Quảng Ninh thống nhất nhiều nội dung quan trọng trong phương hướng, nhiệm vụ năm 2024

Thứ năm, 23/11/2023 11:01
(ĐCSVN) – Ngày 22/11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã họp thống nhất ban hành nghị quyết phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, xác định chủ đề năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.

Hội nghị cũng nghe và cho ý kiến một số nội dung kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh; sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh chủ trì cuộc họp.

BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh thống nhất cao với chủ trương đầu tư dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cơ sở 2 tại phường Hồng Hà và Hà Tu, TP Hạ Long. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4.080 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, với quy mô 1.000 giường bệnh, 48 khoa phòng trên tổng diện tích 10 ha.

Đây là một tổ hợp công trình đồng bộ, hiện đại, tiên tiến về công nghệ ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khám, điều trị, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân; là cơ sở nghiên cứu thực hành cho đào tạo, hợp tác quốc tế đạt tiêu chuẩn bệnh viên đa khoa hạng I, từng bước thu hút cả bệnh nhân nước ngoài tới khám, điều trị.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu tại hội nghị. 

Về phương án quản lý sử dụng cơ sở vật chất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại phường Bạch Đằng được bố trí làm cơ sở 1 và bố trí các phòng điều dưỡng, quản lý chất lượng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh; phần còn lại sẽ bố trí cho Bệnh viện Sản Nhi cơ sở 2 phù hợp với quy hoạch của tỉnh.

Báo cáo về phương án đầu tư tuyến đường mới từ nút giao cầu Tình Yêu tới đường dẫn cầu Cửa Lục 3, TP Hạ Long, tuyến đường nằm trong quy hoạch tỉnh, Quy hoạch thành phố Hạ Long đã được Chính phủ phê duyệt. Điểm đầu ở nút giao cầu Tình Yêu và điểm cuối ở cầu Cửa Lục 3. Quy mô toàn tuyến dài 9,5km. Trong đó, chiều dài tuyến chính 7,95km và tuyến nhánh từ cầu Cửa Lục 2 đến Quốc lộ 279 là 1,56km.

Với mục tiêu đầu tư nhằm thúc đẩy giao thông liên vùng; hoàn chỉnh hệ thống giao thông của TP Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung, góp phần thu hút và phát triển tiềm năng du lịch của TP Hạ Long, tạo ra tổng thể cảnh quan kiến trúc đô thị của một thành phố du lịch.

Căn cứ quy hoạch tỉnh, quy hoạch thành phố, đặc biệt là Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo UBND tỉnh, TP Hạ Long cần tiếp tục khảo sát kỹ lưỡng, đánh giá đúng hiện trạng, nghiên cứu dự án đặt trong tổng thể của vịnh Cửa Lục liên quan tới mặt nước, cây xanh, việc kết nối hệ thống giao thông để định hình rõ hướng tuyến, quy mô, giải pháp, nhằm hạn chế tác động tối đa vào rừng ngập mặn. Đồng thời, tính toán kỹ quy mô, lộ trình, chi phí, gắn với khai thác được lợi thế của vịnh Cửa Lục, theo hướng bền vững để phục vụ phát triển kinh tế, phát triển sản xuất.

Quang cảnh hội nghị. 

Thảo luận về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, sau 3 năm thực hiện, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng khẳng định là một ngành quan trọng trong nền kinh tế và là một trong những trụ cột chính trong nền kinh tế của tỉnh.

Các mục tiêu, tốc độ tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư, số lao động vượt mục tiêu đề ra. Phân bố không gian, quy hoạch các KKT, KCN, CCN để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo được định hướng cụ thể theo các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngành nghề thu hút đầu tư trong một số KCN theo đúng quy hoạch, định hướng phát triển và bước đầu đã hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao, cơ khí chế tạo, lắp ráp linh kiện, thiết bị điện, điện tử, ô tô, sản phẩm quang năng. Bên cạnh đó, môi trường KCN được chú trọng, thực hiện đảm bảo yêu cầu các KCN đi vào hoạt động đều có trạm xử lý nước thải và hệ thống quan trắc tự động.

Đặc biệt, từ khi triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU, tỉnh Quảng Ninh đã từng bước cải thiện về giá trị gia tăng, tỷ trọng đóng góp trong GRDP và tốc độ tăng trưởng của ngành đang dần bắt kịp với sự phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng.

Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh duy trì ở mức khá (năm 2021 đạt 30,73%, 2022 đạt 16,54%, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 12,57%).

Qua các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, BCH Đảng bộ tỉnh thống nhất giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01, trong đó, năm 2024, phấn đấu thu hút 3 tỷ USD.

Tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn FDI thế hệ mới vào các KCN, KKT; ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, giá trị gia tăng lớn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và thu ngân sách.

Tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy các KCN, KKT, trọng tâm là KKT Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái, KCN Đông Mai, Sông Khoai, Việt Hưng, Bắc Tiền Phong... Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động sớm nhất, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng các sản phẩm.

Về nhiệm vụ, giải pháp, cần tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chỉ đạo đã có của Tỉnh ủy liên quan đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư tại các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh, đủ điều kiện sẵn sàng thu hút đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, đặc biệt là tại khu vực, diện tích đất đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông kết nối trong, ngoài KCN, KKT. Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thi công các dự án hạ tầng KCN.

Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký, nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Để hoàn thành mục tiêu tổng quát năm 2024 và 3 chỉ tiêu xây dựng Đảng, 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội - môi trường, BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh xác định phải triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp đã xác định trong Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết chuyên đề của nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết năm 2024 với chủ đề công tác năm: “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.

Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, chuẩn bị vững chắc bảo đảm tính kế thừa, đổi mới và phát triển đội ngũ cán bộ nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ tới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.

Phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, toàn diện, đặt con người vào vị trí trung tâm, vì hạnh phúc của nhân dân. Nâng cao chất lượng phát triển, chất lượng tăng trưởng đi liền với giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số với 3 trụ cột: Tăng nhanh quy mô, tỷ trọng đóng góp vào GRDP và thu ngân sách của công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI thế hệ mới.

Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại; triển khai đồng bộ, quyết liệt và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với bảo đảm chất lượng dự án, công trình, thời gian hoàn thành.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, trong đó tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng; cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh của cả giai đoạn 2020 - 2025 và xa hơn nữa.

Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trọng tâm là quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về “xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”.

Giữ vững thành quả xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên phạm vi toàn tỉnh gắn với đô thị hóa đi vào chiều sâu hiệu quả, bền vững…

HN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực