Xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, văn minh

Thứ bảy, 06/07/2024 16:14
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Thanh Hóa hướng đến mục tiêu xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, văn minh; tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, kiểu mẫu, có nền văn hóa giàu sắc thái, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển hiện đại, là một trong những trung tâm văn hóa lớn của khu vực và cả nước.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới.

 Đến năm 2045, tỉnh Thanh Hóa hướng đến mục tiêu xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, văn minh (Ảnh minh họa: M.C)

Xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, văn minh

Theo quan điểm của Nghị quyết, văn hóa, con người Thanh Hóa là nền tảng vật chất và tinh thần vững chắc, nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; đầu tư cho văn hóa, con người là đầu tư để phát triển nhanh và bền vững.

Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trên cơ sở gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương; đồng thời, chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa dân tộc và thời đại, bảo đảm phù hợp, làm phong phú thêm giá trị văn hóa của quê hương.

Nghị quyết cũng nêu rõ xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài, gắn bó mật thiết với nhau. Trọng tâm cốt lõi của phát triển văn hóa là phát triển con người, đặc biệt là xây dựng con người phát triển toàn diện, có nhân cách cao đẹp. Phát huy tối đa nhân tố con người; lấy con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.

Nghị quyết xác định các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, 100% các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Thanh Hóa; 100% các trường học trong tỉnh tổ chức hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Thanh Hóa. Xây dựng các thiết chế, công trình văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở theo hướng đồng bộ, hiện đại; đầu tư xây dựng mới một số công trình cấp tỉnh mang tầm cỡ của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước,…

Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, văn minh; tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, kiểu mẫu, có nền văn hóa giàu sắc thái, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển hiện đại, là một trong những trung tâm văn hóa lớn của khu vực và cả nước.

 Lễ hội Mường đòn tại Thanh Hóa (Ảnh: V.P)

8 nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai mục tiêu

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Nghị quyết xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần triển khai. Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa. Trong đó, các cấp uỷ đảng, chính quyền phải xác định xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu hội nhập trong thời kỳ mới là mục tiêu, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững. Việc lãnh đạo, chỉ đạo phải quyết liệt, có chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với địa phương, đơn vị và định hướng phát triển của tỉnh.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới. Cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Chú trọng giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về các quan điểm, mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Nâng cao nhận thức, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người dân Thanh Hóa đối với bản thân, với gia đình, cộng đồng, xã hội và quê hương, đất nước.

Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa; xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc sắc, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của Nhân dân. Theo đó, đổi mới hoạt động sáng tác, quảng bá, nghiên cứu, phê bình văn học - nghệ thuật, báo chí, xuất bản tương xứng với tiềm năng, lợi thế, truyền thống văn hóa và con người Thanh Hóa, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân. Nâng cao hiệu quả sưu tầm và phổ biến các loại hình văn nghệ dân gian Thanh Hóa; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh.

Thứ tư, tăng cường công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Đó là tăng cường quảng bá hình ảnh về văn hóa, con người Thanh Hóa đến với bạn bè trong nước và quốc tế, gắn với xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ. Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn và phát huy các di sản, giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới; tạo dựng thương hiệu các sản phẩm văn hóa đặc trưng của Thanh Hóa.

Thứ năm, xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững quê hương, đất nước. Theo đó, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh trong gia đình, dòng họ, địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, văn hóa trong chính trị và kinh tế, văn hóa nơi công cộng,... tạo môi trường lành mạnh để giáo dục, rèn luyện con người Thanh Hóa phát triển toàn diện về các mặt “Đức - Trí - Thể - Mĩ”, dựa trên cốt lõi của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Thứ sáu, thường xuyên chăm lo xây dựng, phát triển, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Coi trọng công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ làm công tác văn hóa; lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa các cấp có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; khắc phục tình trạng “chắp vá” trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở.

Thứ bảy, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, tăng cường nguồn lực để nâng cao hiệu quả xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa. Cụ thể, tiếp tục nghiên cứu xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực để xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và nhu cầu thực tế của tỉnh và các địa phương. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp cho phát triển văn hoá, con người Thanh Hóa.

Thứ tám, đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về xây dựng, phát triển văn hóa và con người. Tiếp tục chủ động, tích cực, đa dạng hóa các hình thức tổ chức các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa với các tỉnh, thành bạn, các bộ, ngành Trung ương có liên quan, các địa phương kết nghĩa của các quốc gia trên thế giới và UNESCO tại Việt Nam để bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại; ngăn chặn sự tác động tiêu cực từ quá trình hội nhập về văn hóa, nhất là sự xâm nhập của những yếu tố văn hóa không phù hợp với thuần phong, mĩ tục, truyền thống văn hóa, góp phần giữ gìn và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của địa phương, dân tộc,…/.

 

​Minh Thu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực