Thống nhất triển khai kế hoạch thi hành Luật Thủ đô

Thứ ba, 30/07/2024 15:15
(ĐCSVN) - Nhấn mạnh quá trình xây dựng Luật Thủ đô rất công phu, tâm huyết, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các cấp, ngành của thành phố nỗ lực vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để triển khai Luật Thủ đô một cách chất lượng, hiệu quả nhất.

 

 Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 30/7, Đoàn đại biểu Quốc hội - Thường trực HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố (TP) Hà Nội tổ chức Hội nghị thống nhất triển khai kế hoạch thi hành Luật Thủ đô và thời gian, nội dung kỳ họp chuyên đề của HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị.

Tăng cường trách nhiệm trong triển khai Luật Thủ đô

Thường trực HĐND TP cho biết, triển khai kế hoạch thi hành Luật Thủ đô nhằm tăng cường tính chủ động, trách nhiệm, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong thực hiện các nhiệm vụ của HĐND TP; sớm cụ thể hóa các nhiệm vụ của TP được giao trong Luật Thủ độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng nghị quyết của HĐND TP, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn TP theo thẩm quyền phù hợp với tình hình, điều kiện.

Thường trực HĐND TP dự kiến tổ chức 2 kỳ họp chuyên đề của HĐND TP để xem xét, quyết định các nội dung quy định chi tiết và cơ chế, chính sách để triển khai thi hành Luật Thủ đô, dự kiến 1 kỳ tổ chức trong tháng 11/2024 và 1 kỳ tổ chức trong tháng 5/2025. Trong đó, về nghị quyết quy phạm pháp luật, dự kiến xem xét 28 nội dung tại kỳ họp chuyên đề tháng 11/2024 và 4 nội dung tại kỳ họp chuyên đề tháng 5/2025.

Đối với 21 nội dung nghị quyết ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô năm 2024, các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất những nội dung trọng tâm, trọng điểm, cần thiết, có khả năng thực hiện ngay để ban hành sớm, có hiệu lực cùng với hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô.

Trên cơ sở các nội dung đề xuất của UBND TP; qua rà soát của các ban HĐND, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP, Thường trực HĐND TP tổng hợp, dự kiến các nội dung trình tại kỳ họp thứ mười tám (kỳ họp chuyên đề) gồm 14 nội dung, trong đó xác định có 6 nội dung nghị quyết cá biệt và 8 nội dung nghị quyết quy phạm pháp luật.

Xác định rõ trách nhiệm trong triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh 5 nội dung triển khai Luật Thủ đô năm 2024. Trong đó, cần tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Thủ đô trên địa bàn toàn TP; rà soát từng lĩnh vực để xác định các nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết; giao UBND TP Hà Nội thành lập tổ công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm các cơ chế, điều kiện đặc thù về kinh phí, nhân lực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Thủ đô năm 2024. “Thành phố cần phát động phong trào thi đua đưa Luật Thủ đô năm 2024 sớm đi vào cuộc sống, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phục vụ phát triển Thủ đô theo đúng định hướng Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị”, đồng chí Lê Hồng Sơn nói.

Về kỳ họp thứ mười tám (kỳ họp chuyên đề), Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đề nghị rà soát, đánh giá lại các nội dung trình kỳ họp liên quan đến đào tạo nghề, giáo dục chất lượng cao, y học gia đình phù hợp với thực tiễn, đồng thời gắn với các quy định Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực từ 1/1/2025 để bảo đảm đồng bộ các quy định pháp luật và hiệu quả thực thi.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho rằng, để bảo đảm xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và quy định theo thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô, cần xác định rõ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024. Bên cạnh đó, cần rà soát kỹ để không bỏ sót nội dung, nhiệm vụ trong Luật cần quy định chi tiết; quan tâm đầu tư cho công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật; quan tâm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân…

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cũng sẽ tham gia phản biện xã hội hoặc góp ý bằng văn bản đối với 3 nội dung tại kỳ họp thứ mười tám (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP Hà Nội.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, việc thống nhất triển khai kế hoạch thi hành Luật Thủ đô năm 2024 là sự chuẩn bị bài bản, khoa học, từ sớm, từ xa, cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy đối với Đảng đoàn HĐND TP, Ban Cán sự đảng UBND TP.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận hội nghị.
 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các sở, ngành chủ động rà soát các nhiệm vụ, đề xuất nhiệm vụ cần bổ sung, chỉnh sửa, làm mới những nội dung cần thay đổi... gửi Văn phòng UBND, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thống nhất để cùng hoàn chỉnh kế hoạch, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.

Nhấn mạnh quá trình xây dựng Luật Thủ đô rất công phu, tâm huyết, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các cấp, ngành của thành phố nỗ lực vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để triển khai Luật Thủ đô một cách chất lượng, hiệu quả nhất.

Đối với nội dung kỳ họp chuyên đề, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, trên cơ sở thống nhất tại cuộc họp giữa Thường trực HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các cơ quan chủ động triển khai công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 18 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP theo Quy chế phối hợp công tác số 26/QC-ĐĐBQH-HĐND-UBND-UBMTTQ ngày 17/02/2022. Đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành TP chuẩn bị các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết thuộc trách nhiệm của UBND TP bảo đảm chất lượng, tiến độ, trình tự, thủ tục theo quy định. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP phối hợp với UBND và Thường trực HĐND TP để xác định những nội dung cần tổ chức phản biện xã hội trước khi trình HĐND TP tại Kỳ họp./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực