Quy định cụ thể về tiêu chí, nguyên tắc xét thăng bậc hàm trong ngành Công an

Thứ bảy, 27/05/2023 17:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Cho ý kiến về thời hạn để xét thăng cấp bậc hàm Đại tá lên Thiếu tướng, nhiều đại biểu đề nghị quy định ngay trong luật về nguyên tắc, tiêu chí xét thăng bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng để đảm bảo tính thống nhất với văn bản pháp luật liên quan.
 
 Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân chiều 27/5. Ảnh: TTXVN

Chiều ngày 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, đa số đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân như Tờ trình của Chính phủ.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về công an nhân dân, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng này; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng công an nhân dân để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ sự cần thiết sửa đổi luật, vì sự cấp bách của yêu cầu thực tiễn, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, hay để giải quyết vấn đề chính sách cho cán bộ trong ngành. Đồng thời, ban soạn thảo bổ sung kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ và lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động như thế nào.

Cho ý kiến về thời hạn để xét thăng cấp bậc hàm Đại tá lên Thiếu tướng, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, để được xét thăng bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng cần phải có thời gian công tác còn lại ít nhất là 3 năm. Tương tự, quy định tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc để xét thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn cũng cần có tiêu chí cụ thể rõ ràng, quy định thời gian tối thiểu thăng bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang), đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình), đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề nghị quy định ngay trong luật về nguyên tắc, tiêu chí xét thăng bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng để đảm bảo tính thống nhất với văn bản pháp luật liên quan như: Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Thi đua khen thưởng. Ngoài ra, các đai biểu cũng đề nghị bổ sung trong luật thời gian xem xét thăng bậc hàm, theo đó có thể bổ sung hàng năm Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị Chủ tịch nước phong hàm cấp tướng vào thời gian cụ thể.

Về cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá đối với Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Trung đoàn trưởng, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị bổ sung trong dự thảo luật về Trưởng Công an thành phố loại 1 thuộc tỉnh mang cấp hàm cao nhất là Đại tá.

Cho ý kiến về quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, đa số ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an đối với nam. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cân nhắc việc nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với nữ Thượng tá lên 03 tuổi, nữ Đại tá lên 05 tuổi. Bởi mức tăng này chưa phù hợp với thực tế, trong khi đa số cấp bậc hàm khác tăng 02 tuổi để phù hợp với môi trường công tác đặc thù của lực lượng công an nhân dân; đề nghị cân nhắc tăng tuổi đối với nữ theo lộ trình phù hợp.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, qua rà soát các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa đáp ứng được các chủ trương, chính sách của Đảng nên cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi để kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và tiến trình cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số của Chính phủ.

Các đại biểu cũng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật là cần thiết trong tình hình hiện nay xuất phát từ yêu cầu tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập, xuất cảnh Việt Nam phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.

Khánh Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực