Một số chính sách có hiệu lực tháng 2

Thứ hai, 01/02/2021 15:50
(ĐCSVN) - Không tăng lương tối thiểu vùng so với năm 2020, dừng phát hành thẻ từ ATM, thay bằng thẻ chip, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc dưới 30 ngày không cần giấy phép… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2021.

Không tăng lương tối thiểu vùng so với năm 2020

Nghị định 145/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Theo điểm a khoản 1 Điều 96 Nghị định 145/2020 về chế độ của hòa giải viên lao động có nhắc đến quy định từ ngày 1/1/2021, mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định số 90/2019 ngày 15/11/2019 của Chính phủ.

Như vậy, năm 2021 giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng như năm 2020, tương đương:

Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Nghị định cũng quy định, khi NLĐ làm ngành, nghề, công việc đặc thù đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với những NLĐ này thì thời hạn báo trước như sau: Ít nhất 120 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên; ít nhất bằng một phần tư thời hạn của HĐLĐ đối với HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: TL.

Bỏ quy định cấm ca sĩ hát "nhép"

Từ ngày 1/2/2021, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (trên lãnh thổ Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài) có hiệu lực.

Trong đó, Điều 3 Nghị định 144 đã bỏ quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Nghị định này còn quy định một số nội dung khác như: Cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu không cần đáp ứng điều kiện cần phải có danh hiệu người đẹp, người mẫu trong nước.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật bằng văn bản đối với một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:  Vi phạm quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn (quy định tại Điều 3 Nghị định này); Không thông báo hoặc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật; Vì lý do quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp.

Có thể làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại sổ đỏ tại nhà

Nội dung đáng chú ý này được đề cập tại Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực từ ngày 8/2/2021.

Nghị định 148/2020/NĐ-CP quy định một trong những trường hợp được cấp đổi Sổ đỏ cũng như cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng đã cấp là “do đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất”, trước đây, tại điểm c khoản 1 Điều 76 Nghị định 43 quy định trường hợp trên còn bao gồm “do dồn điền đổi thửa”.

Nghị định 148/2020/NĐ-CP đã bổ sung một quy định: Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Sổ đỏ theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục được thực hiện theo thỏa thuận.

Tuy nhiên, thời gian thực hiện thủ tục không quá thời gian do UBND cấp tỉnh quy định.

Như vậy, với quy định nêu trên, từ ngày 08/02/2021, người dân có thể làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại Sổ đỏ nhanh, tại nhà nếu như có nhu cầu.

Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc dưới 30 ngày không cần giấy phép

Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2021.

Căn cứ Điều 7 Nghị định này, người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động gồm:

Người lao động nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.

Người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 3 lần trong 01 năm…

Ngoài các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định, người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải được cấp giấy phép lao động.

Thời hạn của giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của một trong các trường hợp quy định tại Điều 10 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP nhưng không quá 02 năm.

Dừng phát hành thẻ từ ATM, thay bằng thẻ chip

Thông tư 22/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hiệu lực từ 16/2/2021 sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016 ngày 30/6/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.

Theo đó, từ 31/3/2021, các Tổ chức phát hành thẻ thực hiện phát hành thẻ có BIN (Bank Identification Number - số nhận dạng ngân hàng) do Ngân hàng Nhà nước cấp phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

Ngoài ra, lùi thời hạn yêu cầu 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của Tổ chức thanh toán thẻ phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa đến ngày 31/12/2021 thay vì ngày 31/12/2020 như quy định cũ.

Như vậy, từ 31/3/2021, các ngân hàng dừng phát hành thẻ từ ATM, thay vào đó sẽ phát hành thẻ chip./.

VT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực