Đoàn 92 bảo đảm an ninh trong Khu kinh tế quốc phòng A So

Thứ tư, 06/09/2023 08:27
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Đoàn Kinh tế Quốc phòng 92 (Đoàn 92) được thành lập ngày 24/5/1999 có nhiệm vụ xây dựng Khu kinh tế quốc phòng A So, huyện A Lưới ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế. Những năm qua, Đảng uỷ, chỉ huy Đoàn 92 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc kết hợp phát triển kinh tế, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Gần 25 năm đứng chân thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn 4 xã A Roàng, Lâm Đớt, Hương Phong, Đông Sơn; đây là các xã đặc biệt khó khăn nhất của huyện A Lưới; có 32 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào; đồng bào các dân tộc thiếu số như: Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Cô, Mường, Thái, Khoa, Tày, Pa Hy chiếm 92,4% dân số. Đặc biệt, đóng quân giữa thung lũng A So, địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Cùng với đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá, truyền đạo trái pháp luật, hoạt động tội phạm ma túy, vượt biên trái phép... Những năm qua, Đảng uỷ, chỉ huy Đoàn 92 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc kết hợp phát triển kinh tế, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ và nhận thức rõ những thuận lợi, khó khăn của Khu kinh tế - quốc phòng A So, A Lưới, ngay sau khi thành lập, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn 92 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) đối với nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng. Đoàn tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, nhân viên nhằm bổ sung những kiến thức cơ bản về kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, pháp luật, kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm, công tác vận động quần chúng và phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Nhất là xây dựng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức tự quản, tự rèn, tự giác chấp hành kỷ luật, quan hệ quân dân; nêu cao trách nhiệm, quyết tâm vượt khó, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ; xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân địa phương.

 Đoàn 92 gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm với già làng, trưởng thôn, người có uy tín trên địa bàn về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh trong Khu kinh tế quốc phòng A So, A Lưới.

Để triển khai hiệu quả các dự án kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, trên cơ sở nguồn vốn các dự án đầu tư trong quy hoạch Khu kinh tế - quốc phòng A So, Đoàn 92 phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đoàn đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp tổ chức sắp xếp, bố trí lại dân cư cho 830 hộ thuộc 4 xã vùng dự án; hình thành 17 thôn, bản dọc tuyến biên giới. Các điểm dân cư được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng từ điện, đường, trường, trạm, đến hướng dẫn người dân phát triển các mô hình kinh tế. Đến nay 100% các hộ dân được di dời và hỗ trợ đã ổn định cuộc sống, giao thông đi lại thuận lợi, người dân được tiếp xúc, bồi dưỡng và áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế góp phần cải thiện đời sống cho bà con, giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới; xây dựng biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hợp tác, cùng phát triển; hình thành các cụm làng, bản dọc tuyến biên giới, tạo thế trận Quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc.

Giai đoạn (2002 - 2010) đơn vị kết hợp với địa phương xây dựng mô hình trại sản xuất cây giống hơn 6 ha; trại sản xuất con giống hơn 740 m2 và 30 con bò giống tại xã Hương Phong, huyện A Lưới; hỗ trợ khai hoang đồng ruộng, diện tích hơn 20 ha; hỗ trợ sản xuất cây hoa màu, cây lâu năm tại các xã trong vùng dự án với tổng số tiền hơn 3 tỉ đồng. Dự án trồng và bảo vệ rừng vành đai biên giới (giai đoạn 2013 - 2015), đơn vị đã phối hợp với địa phương triển khai 03 dự án với quy mô hơn 11.700 ha tại địa bàn huyện A Luới gồm: Bảo vệ 10.365 ha rừng tự nhiên; trồng mới 848 ha; khoanh nuôi tái sinh 500 ha; trồng lại sau khai thác 25 ha rừng; xây dựng 02 chòi canh lửa và 10 bảng quy ước Bảo vệ rừng với tổng số tiền hơn 9,5 tỷ đồng. Dự án giảm nghèo giai đoạn (2012 - 2023), đơn vị triển khai 5 xã thuộc huyện A Lưới và 4 xã huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình với số tiền hơn 20 tỉ đồng. Đầu tư xây dựng hơn 40km đường giao thông liên xã; liên thôn; hệ thống điện nước sinh hoạt; công trình thuỷ lợi; cơ sở hạ tầng văn hoá, giáo dục với tổng số tiền gần 200 tỉ đồng. Bệnh xá Quân dân y tổ chức thăm khám, điều trị chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ, nhân viên, Nhân dân trên địa bàn gần 3.000 lượt người/năm.

Triển khai thực hiện nhiều dự án giúp đỡ Nhân dân phát triển kinh tế, như nuôi bò sinh sản, lợn nái sinh sản, trồng lúa nước, ngô lai, chuối tiêu hồng, sắn cao sản, bưởi da xanh, sâm Bố chính, trồng sả, hương nhu, Bí xanh, gừng trong bao xi măng… Quá trình Đoàn triển khai các dự án hỗ trợ giống, vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã kết hợp chặt chẽ với cải tạo nhiều vùng đất xấu, hình thành các diện tích đất màu mỡ phục vụ trồng trọt cây hoa màu với diện tích 60,3 ha; chuyển từ trồng lúa 1 vụ sang 2 vụ/năm mang lại kinh tế cao. Các mô hình phát triển con giống phát triển tốt, nhiều hộ gia đình được đơn vị hỗ trợ 1 con bò giống, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh, nay đã phát triển 5-6 con, có hộ gia đình phát triển 8-10 con, mang lại thu nhập, niềm vui cho gia đình, góp phần xây dựng tình đoàn kết gắn bó quân dân trong phát triển kinh tế và giữ vững an nình chính trị trên địa bàn.

Với phương châm “3 bám (bám dân, bám bản, bám đối tượng); 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc); 6 xóa (đói cái ăn, đói cái mặc, đói chữ, đói thông tin, đói thuốc chữa bệnh, thiếu nước sạch), Đoàn 92 vừa tuyên truyền, vận động, nắm tình hình tư tưởng, dư luận, vừa giúp đỡ nhân dân lao động sản xuất, giúp dân xây dựng nông thôn mới, nhất là hướng vào các địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Gần 25 năm qua, Đoàn 92 đã huy động trên 10.000 ngày công giúp địa phương làm hơn 40km đường bê tông nông thôn, bản, tu sửa hơn 35 km kênh mương thủy lợi, giúp dân lao động sản xuất thu hoạch mùa màng; phối hợp sửa chữa nhà ở cho hơn 300 hộ nghèo và gia đình chính sách; xây dựng 05 Nhà tình nghĩa; hằng năm tổ chức chương trình "Bánh chưng xanh vì người nghèo”, “Phong trào quân đội nâng bước em đến trường”, “Áo ấm mùa đông”, “lớp học xoá mù chữ”, “Bánh mỳ 0 đồng”, phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang Quân khu chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”... Đặc biệt, thực hiện mô hình “Chi bộ, đảng viên kết nghĩa, đỡ đầu giúp đỡ hộ nghèo”, các chi bộ trong Đảng bộ đoàn và cán bộ đảng viên đã nhận đỡ đầu, giúp đỡ hơn 30 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống và thăm tặng quà gia đình có nạn nhân nhiễm chất độc da cam/điôxin; gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để lại hình ảnh tốt đẹp trong lòng bà con Nhân dân nơi biên giới.

Cùng với đó, Đảng uỷ, Chỉ huy Đoàn 92 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm chương trình, kế hoạch huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, xây dựng và bảo vệ khu vực phòng thủ; duy trì nghiêm túc các chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu (SSCÐ); tổ chức tuần tra, canh gác bảo đảm an toàn đơn vị và địa bàn. Tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung đầy đủ hệ thống văn kiện và tổ chức luyện tập thành thục các phương án chiến đấu tại chỗ, phòng chống cháy rừng, bão lụt, cứu nạn, cứu hộ, các hoạt động xâm nhập biên giới; phối hợp tuần tra, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động xử lý các tình huống. Quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích 07 điếm đất quốc phòng, không để xảy ra tranh chấp, lấn chiếm.

Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể vận động quần chúng tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân. Tuyền truyền giáo dục cho Nhân dân thấy rõ được âm mưu thủ đoạn chống phá cách mạng của các thế lực phản động thù địch, nhất là chiến lược "Diễn biến hoàn bình", "Bạo loạn lật đổ". Đơn vị tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền lưu động, chiếu phim, trò chuyện, trao đổi để tuyên truyền và tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung tại các thôn, bản, trường học; tuyên truyền trên trang fanpage “Biên giới xanh” thu hút được hơn 1.500 lượt người theo dõi; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thanh nội bộ, báo đài trung ương, địa phương, tập trung lan toả người tốt, việc tốt, đấu trang, phản bác quan điểm, sai trái thù địch, góp phần nâng cao nhận thức cho mọi người dân trên địa bàn chung tay phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, giữ vững địa bàn, không để các thế lực thù địch lợi dụng phá hoại.

Phối hợp với các lực lượng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong vùng dự án làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật quân sự, bí mật nhà nước; thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng, chống xâm nhập, cài cắm, móc nối, phá hoại nội bộ. Chú trọng phối hợp với các lực lượng Công an, Biên phòng, Quân sự địa phương nắm, trao đổi, cung cấp thông tin an ninh chính trị; phối hợp tham gia tuần tra biên giới, làm cơ sở để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, triển khai các phương án, biện pháp ngăn chặn, đấu tranh, xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh, không để bị động, bất ngờ ngay từ cơ sở, góp phần vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm quốc phòng an ninh, tạo nên vành đai an toàn trên tuyến biên giới.

Đặc biệt, từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn, đơn vị đã chủ động phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang trên địa bàn tổ chức tuyên truyền tới mọi người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch; tham gia tuần tra khu vực biên giới, ngăn chặn hiện tượng xuất, nhập cảnh trái phép... Cử lượng lượng tham gia trên tuyến đầu chống dịch, như chốt chặt tại các khu cách ly, các trạm kiểm soát, test nhanh COVID, thăm khám, chăm sóc sức khoẻ cho người dân.

Mặt khác, Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn đã có nhiều chủ trương trong giúp địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị như mở lớp bồi dưỡng kiến thức sử dụng máy vi tính cho cán bộ thôn xã, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho cán bộ, các tổ chức quần chúng; phối hợp với Trung tâm chính trị huyện A Lưới bồi dưỡng cảm tình Đảng cho hàng trăm Đoàn viên; chỉ đạo Đoàn thanh niên tham gia các phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với các chi đoàn địa phương. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể gặp gỡ các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn 4 xã vùng dự án để vận động thực hiện các dự án kinh tế đã triển khai, xây dựng địa bàn ổn định. Chỉ đạo các cơ quan, đội sản xuất làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia xây dựng 04 chi bộ quân sự xã hàng năm đạt trong sạch vững mạnh; hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn được củng cố, kiện toàn về tổ chức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, sức chiến đấu được nâng lên; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Qua đó, góp phần vào việc củng cố quốc phòng an ninh trong vùng dự án; bảo vệ địa bàn, tuyến biên giới an toàn.

Nhờ thực hiện tốt công tác giúp đỡ Nhân dân phát triển kinh tế xã hội và củng cố quốc phòng an ninh trên tuyến biên giới, do vậy người dân trên địa bàn chấp hành nghiêm đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, không tham gia truyền, học đạo trái pháp luật, di, dịch cư tự do, tệ nạn xã hội…; tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, thúc đẩy các địa phương biên giới từng bước phát triển, tỉ lệ hộ nghèo 4 xã vùng dự án giảm rõ nét. Tính đến tháng 1/2023, tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của 4 xã vùng dự án còn 49,18%, giảm hơn 35% so với năm 2000; tỉ lệ hộ cận nghèo 16,74%. Trong đó, xã A Roàng 50,06%; xã Lâm Đớt chiếm 47,83%; xã Đông Sơn chiếm 74,32%; xã Hương Phong còn 1,98% và trở thành xã nông thôn mới, thoát nghèo.

Xây dựng Khu kinh tế quốc phòng trên các địa bàn chiến lược biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Đến nay, cán bộ, nhân viên, TTTTN Đoàn 92 đã góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc vùng biên giới xứ Huế; vừa tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; củng cố cơ sở chính trị, tăng cường nền Quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, Biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh; từng bước cải biến một vùng đất hoang sơ, khô cằn, bị huỷ hoại bởi chất độc điôxin từng bước hồi sinh thành một vùng đất mới; đời sống bà con được cải thiện phát triển mạnh mẽ, bà con nhân dân ổn định làm ăn, phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo.

Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” Đoàn 92 luôn toả sáng nơi biên cương và được cấp uỷ, chính quyền, Nhân dân địa phương nơi biên cương xứ Huế tin tưởng và đùm bọc, che chở, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị luôn là lá cờ đầu trong phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang Quân khu 4.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, Đoàn 92 đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Khu kinh tế quốc phòng A So, A Lưới, phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng Minh Hóa - Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Từ thực tiễn công tác, Đoàn 92 rút ra một số kinh nghiệm đó là:

Trước hết: Cần tiếp tục khẳng định, xây dựng Khu kinh tế quốc phòng trên các địa bàn chiến lược biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta. Quá trình triển khai thực hiện các dự án kinh tế cần gắn với quốc phòng an ninh từ khâu quy hoạch, kế hoach, xây dựng đến triển khai thực hiện các dự án, mô hình. Phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo, chính quyền và Nhân địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ; lồng ghép các hạng mục công trình, các nguồn vốn để phát huy hiệu quả đầu tư. Trên cơ sở thực tế và nhu cầu của địa phương tiến hành lựa chọn các công trình ưu tiên; làm tốt công tác bố trí, sắp xếp lại dân cư theo hướng phát triển sản xuất gắn với mục tiêu lâu dài trong chiến lược phòng thủ.

Thứ hai: Phát huy vai trò trách nhiệm cho cấp uỷ, chỉ huy các cấp trong việc trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ gắn phát triển kinh tế xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh. Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án: “Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn Quân khu giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”. Làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, nhân viên, TTTTN đối với nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng; xây dựng ý chí quyết tâm, đoàn kết của tập thể đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là những đội sản xuất đóng quân xa sở chỉ huy, ở vùng trọng điểm về quốc phòng an ninh, để mỗi cán bộ, nhân viên, TTTTN đơn vị trở thành những tuyên truyền viên tích cực đưa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào, nói cho đồng bào hiểu, làm cho đồng bào tin. Tuyền truyền giáo dục cho Nhân dân thấy rõ được âm mưu thủ đoạn chống phá cách mạng của các thế lực phản động thù địch, nhất là chiến lược "Diễn biến hoàn bình", "Bạo loạn lật đổ"…

Thứ ba: Triển khai các dự án mô hình giúp dân xoá đói giảm nghèo phải đồng bộ, toàn diện, song có trọng tâm, trọng điểm, có chất lượng thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình đơn vị, điều kiện thực tế của từng địa phương; thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả, nhân rộng mô hình hiệu quả, kịp thời rút kinh nghiệm biểu dương khen thưởng trong triển khai thực hiện các mô hình dự án; đồng thời đôn đốc nhắc nhở các tập thể, cá nhân hoàn thành nhiệm vụ thấp, biểu hiện tượng tiêu cực, tham mô, tham nhũng, lãnh phí trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Thứ tư: Thường xuyên phối hợp với các lực lượng Công an, Biên phòng, Quân sự địa phương nắm, trao đổi, cung cấp thông tin an ninh chính trị; tham gia tuần tra biên giới, làm cơ sở để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, triển khai các phương án, biện pháp ngăn chặn, đấu tranh, xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh, không để bị động, góp phần vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm quốc phòng an ninh, tạo nên vành đai an toàn trên tuyến biên giới. Phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội địa phương, nhất là già làng, trưởng thôn, bản, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, Quân đội, đơn vị, giữ vững mối quan hệ bền chặt quân dân, kịp thời nắm chắc tình hình, sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra.

Thứ năm: Duy trì nghiêm túc chương trình, kế hoạch huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực SSCÐ; tổ chức tuần tra, canh gác bảo đảm an toàn đơn vị và địa bàn. Kiện toàn và tổ chức luyện tập thành thục các phương án chiến đấu tại chỗ, phòng chống cháy rừng, bão lụt, cứu nạn, cứu hộ, các hoạt động xâm nhập biên giới; phối hợp tuần tra, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động xử lý các tình huống xảy ra. Phối hợp bám nắm địa bàn, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, thế trận lòng dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân, luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.

Đại tá Lưu Đức Chinh, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Đoàn KTQP 92

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực