Tập trung vào các vấn đề nổi cộm được cử tri và nhân dân quan tâm

Thứ ba, 18/01/2022 18:21
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban Dân nguyện thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số nội dung nổi cộm, kiến nghị của cử tri từ nay đến Tết nguyên đán.

Chiều 18/1, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2021 của Quốc hội.

100% kiến nghị của cử tri được giải quyết đúng quy định

Báo cáo về công tác dân nguyện tháng 12/2021 của Quốc hội do Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày cho biết, cử tri hoan nghênh và đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần chủ động vào cuộc “từ sớm, từ xa”, đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. 

Bên cạnh một số nội dung kiến nghị, phản ánh chung về kinh tế - xã hội, cử tri kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành hữu quan cần tiếp tục có nhiều giải pháp tích cực hơn nữa khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh tại những vùng có dịch để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp; bảo đảm lưu thông, vận tải hàng hóa được liên tục, thông suốt giữa tất cả các vùng trong cả nước, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu. Kiến nghị quy định gia hạn thời gian và có giải pháp hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 126/NQ-CP đồng thời xem xét, bổ sung đối tượng là người lao động, người đang điều trị COVID-19 và cách ly y tế tại nhà nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Cử tri cũng kiến nghị, Quốc hội, HĐND các cấp tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát, nhất là giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách liên quan đến phục hồi và phát triển kinh tế, chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em…

 Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: QH.

Về kết quả tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cử tri, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Hai của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện tổng hợp được 923 kiến nghị của cử tri; 218 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Sau khi rà soát, phân loại, Ban Dân nguyện đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, về kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, đối với 536 kiến nghị cử tri gửi đến sau Kỳ họp thứ Nhất, trong tháng 12, Ban Dân nguyện đã nhận được thêm 21 văn bản trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ Nhất. Như vậy, tính đến nay, đã có 536/536 kiến nghị của cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV được giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 100%.

Đối với kiến nghị cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 2, Ban Dân nguyện đã nhận được thêm 1.055 văn bản trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 2. Như vậy, tính đến nay, mặc dù chưa đến thời hạn trả lời nhưng đã có 1.315/1.707 kiến nghị cử tri đã được giải quyết, trả lời, một số cơ quan đã trả lời 100% kiến nghị cử tri gửi đến.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, tình hình khiếu nại, tố cáo, trên phạm vi cả nước có xu hướng tăng hơn so với tháng trước. Tại trụ sở tiếp công dân ở Trung ương, Ban Dân nguyện và các cơ quan Trung ương đã tiếp 385 lượt công dân đến trình bày về 166 vụ việc (tăng 178 lượt người và 58 vụ việc so với tháng trước). 

Trong kỳ báo cáo, các cơ quan của Quốc hội, Ban công tác đại biểu và Ban Dân nguyện nhận được 1.631 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (tăng 17,42%) so với tháng trước, trong đó có 341 đơn thư đủ điều kiện xử lý (tăng 3,64%).

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID- 19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nên việc tổ chức tiếp công dân của các Đoàn đại biểu Quốc hội bị ảnh hưởng, số buổi tiếp công dân của các Đoàn không thực hiện được như chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Quan tâm, thống nhất quy định đón người dân về quê ăn Tết

 Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận định, báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội đã tập hợp ý kiến của dư luận trên báo chí, phản ánh khá toàn diện và đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, nêu bật kiến nghị và các vấn đề cử tri quan tâm. Đồng thời tổng hợp được kết quả, trả lời, theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền trả lời kiến nghị sau các kì họp cụ thể.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay, hiện nay việc thực hiện quy định đón người dân các tỉnh về quê ăn Tết rất khác nhau và khác với quy định trong Nghị quyết 128 của Chính phủ đã ban hành theo nghị quyết định chung của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng cho biết, do quy định không thống nhất nên thực tế đa phần lao động có hợp đồng ở khu vực miền núi đã về quê sớm và tự cách ly để kịp đón Tết với gia đình.

Nêu rõ hiện nay ứng xử của các tỉnh đối với người dân về quê ăn Tết trên các phương tiện thông tin truyền thông cho thấy đang rất khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là việc cấp bách, cần được quan tâm để có cách giải quyết kịp thời, hợp lý hơn. Ban Dân nguyện cần tổng hợp đầy đủ các nội dung, kiến nghị của cử tri, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.../.

Vy Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực