Quảng Trị tập trung huy động nguồn lực nhằm hoàn thành các mục tiêu về phổ cập giáo dục

Thứ tư, 21/08/2024 08:43
(ĐCSVN) - Trong thời gian tới, Quảng Trị sẽ tập trung tăng cường huy động nguồn lực, bảo đảm ngân sách để hoàn thành các mục tiêu về phát triển giáo dục và đào tạo, về phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

Phấn đấu 100% huyện hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Kế hoạch số 162/KH-UBND về triển khai thực hiện công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2030.

Kế hoạch nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Kế hoạch số 142-KH/TU ngày 11/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xòa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về sự cần thiết, tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đối với việc phát triển văn hóa, giáo dục ở địa phương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 Quảng Trị phấn đấu 100% huyện trên địa bàn tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi (Ảnh minh họa: VA)

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, đối với phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo, Quảng Trị phấn đấu có chính sách ưu tiên phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; 100% xã, phường, thị trấn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 100% huyện, thị xã, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.   

Đối với phổ cập giáo dục tiểu học, Quảng Trị phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% huyện, thị xã, thành phố duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Tỉnh Quảng Trị duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

Đối với phổ cập giáo dục trung học cơ sở, Quảng Trị hướng đến mục tiêu 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; 100% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Về xóa mù chữ, địa phương phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 100% huyện, thị xã, thành phố duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỉnh Quảng Trị duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Về phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, Quảng Trị phấn đấu 100% trường có cấp trung học cơ sở, trường có cấp trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 100% giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ,…

Tăng cường huy động nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu về phổ cập giáo dục

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Trong đó, các sở, ban, ngành tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu, rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mùa chữ cho người lớn và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, lâu dài.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện, bảo đảm cho mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ học tập, hoàn thành phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc; chú trọng trang bị kiến thức và kỹ năng thiết yếu cho người mới biết chữ, duy trì và nâng cao tính bền vững đối với kết quả xoá mù chữ cho người lớn.

Tăng cường tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh, có cơ hội tiếp tục học tập; tạo điều kiện cho người trong độ tuổi lao động có thể tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, thích ứng với những thay đổi của xã hội. Đồng thời, phát triển hệ thống giáo dục mở để tạo cơ hội học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, cân đối cơ cấu ngành nghề, phát triển giáo dục gắn với kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Trong thời gian tới, Quảng Trị sẽ tăng cường huy động nguồn lực, bảo đảm ngân sách để hoàn thành các mục tiêu về phát triển giáo dục và đào tạo, về phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. (Ảnh minh họa: VA)

Bên cạnh đó, địa phương sẽ chú trọng chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi của tỉnh; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn ở địa bàn khó khăn, kết quả chưa vững chắc; hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông lựa chọn chương trình giáo dục phù hợp, được thuận lợi trong chuyển đổi giữa các chương trình giáo dục, học thường xuyên, học suốt đời, liên thông giữa các trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp và cấp học cao hơn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, khai thác có hiệu quả tài nguyên giáo dục mở góp phần phát triển nguồn nhân lực bền vững, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách của địa phương liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh.

Cùng với các giải pháp trên, Quảng Trị sẽ thực hiện sắp xếp lại tổ chức, liên kết trong giáo dục, đào tạo; xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Đi cùng với đó, thực hiện kịp thời chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút, bảo đảm điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ; tập trung nguồn lực triển khai thực hiện tốt các chính sách của địa phương đối với đội ngũ nhà giáo, đặc biệt đối với giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đáng chú ý, địa phương tập trung tăng cường huy động nguồn lực, bảo đảm ngân sách để hoàn thành các mục tiêu về phát triển giáo dục và đào tạo, về phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, ưu tiên phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bảo đảm điều kiện cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá phù hợp với quy hoạch của tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

Cẩm Ly

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực