|
Trong suốt 60 năm qua Du lịch Quảng Ninh đã có bước chuyển mạnh mẽ khẳng định thương hiệu,sự cạnh tranh để vươn ra "biển lớn". |
Sự chuyển mình mạnh mẽ
Nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, là tỉnh duy nhất trong cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển tiếp giáp với Trung Quốc, Quảng Ninh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; là cửa ngõ hội nhập với thế giới của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; là điểm nút trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc và kết nối với khu vực Đông Nam Á (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN).
Quảng Ninh có thế mạnh về sự đa dạng, phong phú của tài nguyên du lịch từ thiên nhiên đến văn hóa. Quảng Ninh là nơi hội tụ của 22 dân tộc anh em cùng sinh sống với những bản sắc văn hoá độc đáo; sở hữu trên 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đặc sắc. Trong đó, có nhiều tài nguyên độc đáo đẳng cấp khu vực và thế giới như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, di tích - danh thắng Yên Tử. Việc Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận về các giá trị thẩm mỹ và địa chất, địa mạo; được Tổ chức New7wonders bình chọn là một trong 7 Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới đã tạo bước ngoặt quan trọng cho phát triển du lịch của Quảng Ninh.
Mới đây nhất, sự kiện Quần thể vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO chính thức công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới sẽ tạo được sức hút giúp tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng thu hút hơn nữa khách du lịch, nhất là du khách quốc tế.
Tỉnh cũng đã tập trung nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, dịch vụ, văn hóa - thể thao... theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tỉnh thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, bứt phá phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược với đủ các loại hình (đường bộ, đường cao tốc, cảng hàng không, cảng tàu khách quốc tế…). Trong đó, Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn, Tuyến đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả, Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, Cảng tàu khách Quốc tế Hòn Gai, Tuần Châu, Ao Tiên… được tính toán căn cơ, không chỉ là những công trình giao thông hiện đại, mang đẳng cấp quốc tế mà còn là sản phẩm du lịch được yêu thích.
Quy hoạch và hạ tầng giao thông được hoàn thiện đã trở thành tiền đề cho nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án lớn tại Quảng Ninh. Những sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế dần xuất hiện như: Khu Du lịch Quốc tế, Sân Golf Tuần Châu; Khu Nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử-MGallery; Khu nghỉ dưỡng Khoáng nóng ao cấp Quang Hanh; Quần thể Du lịch Nghỉ dưỡng, Sân Golf FLC Hạ Long... Đây đều là các sản phẩm đặc sắc góp phần làm cho hệ sinh thái du lịch của tỉnh dần hoàn thiện, kéo dài thời gian trải nghiệm, lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch.
Các thiết chế văn hóa, du lịch đặc sắc, nổi trội như: Cụm công trình Bảo tàng - Thư viện - Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Bãi tắm Hòn Gai, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vỹ (TP Móng Cái)... đã trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình du khách đến với Quảng Ninh.
Cùng với đó, tỉnh đã chú trọng phát triển sản phẩm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn. Có thể kể đến như: Sản phẩm nghe nhạc trên Vịnh Hạ Long được triển khai tại khu vực Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, trên tàu nhà hàng Sea Octopus, du thuyền Ambassador, Delight, khu vực đồi Mặt trời; lặn biển ngắm san hô, bãi cắm trại du lịch và tham quan các đảo gần bờ tại Cô Tô; liên hoan ẩm thực Quảng Ninh tại quảng trường Sun Carnival (TP Hạ Long)...
Bên cạnh việc khai thác tiềm năng du lịch biển, Quảng Ninh đã và đang khai thác thế mạnh du lịch văn hóa phong phú ở các vùng lân cận, tạo thành điểm đến hấp dẫn du khách, gìn giữ bản sắc dân tộc. Có thể kể đến như: Huyện Bình Liêu duy trì và làm mới lễ hội đình Lục Nà, hội Soóng cọ, hội Kiêng gió, lễ hội hoa sở, tuần Văn hóa - Du lịch; huyện Tiên Yên xây dựng làng văn hóa dân tộc Tày tại thôn Đồng Đình (xã Phong Dụ), tổ chức chợ phiên Hà Lâu, duy trì phố đi bộ… Qua đó, góp phần khắc phục tính mùa vụ, đưa Quảng Ninh trở thành "điểm đến 4 mùa", thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.
Cùng với sự đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo đòn bẩy, mở đường cho du lịch cất cánh, tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch, từ việc xây dựng, quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch du lịch đến hoạt động thanh tra, kiểm tra đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh; quản lý cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch; quản lý lữ hành và vận chuyển khách du lịch; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch được tăng cường. Nhờ đó, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh liên tục tăng qua các năm. Giai đoạn 2015-2019, Quảng Ninh đón tổng số 52,239 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế đạt 21,521 triệu lượt. Tổng thu từ lĩnh vực du lịch đạt 95.203 tỷ đồng. Đặc biệt, với những chính sách thích ứng linh hoạt, an toàn, du lịch Quảng Ninh đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
9 tháng năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã đón hơn 13 triệu lượt du khách, gấp hơn 1,47 lần cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 870.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 26.460 tỷ đồng, tăng 34,8% cùng kỳ.
Theo kế hoạch, quý III/2023, Quảng Ninh sẽ đón khoảng 4,13 triệu khách, doanh thu du lịch đạt 9.800 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu, bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch, cho biết: Thời gian tới, ngành du lịch Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm và tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên các giá trị khác biệt về thiên nhiên, văn hóa, con người Quảng Ninh với các loại hình: Du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; du lịch thể thao, giải trí; du lịch văn hóa; du lịch hội thảo; du lịch biên giới; du lịch sinh thái cộng đồng. Qua đó, hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển KT-XH và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh.
Chung tay vì một nền du lịch xanh
|
Sự chuyển đổi nền kinh tế từ "nâu sang xanh" đã tạo điều kiện để ngành du lịch Quảng Ninh phát triển nhanh và bền vững. |
Trước thách thức của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đặc biệt sau đại dịch COVID-19 khiến xu hướng du lịch thay đổi. Trong xu hướng đó, du lịch Quảng Ninh đang nỗ lực xây dựng những điểm đến xanh, sản phẩm du lịch xanh gắn với sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Nghị quyết số 07-NQ/TU (ngày 24/5/2013) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, xác định: Phát triển du lịch tỉnh theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh; góp phần quan trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược, gắn với mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Theo đó, ngành du lịch đã phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong Đề án phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Phát triển du lịch thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, chú trọng chiều sâu, chất lượng đạt đẳng cấp quốc tế, đóng vai trò vừa là điểm đển hấp dẫn, khẳng định thương hiệu mạnh và khả năng cạnh tranh quốc tế cao.
Mục tiêu lớn của Quảng Ninh là phục hồi nhanh và đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và quốc tế, địa bàn trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, trung tâm nghỉ dưỡng giải trí cao cấp, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng đẳng cấp, thương hiệu mạnh và sức hấp dẫn toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao, liên kết hiệu quả với các hãng hàng không, tàu biển, các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế...
Các mục tiêu cụ thể được Quảng Ninh xác định như sau, đến năm 2024 du lịch Quảng Ninh phục hồi hoàn toàn, đón được ít nhất 16 triệu lượt khách du lịch, trong đó có ít nhất 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế.
Đến năm 2025, du lịch Quảng Ninh chuyển sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ, phấn đấu đón được khoảng 17,5 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 4,5 triệu lượt khách quốc tế.
Đến năm 2030 du lịch Quảng Ninh phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, khẳng định vai trò là một trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu của quốc gia, phấn đấu đón được ít nhất 25,5 - 26 triệu lượt khách du lịch, trong đó có ít nhất 8,6 - 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế; tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch giai đoạn 2025 - 2030 đạt 10-11%/năm,
Quảng Ninh cũng định hướng không gian phát triển du lịch, trong đó, không gian du lịch Trung tâm với trọng tâm là Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn; hướng phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo gắn với tài nguyên biển, đảo.
Không gian du lịch Đông Bắc với trọng tâm là Móng Cái - Trà cổ; hướng phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo gắn với tài nguyên sinh thái núi, biển, đảo; tài nguyên du lịch biên giới và văn hóa các dân tộc thiểu sổ.
Không gian du lịch Tây Nam với trọng tâm là thành phố Uông Bí - Yên Tử- Đông Triều - Quảng Yên; hướng sản phâm du lịch chủ đạo gắn với văn hóa, lịch sử, tâm linh và sinh thái nông nghiệp, nông thôn. Hình thành tam giác phát triển du lịch với các cực Yên Tử - Hạ Long (bao gồm Bái Tử Long - Vân Đồn) - Móng Cái.
Để phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, Sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng, các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân cần cùng chung tay, tạo dựng môi trường xanh cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch bằng những hành động thật thiết thực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh; sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng; có trách nhiệm với môi trường…