|
Cán bộ Trung tâm CNTT (Sở TT&TT) kiểm tra hoạt động Hệ thống giam sát và cảnh báo sớm tấn công, gây mất an toàn mạng bảo vệ máy chủ của Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh. |
Tập trung chuyển đổi số toàn diện
Chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu của đời sống, kinh tế - xã hội, qua đó ứng dụng nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả làm việc, sản xuất, kinh doanh, cũng như phục vụ đời sống. Để nhiệm vụ chuyển đổi số triển khai hiệu quả, đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định, việc thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính mục tiêu đến năm 2023 sẽ hoàn thành 100% số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được giải quyết thành công ở cả 3 cấp. Đến năm 2024, bảo đảm 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được ký bằng chữ ký số và trả cho người dân trên môi trường mạng. Phấn đấu đến năm 2025, nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành dẫn đầu về chuyển đổi số với 3 trụ cột chính bao gồm: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Với sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, Quảng Ninh đã thực hiện công tác chuyển đổi số toàn diện với quyết tâm cao, lộ trình cụ thể, mục tiêu rõ ràng, trong đó chú trọng đến xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số một cách toàn diện, hiệu quả. Những nỗ lực này đã và đang tạo nên dấu ấn mới trong công tác chuyển đổi số toàn diện. Điều này được thể hiện rõ qua xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2022 các tỉnh, thành phố. Theo đó, với điểm số DTI đạt 0,7024 (tăng 0,2052 điểm so với năm 2021), Quảng Ninh đã vươn lên đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng chuyển đổi số năm 2022 ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 4 bậc so với năm 2021; kết quả cụ thể của 3 trụ cột là: Chính quyền số đứng vị trí thức 4, xã hội số đứng vị trí thứ 2 và kinh tế số đứng vị trí thứ 9.
Năm 2023 - kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh được cho là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ, Quảng Ninh xác định việc đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong tất cả các ngành, lĩnh vực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện. Để tiếp tục duy trì và cải thiện thứ hạng DTI trong năm 2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh năm 2023, để cụ thể hóa và chi tiết các mục tiêu, nhiệm vụ cần hoàn thành trong năm 2023; trong đó: Kế hoạch đã đề ra 4 nhóm mục tiêu: Phát triển dữ liệu số; Phát triển chính quyền số; Phát triển kinh tế số; Phát triển xã hội số. Các mục tiêu đưa ra đã bao quát toàn diện các nội dung về chuyển đổi số năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh.
Bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các sở, ngành, đơn vị chức năng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt. Để đạt mục tiêu đã đề ra, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số để các chủ thể, đặc biệt là người dân tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số. Với cách làm chủ động, quyết liệt, sáng tạo được triển khai từ tỉnh đến cơ sở và người dân, chuyển đổi số Quảng Ninh đã gặt hái được những thành công ấn tượng khi trở thành một điểm sáng trên toàn quốc về chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực với tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia thuộc top đầu cả nước, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình là một trong những địa phương đứng đầu cả nước, tỷ lệ số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cao nhất cả nước…
Tốp 3 ấn tượng
|
Du khách quét mã QR tìm hiểu thông. |
Đặc biệt, việc triển khai chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trụ cột của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ở trụ cột chính quyền số, đến nay có gần 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Quảng Ninh được tích hợp, cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia. 99% hồ sơ thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương được đồng bộ đầy đủ trên cổng dịch vụ công quốc gia. Việc xử lý giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức cũng được thực hiện toàn tỉnh gắn với chữ ký số ở từng bước, đảm bảo công khai, minh bạch.
Ở trụ cột kinh tế số, đến nay Quảng Ninh là một trong số ít địa phương có 100% doanh nghiệp sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử. Quảng Ninh cũng có gần 99% hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được phổ cập chữ ký số.
Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển với trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên đã lên các sàn thương mại điện tử. Cấp gần 600 bộ mã truy xuất sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn và gần 100 tài khoản vận hành cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ở trụ cột xã hội số, Quảng Ninh đã triển khai rộng rãi việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại. Chấp nhận các hình thức thanh toán trực tuyến trong tất cả các loại hình dịch vụ công thiết yếu, như điện, nước, học phí, viện phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính…
Trong ngành y tế, trên 99% người dân đã có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% các cơ sở y tế trên địa bàn đã ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý điều hành và quản lý dữ liệu thông tin khám chữa bệnh; có 5 đơn vị đạt đủ điều kiện triển khai bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy.
Trong ngành Giáo dục và Đào tạo, 100% cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên đã triển khai thực hiện quản lý, sử dụng sổ điện tử thay thế cho hồ sơ giấy; 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên sử dụng phần mềm quản lý nhà trường để quản lý toàn diện học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất...
Toàn tỉnh hiện có hơn 400 máy ATM, gần 2.400 máy POS với hơn 2.100 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại hầu hết các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn, đang tiếp tục mở rộng ra các cơ sở y tế, trung tâm phục vụ hành chính công, trường học...
Có 2,8 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có trên 2 triệu tài khoản đang hoạt động, có chức năng thanh toán không dùng tiền mặt và có phát sinh giao dịch.
Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương đi đầu về chỉ số cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Cụ thể, tỉnh đã rất chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng số để thúc đẩy nền sản xuất thông minh, phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang đạt 89,13% (trung bình cả nước đạt 75,39%). 100% xã, phường, thị trấn được triển khai Internet băng rộng. Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế Tier-3, hiện được phát triển theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây. Chỉ số hạ tầng số, hiện tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của Quảng Ninh đạt khoảng 30%, cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước (20%).
Hạ tầng số đồng bộ, hiện đại đã góp phần quyết định chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xử lý thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, cho thấy hiệu quả hoạt động của nền hành chính của tỉnh. Quảng Ninh quyết tâm trong năm 2023, 100% thủ tục hành chính đều được rút ngắn từ 30% - 70% thời gian giải quyết so với quy định của cơ quan Trung ương, hơn 60% hồ sơ được giải quyết trước hạn.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương hoàn thành kết nối cổng dịch vụ công của tỉnh với cổng dịch vụ công quốc gia và 6 hệ thống giải quyết thủ tục hành chính khác của các bộ, ngành. Hoàn thành kết nối hệ thống chính quyền điện tử tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kết nối chính thức với trên 10 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng thuộc các lĩnh vực trọng điểm, như doanh nghiệp, tài nguyên môi trường, xây dựng, tư pháp, bảo hiểm, bưu chính viễn thông... Những phát triển hạ tầng số đó đã giúp tỉnh có nhiều bước tiến mới trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Những con số ấn tượng của chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh cho thấy thành quả nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Quảng Ninh đang tiếp tục nỗ lực không ngừng để chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, chú trọng khắc phục, cải thiện những chỉ số thành phần còn yếu, chưa đạt, qua đó nâng cao hơn nữa thứ hạng chuyển đổi số trong những năm tới.
Quảng Ninh tiếp tục đề ra nhiều giải pháp đột phá để duy trì và phát triển chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực của tỉnh. Trong đó khai thác có hiệu quả hạ tầng số của tỉnh (phấn đấu đứng trong Top 3 của cả nước về hạ tầng số), trong đó tập trung vào xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh theo công nghệ điện toán đám mây, bảo đảm hạ tầng số để phát triển xã hội số và kinh tế số; tập trung vào triển khai chuyển đổi số cho 8 lĩnh vực cốt lõi, ưu tiên gồm: y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch, công nghiệp, giao thông vận tải và logistics, cửa khẩu số, lĩnh vực nông nghiệp.