Hướng đi nào cho startup Việt trong bối cảnh dịch COVID-19 còn phức tạp?

Thứ tư, 22/09/2021 11:03
(ĐCSVN) – Đại dịch COVID-19 khiến cho 3/4 startup tại hầu khắp các quốc gia trong đó có Việt Nam phải tạm dừng, và không có hi vọng huy động được thêm vốn đầu tư trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh khó khăn này, nhiều startup Việt lại có hoạt động hiệu quả và tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng để đi được đường dài, startup Việt nên phát triển theo hướng nào- tăng trưởng nóng hay phát triển bền vững? Đây vẫn là một câu hỏi khó được nhiều người quan tâm hiện nay.
 
 Ảnh minh họa. Nguồn: Thanh Thanh

Đại dịch COVID-19 được giới chuyên gia nhận định như một phép thử khả năng “sinh tồn” của hầu hết các ngành, doanh nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm nay, có gần 60 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh u ám này, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn  phát triển và trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Theo báo cáo quý 1 được Nextrans - Quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Hàn Quốc công bố, trong 3 tháng đầu năm 2021 ghi nhận 16 thương vụ đầu tư vào các startup Việt Nam với tổng giá trị các khoản đầu tư đạt khoảng 150 triệu USD, tăng 50% so với mức 100 triệu USD trong quý 1/2020.

Một tín hiệu khả quan cho thấy, thống kê những tháng đầu năm nay số lượng doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký lớn tăng mạnh, cụ thể: số doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 10 - 20 tỷ đồng tăng gần 25%; doanh nghiệp có vốn đăng ký 20 - 50 tỷ đồng tăng gần 17%; doanh nghiệp có vốn đăng ký 50 - 100 tỷ đồng hơn 36%; và doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng tăng gần 53%.

Sự gia tăng về số lượng các doanh nghiệp có số vốn đăng ký lớn cho thấy niềm tin của cộng đồng khởi nghiệp đang dần được cải thiện, điều này có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp vừa khởi sự, một bài toán đặt ra cho họ là lựa chọn con đường nào: Phát triển bùng nổ- nhanh chóng nắm bắt cơ hội, hay đi con đường dài hướng tới mục tiêu bền vững.

FoodHub – một startup công nghệ cung cấp giải pháp thương mại điện tử dành cho thực phẩm sạch, Nguyễn Xuân Vinh - sáng lập FoodHub cho hay, ứng dụng giúp kết nối người tiêu dùng và nhà cung cấp thực phẩm sạch (các cửa hàng, siêu thị, trang trại). Người mua chỉ cần lên ứng dụng, đặt mua sản phẩm mình cần và chỉ sau 2 giờ, sản phẩm sẽ được giao tới tận nhà. Cũng theo người sáng lập FoodHub, nếu như trước dịch, ứng dụng này chỉ có 18.000 lượt người dùng, thì chỉ sau 2 tuần giãn cách xã hội, lượng người dùng ứng dụng đã tăng thêm 7.000 người- tốc độ tăng trưởng chưa từng có trước đây. Còn hiện nay, tốc độ tăng trưởng còn lớn hơn nhiều 200, 300%. Thậm chí có những thời điểm, FoodHub lọt top 10 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên các kho ứng dụng. 

Tuy vậy, như chia sẻ của người sáng lập FoodHub, tăng trưởng nóng chưa bao giờ là tôn chỉ của startup này. Chậm, chắc, chất lượng trên từng đơn hàng, giữ chân được người dùng lâu dài mới là tôn chỉ lớn nhất!

Trên thực tế, trước khi dịch bệnh xảy ra, những startup lớn của thế giới như WeWork, Greensill, Katerra, hay tại Việt Nam, các startup như The Kafe, WeFit, Soya Garden với chiến lược “tăng trưởng bằng mọi giá”, phát triển nóng đã bị gục ngã. Ông Bùi Thành Đô- Nhà sáng lập và điều hành Think Zone Ventures cho hay, gần đây, các startup Việt đã tập trung vào giá trị cốt lõi nhiều hơn, thay vì tạo ra mô hình mua bán đơn thuần thì tập trung phát triển công nghệ có lợi thế dẫn dắt. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong lâu dài, bởi nếu chỉ tăng trưởng nóng thì sẽ rất dễ chạm trần và không thể tăng trưởng nhanh trong những năm sau đó.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh- Phó tổng giám đốc Viettel Telecom nhận định, hầu hết các startup hiện nay đã cẩn trọng hơn và lựa chọn các mô hình phát triển bền vững. Họ tập trung vào các giá trị lõi để tạo ra các giá trị khác biệt mà không chạy theo xu thế của thị trường, và công nghệ chính là chìa khóa tạo ra các giá trị cốt lõi đó cho hầu hết các doanh nghiệp.

Cũng theo ông Thanh, doanh nghiệp khởi nghiệp đi theo mô hình tăng trưởng nóng bằng cách đốt tiền thì sẽ gặp nhiều rủi ro. Lý do là bởi duy trì doanh nghiệp bằng cách đốt tiền để lấy khách hàng thì tăng trưởng nhanh, nhưng khi thị trường biến động thì các nhà đầu tư có xu thế thận trọng hơn trong việc đầu tư mạo hiểm. Khi đó, nguồn đầu tư vào các dự án đó cũng giảm xuống. Cũng theo ông Thanh, thế mạnh của người Việt là linh hoạt và "đánh du kích", cho nên doanh nghiệp nên chọn thế mạnh và lối đi ngách để tìm hướng đi an toàn, bền vững thì sẽ phù hợp hơn là đốt tiền.

Từ thực tế hoạt động của startup, ông Nguyễn Minh Đức- Nhà sáng lập Cyradar (Công ty đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực an toàn thông tin toàn cầu) cho biết, định hướng của Cyradar ngay từ khi thành lập là áp dụng công nghệ mới để giải quyết các bài toán cũ, hướng vào lĩnh vực hẹp là an toàn thông tin. Lĩnh vực đặc thù nên Cyradar ưu tiên phát triển bền vững. Tuy vậy, ông Nguyễn Minh Đức cũng nhấn mạnh, mỗi startup cần đặt mục tiêu cho từng giai đoạn, linh hoạt trong chiến lược và kiên trì để đạt được mục tiêu đã đề ra: 

Bất chấp Covid-19, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường ưu tiên của các quỹ đầu tư mạo hiểm bởi tiềm năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Riêng tại Diễn đàn quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam diễn ra cuối năm 2020, đã có 33 quỹ đầu tư cam kết rót hơn 810 triệu USD vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Tuy vậy cũng phải thừa nhận rằng, COVID-19 đang ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, trong đó có startup. Làm thế nào để hạn chế những tác động xấu, thậm chí biến khó khăn thành đòn bẩy để startup bứt phá?

Theo ông Phạm Hồng Quất- Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ): Doanh nghiệp startup là doanh nghiệp đưa ra nhiều giải pháp ngay trong bối cảnh đại dịch và hy vọng sau dịch sẽ có thêm nhiều giải pháp. Chẳng hạn như trong lĩnh vực giáo dục, y tế… những ý tưởng của startup Việt dường như đi trước một bước. Đây chính là cơ hội để lan tỏa những ý tưởng đó, nhưng để làm được điều đó thì cần sự chung tay của rất nhiều bộ, ban, ngành để mở đường cho những ý tưởng mới…/.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-Cp ngày 29/5/2020 của Chính phủ./. 

Khôi Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực