Quảng Yên (Quảng Ninh): Phấn đấu giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 16,5%

Thứ năm, 09/07/2015 06:41
(ĐCSVN) - Theo Thị ủy Quảng Yên (Quảng Ninh), qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ huyện Yên Hưng (nay là Đảng bộ thị xã Quảng Yên), đến nay, kinh tế của thị xã đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, bộ mặt nông thôn, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể.

5 năm qua, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 11,3%; cơ cấu kinh tế với ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 47,4%; dịch vụ 33,4%, nông nghiệp 19,2%. Trong khi đó năm 2010, cơ cấu công nghiệp, xây dựng của thị xã là 48,7%; dịch vụ 24,2%, nông nghiệp 27,1%.

Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp như Đông Mai, Nhà Mạc, Nam Tiền Phong và các cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã được thực hiện tích cực. Một số dự án mới đầu tư có quy mô lớn đi vào hoạt động, góp phần làm tăng giá trị ngành công nghiệp. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như: cơ khí, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền giữ được tốc độ phát triển tương đối ổn định. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng tăng trưởng bình quân 10,7%/năm. Thương mại và dịch vụ cũng đạt tốc độ tăng trưởng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 21,6%/năm, doanh thu du lịch bình quân tăng 12,4%/năm. Mạng lưới dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển mạnh, giá trị sản xuất tăng 24,8%/năm.

Về sản xuất nông nghiệp, thị xã đã từng bước quy hoạch được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, khu chăn nuôi, khu giết mổ tập trung. Đồng thời mở rộng vùng diện tích trồng rau an toàn với diện tích 220ha; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất một số mặt hàng nông nghiệp có chất lượng, giá trị gia tăng cao. Trong đó, giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích canh tác đạt 110 triệu đồng/ha (tăng 1,96 lần so với năm 2010). Với lĩnh vực chăn nuôi, giá trị sản xuất của ngành tăng bình quân 6,4%/năm. Khai thác thủy sản phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng công nghiệp, thâm canh, bán thâm canh, đa dạng sản phẩm có giá trị kinh tế cao và tăng giá trị trên một đơn vị diện tích nuôi. Sản lượng thủy sản năm 2015 ước đạt 22 nghìn tấn, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng bình quân 3,9%/năm. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ, trồng rừng bổ sung được quan tâm, tỷ lệ che phủ rừng đạt 16%, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng bình quân 1,6%/năm.

Thị xã Quảng Yên đã xây dựng được nhãn hiệu "trứng gà Tân An" trên thị trường 
(Ảnh: BT)

 
Song song với đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống được chú trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của thị xã. Trong đó, thị xã đã tạo lập và xây dựng được nhãn hiệu “trứng gà Tân An”; “rau an toàn Quảng Yên”, “cua biển Quảng Yên”. Nhiều đề tài sáng chế, dự án khảo nghiệm, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng hiệu quả. Thêm vào đó, thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, thị xã đã từng bước nâng cao năng suất lao động, thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống của nông dân với thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 14 triệu đồng năm 2010 lên 27,4 triệu đồng năm 2015.

Cũng theo thông tin từ Thị ủy Quảng Yên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển kinh tế trên địa bàn thị xã vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và hạn chế. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế tuy đạt khá, với 11,3%/năm nhưng chưa thực sự bền vững. Nợ xây dựng cơ bản còn lớn, hạ tầng kinh tế xã hội còn yếu và thiếu đồng bộ.

Nhằm tiếp tục đưa kinh tế của thị xã tiếp tục phát triển, theo Thị ủy Quảng Yên, giai đoạn 2015 - 2020, thị xã phấn đấu giá trị sản xuất trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 16,5% (theo giá so sánh năm 2010). Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế đến năm 2020 với ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 65,1%; dịch vụ chiếm tỷ trọng 23%, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 11,9%.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thị ủy Quảng Yên sẽ tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện các giải pháp thiết thực. Trong đó, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình quan trọng, thiết yếu, nhất là các dự án phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn và hệ thống giao thông. Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, chú trọng thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các ngành nghề có lợi thế như sản xuất, sửa chữa tàu, các dịch vụ thương mại và kho vận. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đổi mới công nghệ, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Mặt khác, chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới, trong đó phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả và bền vững. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học về giống cây trồng vật nuôi và bảo quản. Từng bước hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra sản phẩm chất lượng và có khả năng cạnh tranh cao. Xây dựng được cơ sở cung cấp giống cây trồng, vật nuôi nhằm chủ động trong việc cung cấp các loại giống chất lượng tốt. Khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển các vùng sản xuất, quy mô lớn với hình thức đa dạng, phù hợp của địa phương.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng xây dựng Nông thôn mới thông qua việc tiếp tục củng cố, hoàn thiện các tiêu chí Nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn tiên tiến. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Phát triển các làng nghề truyền thống, đồng thời gắn phát triển du lịch sinh thái, du lịch lễ hội với xây dựng Nông thôn mới. Đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo môi trường thuận lợi để khai thác mọi khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút nhiều lao động.

Song song với đó, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, tập trung phát triển mạnh doanh nghiệp, có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư trên địa bàn thị xã. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc ra đời, phát triển các hợp tác xã dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm và các tổ hợp tác, các mô hình kinh tế tập thể theo nguyên tắc tự nguyện và cùng có lợi./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực