Đừng để “nhờn thuốc”!

Thứ tư, 20/01/2010 08:55
Thật khó tin nhưng có thật là chuyện các công ty đại chúng (CTĐC) thích… bị phạt! Đáng buồn hơn khi danh sách CTĐC vi phạm ngày một dày lên. Tuần nào trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng công bố thông tin hàng loạt các quyết định xử phạt.

Vẫn là những vi phạm cũ như chào bán chứng khoán ra công chúng mà không đáp ứng đủ điều kiện theo Luật Chứng khoán, không đăng ký, không công bố thông tin theo quy định, hoặc không đăng ký với UBCKNN khi đã đáp ứng điều kiện trở thành CTĐC…

Nguyên nhân, do mức “trần” xử phạt theo quy định của Nghị định số 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán chỉ đến… 70 triệu đồng. Mức phạt thấp nhưng UBCKNN cũng chẳng bao giờ phạt “mút khung”, mà mức phổ biến chỉ khoảng 20 - 50 triệu đồng cho một vi phạm.

Trong khi, đi theo con đường “chính ngạch” để phát hành chứng khoán thì các CTĐC lại mất khoảng từ 150 - 250 triệu đồng cho phí kiểm toán báo cáo tài chính và khoảng 100 - 200 triệu đồng phí tư vấn cho một đợt phát hành. Chi phí ấy gấp mấy chục lần so với mức phạt. Tuy Nghị định 36/2007/NĐ-CP có quy định ngoài việc áp dụng các biện pháp xử phạt chính bằng tiền, còn có thể áp dụng phạt bổ sung như tịch thu toàn bộ các khoản thu được từ vi phạm, tịch thu số chứng khoán được sử dụng để vi phạm hành chính; tước giấy chứng nhận chào bán chứng khoán; đình chỉ có thời hạn hoặc hủy bỏ đợt phát hành chứng khoán ra công chúng… nhưng gần như hình phạt bổ sung này đã bị bỏ quên.

Do vậy, các CTĐC bằng cách vi phạm sẽ thu được một khoản lợi lớn. Chính cách áp dụng pháp luật của các cơ quan chức năng đã tạo ra hiện tượng “lờn thuốc” ở các doanh nghiệp vi phạm. Thậm chí, còn làm lợi cho doanh nghiệp vi phạm. Cứ vi phạm, nộp phạt, là cho qua, là được lên “sàn” thì doanh nghiệp nào chẳng muốn vi phạm để… đỡ tốn kém?!

Cũng cách xử lý này, nhớ lại câu chuyện xử phạt nhà xây dựng trái phép trên địa bàn TPHCM vào đầu những năm 2000. Khi đó, những người xây nhà trái phép chỉ cần nộp phạt với số tiền tượng trưng rồi dùng biên lai nộp phạt để làm thủ tục hợp thức hóa nhà. Cách giải quyết vấn đề như thế đã dẫn đến tình trạng xây nhà trái phép tràn lan vào những năm sau và còn dẫn đến chuyện “xé nhỏ dự án” để trục lợi của các nhà đầu tư.

Ai cũng hiểu dùng pháp luật để bảo vệ cho người “ngay”, trừng trị kẻ “gian” thì chính cách vận dụng pháp luật dễ dãi đã dẫn đến làm lợi cho người gian, gây bất công bằng trong xã hội. Do vậy, để góp phần giảm thiểu và ngăn chặn các vi phạm pháp luật chứng khoán của CTĐC, qua đó tạo môi trường đầu tư chứng khoán minh bạch và đúng pháp luật, đồng thời bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường, đã đến lúc các cơ quan quản lý cần nhìn nhận lại vấn đề áp dụng pháp luật.

Phải kiên quyết hơn nữa trong việc xử phạt những hành vi vi phạm. Cần mạnh dạn áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung song song với việc nâng mức xử phạt tiền. Đồng thời cần chủ động giám sát, kiểm tra để ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại có thể phát sinh cho nhà đầu tư. Đừng để người ngay bị thiệt!


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực