Khủng hoảng ngành hàng không trong cơn bão dịch

Thứ ba, 29/06/2021 15:05
(ĐCSVN) – Tình hình đợt dịch COVID-19 thứ 4 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp khiến các doanh nghiệp vận tải hàng không vốn đã khó khăn thì nay lại rơi vào tình cảnh hết sức lao đao. Hàng loạt chuyến bay bị cắt giảm, máy bay "đắp chiếu", hành khách vắng bóng, cảng hàng không ngưng trệ, các hãng hàng không liên tiếp thông báo lỗ... cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới hoạt động kinh doanh của ngành này.

Hàng không lâm nguy

Hàng không Việt Nam lao đao vì đại dịch COVID-19. (Ảnh: Hoàng Triều) 

Hàng không là một ngành có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ trong phát triển kinh tế, mà còn đối với các vấn đề an ninh, quân sự và chủ quyền quốc gia. Trước đại dịch COVID-19, ngành hàng không thế giới có sự phát triển rất mạnh mẽ. Tính trung bình, ngành hàng không trên toàn thế giới đã tạo ra khoảng 65,6 triệu việc làm, trong đó, có 10,2 triệu việc làm trực tiếp và hơn 55 triệu việc làm gián tiếp, các hoạt động hàng không có tác động tới 2,7 nghìn tỷ USD các hoạt động kinh tế, tương đương khoảng 3,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nền kinh tế thế giới đã phải chịu nhiều thiệt hại to lớn, mà ngành đầu tiên chịu tác động nặng nề nhất chính là ngành vận tải hàng không. Theo báo cáo của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) về tình hình hoạt động hàng không trong năm 2020, lượng khách quốc tế và nội địa lần lượt giảm 1,38 tỷ và 1,32 tỷ hành khách, giảm 74% và 50% so với năm 2019 và làm sụt giảm doanh thu lần lượt 250 tỷ và 120 tỷ USD.

Trước bối cảnh khủng hoảng của ngành hàng không thế giới, ngành hàng không Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động của đại dịch COVID-19. Trong báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, với ngành hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thị trường sụt giảm nghiêm trọng nhất, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5 - 65,9%, doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm 61% so với năm 2019.

Đợt dịch COVID-19 lần 3 bùng phát dịp tết năm 2021 khiến doanh thu ngành hàng không giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo hoạt động vận tải hàng không tiếp tục gặp khó trong năm 2021. Nếu dịch COVID-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước dịch bệnh.

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines dự báo quý I/2021 lỗ khoảng 4.800 tỉ đồng, trong 6 tháng đầu năm số lỗ có thể lên tới 10.000 tỉ đồng. Hiện số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines lên tới 6.240 tỉ đồng, tổng công ty này đang cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy ngân gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020, tuy nhiên dự báo hoạt động của 2 hãng bay tư nhân này tiếp tục khó khăn trong năm 2021, các hãng dẫn hết nguồn lực tài chính để hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính hãng bay Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, sản lượng khách toàn thế giới năm 2021 chỉ bằng 33% so với năm 2019. Mức lỗ của các hãng hàng không ước tính sẽ lên tới 95 tỷ USD, gần gấp đôi so dự báo hồi tháng 12/2020. Trong ngắn hạn, triển vọng của ngành hàng không sẽ chưa mấy sáng sủa. Tốc độ phục hồi phụ thuộc vào mức độ thành công trong việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 của các nước.

Tiếp tục tìm kiếm giải pháp, đẩy nhanh chính sách hỗ trợ

 Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đã có kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư các chính sách và giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua khủng hoảng do dịch COVID-19. (Ảnh: T.L)

Để hỗ trợ các doanh nghiệp chống chọi qua cơn bão đại dịch COVID-19, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) đã có kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư các chính sách và giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm, Tổng thư ký VABA, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019. Hiện nay, thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, chuyên gia và hàng hóa. Dự báo, doanh thu các hãng hàng không từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục giảm.  

VABA cũng đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ (quy định giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa) để các doanh nghiệp hàng không cũng được hỗ trợ lãi suất thuộc nhóm đối tượng này; cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết ngày 31/12/2021...

Ông Bùi Doãn Nề cho hay: “Điều quan trọng nhất vẫn là các hãng cần được vay hỗ trợ lãi suất thấp, tiếp đến là miễn, giảm thuế, phí”.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC quy định giảm mức thu 30 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cụ thể, 29 khoản phí và lệ phí đã giảm trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 và bổ sung giảm thêm mức thu một khoản phí trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, nhiều lĩnh vực có mức giảm cao, như giảm 50% mức thu 20 - 22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách, giảm 20% mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không ....Cụ thể, thời gian giảm phí, lệ phí áp dụng kể từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12 với số giảm thu từ phí, lệ phí trong 6 tháng ước khoảng 1.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, dịch COVID-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, trong khu vực và Việt Nam (một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội) làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế. Bên cạnh đó, dự báo kinh tế thế giới trong năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh. Nhiều ngành, lĩnh vực trong nước gặp khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ (nhất là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải...).

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang dự thảo văn bản đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong năm 2021 - 2023 cho các hãng hàng không với mục đích giúp các hãng tư nhân giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển, tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airlines.

Bộ này cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Bộ Tài chính cần sửa đổi quyết định số 87 về điều kiện giao dịch ký quỹ cho phép các doanh nghiệp hàng không và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19 không bị cắt giao dịch ký quỹ khi lợi nhuận âm hai quý liên tục.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, những giải pháp về thuế, phí, giá là vô cùng cần thiết. Hiện Cục Hàng không đã hỗ trợ tối đa để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi, tái cơ cấu thị trường, thậm chí chuyển đổi máy bay từ chở khách sang chở hàng. Tuy nhiên, Cục Hàng không thừa nhận khó khăn hiện nay mấu chốt nằm ở diễn biến không thể lường trước của dịch COVID-19.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Lan Chi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực