Gặp gỡ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến

Thứ bảy, 21/12/2013 11:00

(ĐCSVN) - Một ngày đông cuối năm 2013, chúng tôi tìm đến ngôi nhà ở khu tập thể B11, Trần Phú, Hà Nội để được gặp gỡ Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320.

Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng Trung tướng Khuất Duy Tiến vẫn còn minh mẫn và nhanh nhẹn. Kí ức của những năm tháng chiến đấu chống quân thù vẫn như còn nguyên vẹn trong trí nhớ của ông.

Sinh năm 1931 ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), từ năm 12 tuổi, Khuất Duy Tiến đã tham gia cách mạng. Những năm đầu chiến đấu chống giặc Pháp, Khuất Duy Tiến đã từng bị địch bắt đưa về nhà tù Hỏa Lò, nhưng với sự gan dạ và dũng cảm của mình, ông đã vượt ngục và tiếp tục đầu quân chiến đấu. Từ khi tham gia nhập ngũ năm 1950, Khuất Duy Tiến đã chiến đấu ròng rã suốt 25 năm cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trung tướng Khuất Duy Tiến ôn lại kỷ niệm trong những năm tháng chiến đấu của mình
 (Ảnh: Bùi Thủy)


Nhắc lại những chiến công của mình, có lẽ trận đánh ấn tượng nhất với Trung tướng đó là chiến dịch ở đường 9 - Nam Lào năm 1971. Đây là chiến dịch mà Trung tướng tham gia với vai trò Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, chỉ huy các tiểu đoàn đánh vào điểm cao 543 – căn cứ 31 của lữ đoàn số 3 – lực lượng thiện chiến nhất của ngụy quân Sài Gòn.

“Đây là chiến dịch có vị trí quan trọng đặc biệt bởi đường 9 – Nam Lào là đường vận chuyển chiến lược bảo đảm hậu cần cho chiến trường miền Nam. Nếu địch chiếm được sẽ cắt đứt tuyến vận tải của ta. Đồng thời, tạo điều kiện cho chúng tiếp tục thực hiện kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh” – Trung tướng cho biết.

Để giữ chắc điểm cao 543, địch đưa quân tới chiếm điểm cao 535 (điểm cao Không tên - cách điểm cao 543 hai km) để chặn đứng quân ta tiến đánh căn cứ 31.

Sáng 13/2/1971, địch bất ngờ cho quân nhảy dù xuống điểm cao 535. Chúng cho máy bay rải bom, bắn pháo, ào ạt đổ quân xuống trận địa của ta. Trận đánh diễn ra ác liệt giữa ta và địch, khói lửa mù mịt. Đánh được 15 phút, quân ta đã bắt được 9 tên lính công binh của tiểu đoàn 6 - Lữ đoàn dù 3. Cuộc chiến diễn ra từ 11 giờ trưa đến 16 giờ 30, quân ta đã tiêu diệt được phần lớn sinh lực địch.

Sau trận đánh ở điểm cao 535, Trung đoàn tập trung lực lượng cho trận đánh vào điểm cao 543. Trận chiến diễn ra ác liệt với quân địch trong 4 ngày nhưng thế trận vẫn giằng co, không phân thắng bại. Nắm bắt tình hình, ngày 25/2/1971, Đảng ủy chỉ huy Trung đoàn quyết định thay đổi kế hoạch tác chiến, chuyển từ hướng đánh bắc tây bắc sang hướng đông đông nam tạo đòn tấn công bất ngờ. Đến 18 giờ cùng ngày, quân ta đã tiêu diệt gọn tiểu đoàn dù số 3, tiểu đoàn binh hỗn hợp, sở chỉ huy của địch; bắt sống toàn bộ sỹ quan chỉ huy, trong đó có Đại tá Nguyễn Văn Thọ - Lữ trưởng Lữ đoàn quân dù 3 của quân ngụy Sài Gòn.

Ban chỉ huy Trung đoàn 64 hạ quyết tâm sử dụng lực lượng tiêu diệt Lữ đoàn quân dù 3
của quân ngụy Sài Gòn
trong chiến dịch đường 9 – Nam Lào năm 1971. Người thứ nhất
từ trái qua là đồng chí Khuất Duy Tiến. (Ảnh do nhân vật cung cấp)


“Chiến thắng ở căn cứ 31 đã góp phần giúp các đơn vị bạn quét sạch quân địch ở Bản Đông, giúp quân ta giữ vững được địa phận vùng chiến lược đường 9 – Nam Lào. Đồng thời bẻ gãy xương sống của kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ” – Trung tướng Khuất Duy Tiến chia sẻ.

Đây cũng là chiến dịch mà nhờ đó Trung tướng được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 30/10/2013, cùng với những đóng góp quan trọng của mình.

Không chỉ tham gia mặt trận đường 9 – Nam Lào, Trung tướng Khuất Duy Tiến còn tham gia nhiều trận chiến khác trên nhiều chiến trường như: chiến trường Tây Nguyên (1972), chiến dịch giải phóng Tây Nguyên (1975), chiến dịch Hồ Chí Minh… Với những cống hiến và sự phấn đấu không mệt mỏi, ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất…

Không chỉ nhớ về những chiến công, Trung tướng vẫn còn nhớ như in những vất vả, gian khổ, hiểm nguy cùng với các chiến sĩ bộ đội đối mặt với căn bệnh sốt rét ác tính, ruồi vằn, bọ cạp, kiến, mối, đói, rét… Đặc biệt, một dấu tích chiến tranh vẫn còn hiện hữu trên cơ thể của Trung tướng là một viên đạn xuyên qua đùi khi bị giặc bắn vào ngày 19/10/1950.

Nói về nguyên nhân làm nên những chiến thắng của quân đội ta trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Trung tướng Khuất Duy Tiến cho rằng, điều căn bản nhất là tinh thần chiến đấu dũng cảm, không ngại gian khổ, khó khăn, ý chí quyết chiến quyết thắng của các chiến sĩ bộ đội. Bên cạnh đó còn là nghệ thuật quân sự sáng tạo, linh hoạt của các cấp chỉ huy với cách bày trận sáng tạo, biết phân tích thế trận giữa ta và địch... Đó là sự kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta, là sự sáng tạo của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới ánh sáng soi đường của Đảng, Bác Hồ, giúp quân đội làm nên những chiến thắng vẻ vang, tô thắm thêm lịch sử hào hùng của dân tộc và mãi là niềm tự hào của các thế hệ đời sau./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực