Chiều 22/2, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 30, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cảnh vệ.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về cảnh vệ
Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Qua 5 triển khai thi hành Luật xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ. Cụ thể:
Về đối tượng cảnh vệ, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xác định là Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 35-KL/TW ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
|
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Ảnh: QH |
Đối với nhóm đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng, Điểm đ, Khoản 4, Điều 10 Luật Cảnh vệ quy định tiêu chí hội nghị, lễ hội do Nhà nước tổ chức được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng chưa phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ về bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật triển khai thực hiện công tác của lực lượng Cảnh vệ.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 05 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ. Dự thảo Luật gồm 02 Điều.
Về nội dung cơ bản của dự thảo Luật, quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng; cụ thể sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng. Bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định cơ sở để áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam: "trên cơ sở có đi có lại". Đồng thời quy định cụ thể việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt của sĩ quan cảnh vệ...
Cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết Thường trực UBQPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật này.
Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, các chính sách nêu tại Tờ trình số 56/TTr-CP và các quy định trong dự thảo Luật là phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, cơ bản bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
|
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: TH |
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát và quy định trong luật các nội dung làm hạn chế quyền con người, quyền công dân; rà soát để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân, Luật Cảnh sát cơ động, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...
Về bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thường trực UBQPAN nhất trí với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được xác định trong Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị. Việc bổ sung ba chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị.
Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc bổ sung đối tượng được bảo vệ, bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với các đối tượng không thuộc đối tượng cảnh vệ được quy định để phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đồng tình bổ sung một số biện pháp cảnh vệ, điều kiện đảm bảo để thực hiện các biện pháp cảnh vệ, qua công tác phối hợp với lực lượng cảnh vệ, Bộ Công an trong đảm bảo các điều kiện cần thiết, đặc biệt trong các công tác đối ngoại. Đây đều là những biện pháp đã được thực hiện và phát huy hiệu quả trong thực tiễn, vì vậy, việc luật hóa là cần thiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo tính hợp hiến, tuy nhiên đề nghị rà soát các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân để đảm bảo tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời, đồng tình với việc bổ sung thêm ba đối tượng cảnh vệ bởi đây đều là những chức danh có vị trí, tầm quan trọng trong hệ thống chính trị…/.