Làn sóng thứ 4 của đại dịch tác động nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế- xã hội
|
Dịch bệnh COVID-19 tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
(Ảnh: Độc Lập) |
Đại dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp và khó lường, tại Việt Nam. Trong đó, đợt bùng phát dịch lần thứ tư bắt đầu từ ngày 27/4/2021 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân khi lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai…, nơi tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế và thu ngân sách.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta chỉ đạt 5,64%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Mặc dù đã được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%), nhưng vẫn chưa hồi phục được tốc độ tăng như cùng kỳ các năm 2018 và 2019 (7,05% và 6,77%). Thu hút vốn đầu tư phát triển của khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI đạt thấp. Đầu tư của khu vực ngoài nhà nước năm 2020 chỉ tăng 3,1%, 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 7,4% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2020 giảm 25% so với năm 2019, trong 6 tháng đầu năm 2021 giảm 2,6%. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng. Trong Quý II/2021, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lao động lần lượt là 2,4% và 2,6%, đều tăng so với Quý I/2021 (2,19% và 2,2%).
Tình hình hoạt động của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trong 7 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020, là mức thấp so với mức tăng trung bình 8,1% giai đoạn 2016-2020, giảm 7,2% về số lao động; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 23%, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 28,6%, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 27,4%. Về quy mô của doanh nghiệp, bị ảnh hưởng trên diện rộng, đáng kể nhất là với các doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác (hợp tác xã) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn 90% hợp tác xã giảm doanh thu và lợi nhuận; lao động bị cắt giảm, nghỉ việc không lương chiếm hơn 50% tổng số lao động. Quỹ tín dụng nhân dân gặp khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, do tác động của các đợt giãn cách xã hội tại một số địa phương, khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng thấp, chỉ đạt 3,96% so với cùng kỳ năm 2020; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tiếp tục giảm sâu (5,12%), dịch vụ vận tải và kho bãi giảm 0,39%. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản chịu ảnh hưởng mạnh ở phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; xu hướng dịch chuyển kênh đầu tư sang thị trường bất động sản khiến thị trường sôi động hơn ở các phân khúc khác nhưng lại dẫn đến tình trạng sốt đất, đầu cơ đất, nhiễu loạn thông tin quy hoạch đất, nhất là các khu vực vùng ven các đô thị lớn, gây nguy cơ bong bóng tài sản và rủi ro kinh tế vĩ mô. Hoạt động tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thủy sản tươi/đông lạnh và có tính thời vụ cao bị ảnh hưởng lớn; có tình trạng giá nông sản giảm tại chỗ, ứ hàng cục bộ nhưng giá bán nông sản tới người tiêu dùng trong nước không giảm. Một số ngành, lĩnh vực khác chịu ảnh hưởng lớn thời kỳ đầu bùng phát dịch bệnh bao gồm dệt may và sản xuất da, các sản phẩm từ da, điện tử tiêu dùng, sản xuất, lắp ráp ô tô...
Chính sách "gỡ khó" kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp
|
Công ty TNHH may mặc Trọng Phúc ở huyện Diễn Châu được vay gần 800 triệu đồng với 173 lao động được hỗ trợ. Ảnh: Thu Huyền |
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp với tổng thể các biện pháp, chủ yếu mang tính ngắn hạn, ứng phó với dịch bệnh như: Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 77-KL/TW ngày 05/6/2020 về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước; Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế- xã hội và Công văn số 1133-CV/VPTW ngày 25/6/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng ngày 01/7/2021.
Quốc hội ban hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Nghị quyết số 124/2020/QH14 ngày 11/11/2020 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 ngày 27/7/2020 và Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 sửa đổi, bổ sung tiểu mục 2 mục I Biểu thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 06/8/2021 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; nhiều nghị định quy định các chính sách cụ thể…
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 22/4/2020, Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19; Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19… Các bộ, ngành ban hành nhiều thông tư, hướng dẫn hỗ trợ theo thẩm quyền…
Nhìn chung, các chính sách được ban hành có sự kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách hỗ trợ ngành hoặc an sinh xã hội khác, trong đó bao gồm nhóm giải pháp ngắn hạn, cơ chế, chính sách trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể, nhóm giải pháp căn cơ, dài hạn để tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; cơ bản phù hợp diễn biến và tác động của dịch bệnh, tương đồng với cách tiếp cận mới của nhiều quốc gia trên thế giới. Các chính sách cũng được thực hiện với chi phí thấp, do vậy không gây ảnh hưởng đến các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời bảo lưu dư địa để tiếp tục xây dựng, thực hiện các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo. Nhiều chính sách, giải pháp được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Kết quả, đã góp phần quan trọng giúp ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, duy trì triển vọng kinh tế tích cực của đất nước trong trung và dài hạn và củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Kiểm soát tốt dịch bệnh – điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế
Thời gian qua, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định trong việc ban hành, triển khai các chính sách giúp giảm nhẹ tác động của dịch bệnh và đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu kép. Tuy nhiên, thực tế triển khai đã cho thấy một số bất cập, trong khi đại dịch COVID-19 chưa có tiền lệ, gây sức ép lớn về thời gian và khối lượng công việc ban hành các chính sách.
Ngày 10/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc. Đây là chiến dịch tiêm chủng quốc gia lớn nhất từ trước tới nay, số lượng tiêm đến hàng triệu mũi, thực hiện trong thời gian ngắn. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18, là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước ta, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. |
Hiện nay, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh được coi là điều kiện tiên quyết, mang tính cốt lõi để khôi phục kinh tế và giảm thiểu tổn thất do đại dịch gây ra. Chính vì thế, vấn đề đặt ra là chúng ta cần quyết tâm thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và đẩy lùi COVID-19, nhất là tại khu vực động lực, thành phố lớn, các địa phương có nhiều khu công nghiệp. Đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc-xin, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vắc-xin phòng COVID-19 tiêm miễn phí cho toàn dân, phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% tổng dân số trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, củng cố nhận thức về bối cảnh “bình thường mới” cũng là điều quan trọng do khả năng dịch COVID-19 còn tồn tại trong một thời gian dài và tiếp tục tác động đến đời sống kinh tế - xã hội ngay cả khi tỷ lệ tiêm vắc-xin trong nước đạt 100%. Trong các thách thức cho giai đoạn tiếp theo, cần lưu ý thách thức liên quan đến rủi ro về lạm phát đến từ tác động của các gói kích thích kinh tế ứng phó COVID-19 của nhiều quốc gia; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và đình trệ sản xuất, suy thoái toàn cầu vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới; nguy cơ suy giảm dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước; các hàng rào kỹ thuật cao hơn trong bối cảnh các quốc gia mở cửa giao thương hậu COVID-19 có xu hướng ưu tiên các quốc gia, khu vực kiểm soát được dịch bệnh...
Áp dụng các biện pháp nhất quán, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để duy trì cả cung và cầu trên thị trường, duy trì sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ổn định thị trường tiêu dùng trong nước. Kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì ổn định thị trường tài chính, tiền tệ. Phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng với chính sách tài khóa và chính sách an sinh xã hội trên tinh thần tận dụng tối đa và hiệu quả các nguồn lực.
Trên phương diện kinh tế, quan điểm chung là hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh sẽ phục vụ trực tiếp nhất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội. Chính vì vậy, hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận; quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi; các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa; đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và chế tài xử lý để tránh lợi dụng, trục lợi chính sách.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.