Hộ chiếu vaccine – chìa khóa mở lại cánh cửa du lịch

Thứ hai, 25/10/2021 10:16
(ĐCSVN) – Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, thế giới thay vì mục tiêu đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh là tâm thế sẵn sàng sống chung với COVID-19. Chiến lược “hộ chiếu vaccine”, vì vậy, được xem là giải pháp khả thi nhằm từng bước gỡ khó và mở lối đi cho nền kinh tế - đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh thời gian qua.

Sự ra đời của vaccine COVID-19 vào tháng 12/2020 đã làm dấy lên hy vọng rằng việc cấp hộ chiếu vaccine có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế thế giới, đặc biệt là của ngành du lịch và lữ hành. Miễn là vaccine sẽ tạo đủ khả năng miễn dịch và tránh lây truyền, người ta kỳ vọng nó sẽ cho phép người dân di chuyển qua biên gới mà không phải thực hiện các yêu cầu kiểm dịch và thử nghiệm kéo dài.

Hộ chiếu vaccine cung cấp thông tin xác thực có thể được sử dụng để chứng minh rằng một người đã tiêm đủ số mũi vaccine phòng, chống COVID-19, 2 mũi theo đúng quy định của nhà sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước. Nó có thể ở dạng giấy chứng nhận hoặc dạng thẻ, app công nghệ…

Hộ chiếu vaccine không phải là một phát minh mới, mà trước đó từng được đề cập như vào thế kỷ 20, nhiều quốc gia trên thế giới đã yêu cầu bằng chứng về việc tiêm phòng vaccine ngừa bệnh sốt vàng. Gần đây, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, kéo dài thì các quốc gia lại bắt đầu xem xét tới ý tưởng này. Điều làm cho hộ chiếu vaccine COVID-19 khác với các phiên bản trước là nó có thể được áp dụng dưới dạng kỹ thuật số - tiện lợi và khó làm giả hơn.

Những lợi ích không thể phủ nhận

Có thể thấy rõ ràng rằng hơn lúc nào hết, thế giới đang tập trung mọi nỗ lực nhằm bảo đảm dịch bệnh COVID-19 không tiếp tục lây lan, cướp đi các sinh mạng; song song với đó là phục hồi kinh tế và khôi phục lại sự sôi động của giao thương quốc tế. Trong bối cảnh đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hộ chiếu vaccine có thể là cơ sở để chúng ta tái thiết hoạt động giao lưu, phá vỡ tình trạng đóng băng của nhiều ngành kinh tế khi đại dịch vẫn đang tiếp diễn. Hộ chiếu vaccine cũng được đánh giá là một con đường nghiêm túc để thúc đẩy du lịch và giao lưu quốc tế. Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, các hãng hàng không đã chứng kiến tổng doanh thu hoạt động của họ bị cắt giảm 370 tỷ USD vào năm 2020 và sự thiếu hụt đối với lĩnh vực du lịch có lẽ cũng đã vượt quá 1.000 tỷ USD như ước tính của Tổ chức Du lịch Thế giới.

Thêm vào đó, hộ chiếu vaccine cũng có thể là chìa khóa đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường khi nó có thể được cấp cho những người đã tiêm phòng và cho phép họ tham gia các hoạt động cộng đồng, giúp họ yên tâm rằng người bên cạnh mình cũng đã được tiêm phòng, và do đó các quốc gia có thể bãi bỏ việc hạn chế/cấm tụ tập đông người, giúp những địa điểm hay hoạt động cộng đồng trở nên an toàn hơn. Hiện nay, điều kiện tiên quyết để cuộc sống của người dân trên khắp thế giới có thể trở lại trạng thái bình thường, đó chính là việc dỡ bỏ các rào cản phong tỏa đi lại. Vì vậy, nếu một quốc gia đạt ngưỡng “miễn dịch cộng đồng” nhờ tiến hành tiêm phòng trên diện rộng thì rõ ràng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội sẽ là không cần thiết.

Hộ chiếu vaccine cũng giúp tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực và kinh phí liên quan đến việc cách ly khi nhập cảnh vào các quốc gia trên thế giới.

 Từ ngày 20/11/2021, Phú Quốc sẽ thí điểm đón khách du lịch. (Ảnh: Tuệ Minh)

Thí điểm tại thị trường nội địa

Xu hướng chung trên thế giới hiện nay là điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh, cách ly theo hướng ưu tiên người đã mang “hộ chiếu vaccine”. Các chính sách này có thể là việc mở cửa riêng đối với người đã được tiêm chủng đến từ vùng dịch; cho phép người nhập cảnh có “Hộ chiếu vaccine” được hưởng các ưu đãi về các biện pháp kiểm soát y tế (giảm thời gian hoặc miễn cách ly tập trung, giảm số lần xét nghiệm...).

Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó, rất nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ của chúng ta cần được kết nối với thế giới, việc đi lại an toàn không chỉ là nhu cầu của người dân mà còn là huyết mạch của nền kinh tế quốc dân. Thêm vào đó, tỷ lệ tiêm chủng trong nước ta đã tăng nhanh, vì vậy, cần có chính sách hợp lý để những người đã được tiêm chủng được đi lại, được làm việc hoặc tham gia các hoạt động xã hội một cách an toàn.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm thúc đẩy tiêm chủng rộng rãi cho người dân và triển khai công nhận hộ chiếu vaccine với các nước. Việc làm này đánh dấu bước chuyển của chiến lược chống dịch của chúng ta từ hướng tới số ca nhiễm COVID-19 bằng không, sang chung sống an toàn với dịch bệnh, tức là có số lượng ca bệnh trong tầm kiểm soát, hạn chế tối đa các trường hợp bệnh nặng và tử vong. Bên cạnh đó, việc công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước/vùng lãnh thổ còn quan trọng và cần thiết, bởi đây là chìa khoá để mở cánh cửa ra quốc tế, nới lỏng dần các hạn chế nhập cảnh và nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, khôi phục các ngành du lịch, lữ hành, khách sạn.

Ngày 21/10 vừa qua, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra theo hình thức trực tuyến, thông tin về quy trình công nhận và cấp giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc “hộ chiếu vaccine”. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết theo tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, hiện nay Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng hay “hộ chiếu vaccine” của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được các quốc gia, vùng lãnh thổ này giới thiệu chính thức tới Bộ Ngoại giao. Những người mang giấy tờ này sẽ được sử dụng trực tiếp tại Việt Nam và giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế về việc rút ngắn thời gian cách ly đối với người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã mắc COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng đang trao đổi với gần 80 đối tác về việc công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm chủng hay hộ chiếu vaccine. Hiện giấy chứng nhận vaccine do Việt Nam cung cấp đã được một số quốc gia công nhận.

Theo các chuyên gia, việc triển khai hộ chiếu vaccine sẽ tăng sự tự tin cho ngành du lịch để sớm phục hồi lĩnh vực này. Kế hoạch của Việt Nam trong việc thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine ở Phú Quốc là một bước quan trọng để chào đón du khách quốc tế quay trở lại đất nước.

UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc sử dụng hộ chiếu vaccine nhằm từng bước phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế, khôi phục lại các hoạt động du lịch và các ngành kinh tế, dịch vụ có liên quan góp phần bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu về lượng khách và tổng thu từ du lịch góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Theo đó, từ ngày 20/11 tới đây sẽ tổ chức đón một số chuyến bay thuê bao (charter flight) đến Phú Quốc để vận hành thử nghiệm quy trình đón, phục vụ khách để đánh giá, rút kinh nghiệm. Từ ngày 20/12, sẽ triển khai thực hiện theo lộ trình. Cụ thể, giai đoạn 1 (từ 20/12/2021 đến 20/3/2022): thí điểm đón từ 3.000 - 5.000 khách/tháng, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến, triển khai phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế. Giai đoạn 2 (từ 20/3/2022 đến 20/6/2022): sau khi đánh giá kết quả giai đoạn 1 triển khai thí điểm, nếu đảm bảo yêu cầu sẽ đề xuất mở rộng quy mô dự kiến đón từ 5.000 - 10.000 khách/tháng…

Đối tượng khách du lịch quốc tế được lựa chọn đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại một số khu vực như Châu Âu, Trung Đông, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Châu Úc... Khách du lịch quốc tế sẽ được nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, thông qua các chuyến bay charter flight.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu hành khách có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận. Thời gian tiêm mũi 2 ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh vào thành phố Phú Quốc. Hoặc có chứng nhận đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận. Thời gian từ lúc xuất hiện tính đến ngày nhập cảnh vào phú quốc không quá 6 tháng; Có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT -PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (Bằng tiếng Anh) với kết quả khẳng định âm tính. Đối với trẻ em dưới 18 tuổi cần có giấy xét nghiệm với yêu cầu như trên được phép đi cùng cha mẹ, hoặc người giám hộ đã được tiêm chủng đầy đủ theo quy định. Có vé máy bay khứ hồi, có đăng ký tham gia chương trình tour du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành do tỉnh Kiên Giang đề xuất, có mua bảo hiểm y tế.

Trước đó, Quảng Ninh đã từng là địa phương đầu tiên được Chính phủ cho phép thực hiện chương trình “Hộ chiếu vaccine” tổ chức đón những chuyến bay quốc tế về Việt Nam dành cho những hành khách đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Ngày 4/9, Sân bay quốc tế Vân Đồn của Quảng Ninh đã đón chuyến bay đầu tiên thí điểm chương trình này. Chuyến bay mang số hiệu VN5311 chở 297 công dân Việt Nam từ Nhật Bản đã được đón an toàn…

An toàn là trên hết

Có thể thấy rằng kế hoạch của chúng ta trong việc thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine ở Phú Quốc là một bước quan trọng để chào đón du khách quốc tế quay trở lại đất nước. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hộ chiếu vaccine hiện vẫn còn là vấn đề khá mới và nhiều băn khoăn nên trong quá trình thực hiện cần có lộ trình thí điểm bài bản với những bước đi thận trọng, nhất là khi các nước hiện đang lựa chọn sử dụng nhiều loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau với hiệu quả bảo vệ khác nhau, thời gian hiệu lực của vaccine cũng cần được đánh giá thêm.

Theo các chuyên gia du lịch, việc mở cửa đón khách quốc tế trở lại cũng cần có lộ trình, giải pháp và những bước đi thận trọng. Mấu chốt nhất là phải đảm bảo an toàn cho du khách và phải xây dựng được các điểm đến an toàn.

Với phương châm yếu tố được đặt lên trên hết là sự an toàn của người dân, chương trình “Hộ chiếu vaccine” khi áp dụng tại Việt Nam cần được tính toán kỹ lưỡng và thay đổi linh hoạt cho phù hợp với điều kiện của nước ta.

Trong giai đoạn thí điểm hộ chiếu vaccine, nên đón khách từ những chuyến bay thuê bao trọn gói và xây dựng hành trình du lịch khép kín, bảo đảm khách du lịch cùng đến một điểm để dễ kiểm soát mức độ an toàn, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch ra cộng đồng.

Áp dụng hộ chiếu vaccine COVID-19 đem lại nhiều hy vọng giúp phục hồi nền kinh tế và nỗ lực đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, cùng với việc áp dụng hộ chiếu vaccine, việc thực thi các giải pháp đồng bộ đi kèm là rất quan trọng để sáng kiến này thực sự hiệu quả và an toàn.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Tuệ Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực