đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, công tác này hiện nay gặp không ít các khó khăn do TAND chưa được đầu tư, lắp đặt trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến đồng bộ.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 21 về tình hình triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 5.404 vụ án

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15, TANDTC đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP để phối hợp thực hiện, và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện.

Tính đến hết tháng 02/2023, có tổng cộng 647 Tòa án (03 Tòa án nhân dân cấp cao; 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 581 Tòa án nhân dân cấp huyện) đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 5.404 vụ án (hình sự 4.379 vụ, dân sự 220 vụ, hành chính 342 vụ, hôn nhân và gia đình 97 vụ, lao động, kinh doanh thương mại 13 vụ, các loại vụ việc khác 353 vụ).

Một phiên tòa xét xử trực tuyến. Ảnh: TL. 

Việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội bước đầu đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, công tác này hiện nay gặp không ít các khó khăn do TAND chưa được đầu tư, lắp đặt trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến đồng bộ.

Các thiết bị đang sử dụng phục vụ cho xét xử trực tuyến chủ yếu tận dụng các trang thiết bị họp trực tuyến để phục vụ xét xử nên chất lượng hình ảnh, âm thanh và phần hiển thị hình ảnh chưa đạt yêu cầu theo quy định; một số Tòa án thuê thiết bị để phục vụ xét xử rất tốn kém, trong khi đó kinh phí cho nội dung này không được bố trí nguồn.

Bên cạnh đó, mặc dù các đơn vị liên quan đã tích cực phối hợp với các Tòa án trong việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến, tuy nhiên, phần lớn các cơ sở giam giữ chưa được cơ quan chủ quản trang bị, lắp đặt thiết bị xét xử trực tuyến nên khi tổ chức xét xử trực tuyến các vụ án hình sự Tòa án cũng phải chủ động phối hợp với cơ sở giam giữ mượn hoặc thuê thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến.

Đề nghị Bộ Công an sớm bảo đảm nguồn lực cho xét xử trực tuyến tại các cơ sở giam giữ

Về lâu dài, để bảo đảm hoạt động xét xử trực tuyến chuyên nghiệp, thực sự mang lại lợi ích cho Tòa án và xã hội, TANDTC cũng đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đến việc đầu tư nguồn lực, trang thiết bị cho công tác này.

Tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan như Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp…, đặc biệt là đề nghị Bộ Công an sớm bảo đảm nguồn lực triển khai lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho xét xử trực tuyến tại các cơ sở giam giữ.

Đồng thời, tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng xét xử trực tuyến cho các Thẩm phán, Thư ký và Hội thẩm nhân dân; bổ sung và nâng cao trình độ chuyên môn cho nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh để đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành hệ thống xét xử trực tuyến.

Tăng cường công tác hợp tác quốc tế, nhất là về trao đổi, học tập kinh nghiệm và tận dụng các nguồn lực quốc tế về tố tụng điện tử và xét xử trực tuyến…/.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực