Tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid và cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ năm, 15/07/2021 08:48
(ĐCSVN) - Diễn đàn là hoạt động tiếp nối những nỗ lực và ưu tiên của Chính phủ Việt Nam và ASEAN, APEC với những trao đổi và thảo luận và cam kết của các Nhà Lãnh đạo Cấp cao trong Phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh thế giới công việc đang đổi thay và trong kỷ nguyên số, đồng thời nhằm hưởng ứng ngày Kỹ năng thanh niên thanh niên thế giới (15/7) tiến tới hưởng ứng ngày kỹ năng lao động Việt Nam 4/10/2021.
Diễn đàn quốc tế về “Tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cách mạng công nghiệp 4.0 - Phát triển kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam” 

Chiều 14/7, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các tổ chức quốc tế tổ chức Diễn đàn quốc tế về “Tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cách mạng công nghiệp 4.0 - Phát triển kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam”. Diễn đàn do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Thứ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội Lê Tấn Dũng chủ trì. 

Tham dự Diễn đàn có hàng trăm đại biểu là lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, các diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế như: Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức Di cư quốc tế (IMO), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á, Tổ chức Lao động quốc tế ILO, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức, GIZ, Cơ quan phát triển nhân lực Hàn Quốc (HRD Hàn Quốc), SkillsFuture Singapore; đại sứ quán các nước Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Úc, Đại diện Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; lãnh đạo, giáo viên của 200 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; lãnh đạo, cán bộ các sở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các Hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tập đoàn và doanh nghiệp, chuyên gia huấn luyện kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, các đại sứ kỹ năng nghề.

Thời gian gần đây, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức cùng một lúc và tạo ra sự bất định, bất ngờ, khó dự báo, khó dự đoán trong quá trình hoạch định chính sách và phát triển chung trên toàn cầu bao gồm Việt Nam. Các thách thức đó đến từ đại dịch Covid 19, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, thế giới việc làm đổi thay nhanh chóng do công nghiệp 4.0 và chiến tranh thương mại giữa các cường quốc …. Trước tình hình đó, lợi thế cho quốc gia nào có những giải pháp hữu hiệu, cho từng đối tượng phù hợp và kịp thời đúng thời điểm. Cấp bách nhất hiện nay là kiểm soát đại dịch Covid 19 và thế giới đã khẩn trương có nhiều loại vaccines đã, đang đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả. Tuy nhiện vẫn chưa có dấu hiệu chắc chắn rõ ràng đại dịch có thể được kiểm soát trong thời gian ngắn. Chính phủ nhiều nước đã phải đưa ra các định hướng nhằm sống chung với dịch bệnh trong tương lai gần và kể cả trung hạn để khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tạo việc làm nhằm duy trì phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó phát triển nâng tầm kỹ năng lao động cho đối tượng lao động thanh niên trẻ thời hậu Covid 19 được xác định là trọng tâm.

Diễn đàn do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Thứ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội Lê Tấn Dũng chủ trì 

Trước bối cảnh đó, nhằm hướng ứng ngày Kỹ năng thanh niên thế giới 15/7/2021, Liên hợp quốc đã chọn thông điệp “Reimagining Youth Skills Post Pandemic” (Tái định hình kỹ năng thanh niên hậu dịch bệnh) nhằm thúc đẩy các giải pháp cần thiết tái định hình kỹ năng cho thanh niên trẻ hậu đại dịch theo cách không chỉ từ những thực tế hiện tại mà cần xem xét toàn diện các khả năng có thể xảy ra trong tương lai.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao của Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức Diễn đàn quốc tế về tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid và cách mạng công nghiệp 4.0 chủ đề “phát triển kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam”. Đây là hoạt động tiếp nối những nỗ lực và ưu tiên của Chính phủ Việt Nam và ASEAN, APEC với những trao đổi và thảo luận và cam kết của các Nhà Lãnh đạo Cấp cao trong Phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh thế giới công việc đang đổi thay và trong kỷ nguyên số , đồng thời nhằm hưởng ứng ngày Kỹ năng thanh niên thanh niên thế giới (15/7)  tiến tới hưởng ứng ngày kỹ năng lao động Việt Nam 4.10.2021. Đây cũng là hoạt động trong chuỗi hoạt động Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện việc xây dựng đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” trong năm 2021 theo yêu cầu tại Nghị Quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, Covid-19 và Cách mạng Công nghiệp 4.0 là “cú sốc kép” đối với thị trường lao động toàn cầu. Một mặt gây đứt gãy thị trường lao động, gia tăng thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội, nhất là đối với lực lượng lao động trẻ. Theo ILO, việc làm của thanh niên đã giảm 8,7% năm 2020 so với 3,7% ở người lớn tuổi hơn. Số người thất nghiệp dự báo vẫn ở mức cao và đến năm 2023 mới trở về mức trước đại dịch. Mặt khác, hai cú sốc đã và đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi việc làm và kỹ năng nhằm thích ứng với những điều chỉnh mang tính cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu. Việc làm bị mất đi trong những ngành công nghiệp cũ đã lạc hậu dự báo sẽ được thay thế bằng việc làm mới trong những ngành kinh tế xanh, công nghiệp sáng tạo đang ngày càng phát triển. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến 2025 có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ, nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm mới, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng (reskilling và upskilling).

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu khai mạc Diễn đàn, 

Nhân loại đã trải qua nhiều cuộc cách mạng về thay đổi phương thức sản xuất. Lịch sử cho thấy con người luôn điều chỉnh, đổi mới chính mình, thích ứng, tranh thủ các cuộc cách mạng để phát triển nhanh và bền vững hơn. Lực lượng lao động trẻ đứng trước cả cơ hội và thách thức trong thế giới việc làm đang biến chuyển mạnh mẽ. Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ bày tỏ tin tưởng, với khả năng thích ứng của mình, các bạn thanh niên sẽ là lực lượng tiên phong, đi đầu trong trang bị lại, nâng cao các kỹ năng việc làm, nhất là kỹ năng, tri thức trong môi trường chuyển đổi số, để hoàn thiện và phát triển chính mình, đồng thời góp phần thay đổi cả cộng đồng và xã hội.

Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045. Trong đó, một trong ba đột phá chiến lược là tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng, Chính phủ, doanh nghiệp và mỗi người dân cần nhận thức rõ các tác động của tương lai việc làm đối với đất nước, ngành, nghề và lĩnh vực của mình để có tư duy mới về quản lý, quản trị và điều hành, có các chiến lược, kế hoạch đổi mới - sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với tình hình mới.

Việt Nam là nước có dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã được cải thiện ở mức độ tốt nhất thế giới từ vị trí 77 lên vị trí 67/141 nền kinh tế trên thế giới (theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2019).

Đáng chú ý, trong số 12 trụ cột và 103 tiêu chí của chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu nước ta, trụ cột về kỹ năng tăng 4 bậc, đặc biệt tiêu chí về chất lượng đào tạo nghề tăng 13 bậc. Năng suất lao động Việt Nam trong nhiều năm qua có tốc độ tăng cao trong khu vực ASEAN, đạt bình quân 4,77%/năm chứng tỏ trình độ kỹ năng người lao động đã từng bước được nâng lên.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng chỉ rõ, để duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam buộc phải đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động, coi đây là đòn bẩy kinh tế then chốt, là nhân tố chủ đạo hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia. Tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới đây phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới, nhưng muốn đổi mới, sáng tạo, thì phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhất là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ.

Tại Diễn đàn, các diễn giả và đại biểu tham dự đã cùng nhau thảo luận nhằm đánh giá, làm rõ các tác động của đại dịch Covid-19 và công nghiệp 4.0 đối với tương lai việc làm và kỹ năng cho thanh niên. Những xu hướng điều chỉnh lớn của thị trường lao động toàn cầu trong thời gian tới. Dự báo xu hướng chuyển dịch địa - việc làm...

Các đại biểu cũng chỉ rõ các tri thức, giá trị và kỹ năng gì mà thanh niên cần trang bị cho mình làm hành trang trong kỷ nguyên số; Nêu đề xuất để Chính phủ xây dựng các chính sách gì để huy động, gắn kết sự tham gia của doanh nghiệp và người dân vào quá trình phát triển kỹ năng thiết yếu, nâng cao năng lực tiếp thu công nghệ, tri thức mới cho thanh niên.

Các đại biểu cũng đưa ra các khuyến nghị, hàm ý chính sách cho Việt Nam trong triển khai các chủ trương, định hướng chiến lược nói trên, nhất là trong xây dựng môi trường kiến tạo phát triển, đổi mới giáo dục - đào tạo, tái định hình kỹ năng cho thanh niên, xây dựng chính sách an sinh xã hội phù hợp với tương lai việc làm.

Diễn đàn là hoạt động tiếp nối những nỗ lực và ưu tiên của Chính phủ Việt Nam và ASEAN, APEC với những trao đổi và thảo luận và cam kết của các Nhà Lãnh đạo Cấp cao trong Phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh thế giới công việc đang đổi thay và trong kỷ nguyên số, đồng thời nhằm hưởng ứng ngày Kỹ năng thanh niên thanh niên thế giới (15/7) tiến tới hưởng ứng ngày kỹ năng lao động Việt Nam 4/10/2021.

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực