Bộ đội Cụ Hồ trong lòng dân Nậm Giải

Chủ nhật, 07/11/2021 19:43
(ĐCSVN) - Xuất phát điểm nghèo nàn, lạc hậu nhưng sau gần 10 năm, với sự chung sức của LLVT tỉnh Nghệ An, bộ mặt nông thôn mới ở xã Nậm Giải (Quế Phong) đã có sự thay đổi thần kỳ. Với địa bàn được mệnh danh là “đệ nhất khó khăn”của huyện thì việc đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới quả là kỳ tích. Đây chính là “quả ngọt” của tình quân dân cá nước.

 Bộ đội Trung đoàn 764 và người dân Piêng Lâng di dời tảng đá “khổng lồ”

để làm sân nhà văn hóa

Piêng Lâng ngày trở lại

Vượt quãng đường gần 300kmvới nhiều đoạn đường quanh co khúc khủy, chúng tôi trở lại xã Nậm Giải, một trong những xã cao nhất, xa nhất, khó khăn nhất không chỉ của huyện Quế Phong mà của cả tỉnh Nghệ An và chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự “thay da, đổi thịt” của xã vùng cao miền Tây xứ Nghệ.

Như nhiều địa phương khác của Quế Phong, trước đây, nhắc đến Nậm Giải, chắc hẳn nhiều người sẽ liên tưởng đến vùng đất xa xôi với vô vàn cách trở và nghèo khó. Song bằng nỗ lực vận dụng các nguồn lực, đồng thuận của người dân, sự đỡ đầu của Bộ CHQS tỉnh, nơi đây đã tạo nên kỳ tích, từ chỗ “nhiều không” (không điện, không đường, không trường, không trạm, không chợ…) đến nay sắc mới đã tràn ngập trên khắp bản làng, thôn xóm. Những cung đường “huyết mạch”lưng chừng núi được bê-tông hóa, vươn đến tận từng thôn bản, từng cổng nhà dân. Hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng, tu sửa khang trang, sạch đẹp; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng cao;  tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 80% năm 2012 nay xuống còn hơn 30%...

Tuy nhiên trong “bức tranh” tổng thể với đa sắc màu tươi mới ấy vẫn có những “mảng tối” khó khăn riêng. Piêng Lâng là một trong số đó. Đây là bản nằm đầu nguồn dòng Nậm Giải, bản cuối cùng của xã Nậm Giải, giáp nước bạn Lào, với gần 10km đường biên giới, là điểm tái định cư của những hộ dân bản Pục, bản Méo bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận lũ quét lịch sử năm 2007. Toàn bản có 56 hộ với 238 nhân khẩu, một nửa trong số đó là hộ nghèo. Bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM) (năm 2012), Piêng Lâng có xuất phát điểm rất thấp, việc huy động nguồn lực gặp nhiều khó khăn do một bộ phận cán bộ và bà con có tư tưởng trông chờ ỷ lại và xem việc xây dựng NTM là của nhà nước chứ không phải của dân. Chính vì vậy, Piêng Lâng nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể huyện và tỉnh, đặc biệt là Bộ CHQS tỉnh.

Ông Lô Văn Thường, Bí thư Chi bộ bản Piêng Lâng cho biết: “Đổi thay hôm nay là nhờ thực hiện Chương trình xây dựng NTM và sự chung tay góp sức của bộ đội tỉnh. Ngày đầu bắt tay làm lo lắm các anh à, vì ngoài nguồn vốn huy động lớn, cái nan giải nhất đó là nhận thức của bà con về NTM rất mơ hồ. Bộ đội tỉnh phải trải qua một quá trình vận động kiên trì thông qua hàng chục buổi tuyên truyền, kết hợp lồng ghép nhiều nội dung xây dựng NTM tại các lớp học xóa mù chữ. Từ đây, bà con hiểu rằng, học cái chữ là để làm sao trồng cây lúa nhiều hạt hơn; nuôi con gà, con lợn to béo hơn… còn xây dựng NTM là để có cái đường mà đi chợ bán con lợn, con gà thuận lợi, có điện, có trường, có nhà văn hóa to đẹp hơn và có tiền cho con cái đến trường”.

Từ những buổi tuyên truyền đó, đã giải quyết vấn đề khó khăn nhất ở Piêng Lâng đó là xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước. Cùng với đó, mỗi đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, Bộ CHQS tỉnh lại phân công cán bộ, đảng viên cầm tay chỉ việc, kèm cặp, giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình, từ cách chăm con gà, cây rau đến nuôi con lợn, vỗ béo con bò...

 Đại tá Phạm Văn Đông tặng quà cho bà con bản Piêng Lâng

Trên đường dẫn chúng tôi đến nhà văn hóa bản, ông Lô Văn Thường cho biết: “Trước đây, con đường vào nhà văn hóa cũng như sân nhà văn hóa gồ ghề, chật hẹp, ngày mưa thì trơn lầy, ngày nắng thì bụi phủ, việc đi lại, sinh hoạt của bà con gặp nhiều khó khăn. Nậm Giải muốn thoát nghèo, muốn cải thiện đời sống người dân thì phải có đường. Những con đường có được hôm nay là nhờ công bộ đội đấy các anh à! Không có bộ đội nổ mìn, phá đá, chặt cây, dịch chuyển những tảng đá lộ thiên to bằng ngôi nhà, choán hết diện tích thì bà con làm sao có con đường hơn 3km, sân nhà văn hóa rộng hơn 500m2 mà sử dụng được”.

Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh hằng năm hành quân về giúp bà con dân bản đổ đường bê tông, sân nhà văn hóa, làm điện chiếu sáng, sửa sang nhà cửa, dọn dẹp vườn tạp, hoa màu vẫn in đậm trong lòng bà con... Ngôi nhà chị Quang Thị Xuân bị tốc mái sau cơn mưa lớn, lốc xoáy giữa năm 2020 được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 764, Bộ CHQS tỉnh lợp sửa lại thêm phần vững chãi. Gặp chúng tôi, không dấu được niềm vui, chị Quang Thị Xuân phấn khởi nói: “Các chú bộ đội không quản mưa gió kịp thời giúp gia đình tôi lợp lại mái nhà ngay trong đêm. Còn dân bản thì rất vui bởi bộ đội không nề hà bất cứ việc gì. Thấy bộ đội làm nhiệt tình quá, mình và bà con không thể đứng ngoài cuộc được”. 

“Đồng bào ấm no là hạnh phúc của Bộ đội Cụ Hồ chúng tôi”

Chia tay Piêng Lâng, theo các cung đường bê tông, chúng tôi đến với các bản Pục, bản Méo, cánh đồng Na Hốc, những địa bàn chịu nhiều đau thương do trận lũ quét lịch sử năm 2007 gây ra. Năm đó, tuy chỉ cách thị trấn khoảng hơn 30km nhưng chúng tôi phải đi mất gần hai ngày đường mới đến được hiện trường lũ quét, nay chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ. Đi lại cũng như giao thương hàng hóa giờ đây rất thuận lợi. Các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi của bà con nườm nượp nối đuôi nhau theo xe máy thương lái ra thị trấn tiêu thụ, hầu như nhà nào cũng có xe máy; điện lưới quốc gia về tận bản nên có đến 70 - 80% hộ dân có ti vi, tủ lạnh.Có thể nói những điều chỉ nằm trong giấc mơ của người dân cách hơn đây chục năm nay đã thành hiện thực.

  Đại tá Phạm Văn Đông trò chuyện với bà con Nậm Giải và giao nhiệm vụ dân vận cho cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 764.

Những đổi thay đó có thể nói đều bắt đầu từ cái duyên giữa người lính Cụ Hồ với đồng bào Nậm Giải. Thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng NTM”, năm 2012, Bộ CHQS tỉnh quyết định nhận “đỡ đầu” xã Nậm Giải xây dựng NTM bằng những mô hình, việc làm sâu nặng nghĩa tình. Thời điểm ấy quá nhiều khó khăn chồng chất. Nhưng cái khó không thể làm khó tình cảm và trách nhiệm của các anh. Sau khi khảo sát kỹ địa hình, các hạng mục công trình cần làm, xây dựng kế hoạch giúp dân, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh phát động phong trào “Tiết kiệm bản thân để phần người khó”, mỗi tháng tình nguyện đóng góp 30.000 đồng/người để tạo nguồn lực giúp dân lâu dài.

Tiếp đó, bộ đội tổ chức ổn định nơi ăn ở cho các hộ tái định cư, cải tạo đất sản xuất; tạo nguồn vốn bằng cách tặng bò, lợn, gà giống; mua các loại giống cây trồng chất lượng cao; khắc mọi khó khăn đưa bằng được nước về cánh đồng Na Hốc để bà con canh tác lúa nước và các loại hoa màu. Tổ chức “3 bám, 4 cùng” vận động người dân di dời trâu bò nuôi nhốt dưới nhà sàn ra vị trí khác, cải thiện môi trường sống. Nhờ đó, Nậm Giải dần trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM của huyện Quế Phong.

Ông Lô Minh Tường, Chủ tịch UBND xã Nậm Giải cho biết: “Sau gần 10 năm được Bộ CHQS tỉnh đỡ đầu, công tác xây dựng NTM của xã đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an sinh xã hội đạt được nhiều thành tựu toàn diện, sản xuất nông, lâm nghiệp khá phát triển. Đời sống tinh thần, vật chất của người dân được cải thiện, công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt được kết quả quan trọng, cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện. Năm 2012, toàn xã cơ bản chưa đạt tiêu chí nào trong Bộ tiêu chí NTM, đến nay xã đã đạt 11/19 tiêu chí NTM. Sự tin tưởng của bà con ở đây đối với Đảng, Nhà nước và đặc biệt là đối với cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh rất cao”.

Được biết, từ năm 2012 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ xã Nậm Giải gần 5 tỉ đồng gồm bò giống sinh sản, giống cây trồng, khám chữa bệnh miễn phí, tặng quà đối tượng chính sách, hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hơn 100 tấn xi măng, hơn 19.000 ngày công lao động đổ gần 10 km đường bê tông liên bản, nội bản, xây dựng, nâng cấp trường học, trạm y tế xã, tặng hàng trăm lá cờ Tổ quốc…Mới đây nhất, Bộ CHQS tỉnh đã hỗ trợ 10 tấn xi măng và bàn giao hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời cho bản Poòng với tổng trị giá hơn 80 triệu đồng.

Đại tá Phạm Văn Đông, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh khẳng định: “Gần 10 năm đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Nậm Giải trong công tác xây dựng NTM, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh chúng tôi luôn xác định đến với cấp ủy, chính quyền và bà con Nậm Giải bằng tất cả tấm lòng, tận tâm, tận lực giúp dân, không ngại khó, ngại khổ. Mỗi năm chúng tôi chọn một đến hai phần việc để làm theo phương châm giúp những thứ địa phương, người dân cần. Nậm Giải vươn lên thoát nghèo bền vững, cuộc sống bà con ấm no là hạnh phúc lớn nhất đối với Bộ đội Cụ Hồ chúng tôi”./. 

Bài, ảnh: MẠNH HÙNG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực