Giám sát việc thực hiện chính sách về hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Thứ tư, 13/12/2023 15:59
(ĐCSVN) - Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát đã ký ban hành Kế hoạch số 623/KH-ĐGS giám sát chi tiết về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”.

Theo kế hoạch, việc đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cần bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn được xác định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các văn kiện có liên quan của Đảng và quy định của pháp luật.

Phiên họp thứ Nhất của Đoàn giám sát (Ảnh: QH) 

Kế hoạch số 623/KH-ĐGS đã nêu rõ nội dung giám sát nhằm đánh giá kết quả đạt được; hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc: Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tập trung vào: sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sắp xếp, tổ chức lại. Về quản lý biên chế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các đơn vị sự nghiệp công lập. Về đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, việc thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Về nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập. Về hoàn thiện cơ chế tài chính; thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, trọng tâm là tự chủ tài chính. Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Đoàn giám sát cũng đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đến năm 2025 và 2030 mà Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra.

Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

Phạm vi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập từ ngày 25/10/2017 (từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW) đến hết ngày 31/12/2023 trên phạm vi cả nước; một số chỉ tiêu có so sánh với năm 2015.

Kế hoạch số 623/KH-ĐGS cũng phân công cụ thể nhiệm vụ các thành viên và công việc của Đoàn giám sát, trong đó: Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát; Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Trưởng Đoàn thường trực; Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Trưởng Đoàn; Đồng chí Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy viên Đoàn giám sát, Tổ trưởng Tổ giúp việc; Các thành viên Đoàn giám sát và đại biểu, chuyên gia mời tham gia Đoàn giám sát.

Đoàn giám sát cũng ban hành kế hoạch giám sát chi tiết, các Đề cương báo cáo, tiến độ, thời gian cụ thể làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức các phiên họp, cuộc họp của Đoàn giám sát. 

Dự kiến, tại phiên họp tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề. 

Trước ngày 30/9/2024, Đoàn giám sát tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát và Nghị quyết giám sát chuyên đề trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành và gửi đại biểu Quốc hội./.

TG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực