Tập trung nhiều khu công nghiệp lớn
Có thể nói khởi đầu gần như chưa có gì, sau 30 năm xây dựng và phát triển, thị xã Phú Mỹ trở thành địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp lớn, là một trong những ngành kinh tế quan trọng chiếm tỷ trọng lớn nhất tỉnh. Hệ thống công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thị xã có sự phát triển vượt bậc, nhiều công trình lớn, trọng điểm của quốc gia, của tỉnh đã được triển khai đầu tư xây dựng.
|
TX Phú Mỹ hiện có 9 khu công nghiệp tập trung, giải quyết việc làm cho nhiều công nhân lao động trên địa bàn và các địa phương trong vùng. |
Đến cuối năm 2023, thị xã có 09 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động, chiếm 60% số khu công nghiệp tập trung của toàn tỉnh (09/15 KCN). Gồm các khu công nghiệp: Phú Mỹ I, Phú Mỹ II & MR, Chuyên sâu Phú Mỹ 3, Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân A2, Mỹ Xuân B1 - Conac, Mỹ Xuân B1 - Tiến Hùng, Mỹ Xuân B1 - Đại Dương, Cái Mép, với tổng diện tích 4.727,57 ha, chiếm 55,66% tổng diện tích các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (4.727,57 ha/ 8.492,66 ha, có 986 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Thị xã có 03 cụm công nghiệp đang hoạt động: Cụm công nghiệp Hắc Dịch, Boomin Vina, TócTiên thu hút hơn 348 dự án (176 dự án FDI và 172 dự án vốn đầu tư trong nước), tổng số vốn đầu tư trên 18,987 tỷ USD và hơn 51.300 lao động, chiếm trên 30% tổng số lao động trong các doanh nghiệp toàn tỉnh và đóng góp hơn 60% giá trị tăng trưởng ngành công nghiệp toàn tỉnh. Thị xã hình thành một vùng công nghiệp quy mô lớn, đa dạng ngành nghề sản xuất với các sản phẩm sản xuất nổi bật như điện, linh kiện điện tử, thép, gạch men, gốm sứ, giấy, bao bì, nhựa, thủy tinh, phân bón, hóa chất, bột mì, lương thực, thực phẩm, bia; các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp địa phương như: gia công cơ khí, gia công may mặc, gia công đá tẩy, đá chẻ, mỹ nghệ, gạch nung, khai thác khoáng sản, chế biến nông sản, hải sản, cưa xẻ chế biến gỗ mộc dân dụng…
Phát triển kinh tế cảng biển
Với vị thế quan trọng, động lực kinh tế chính là kinh tế biển, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện có 35 bến cảng, đã đưa vào khai thác 22 bến cảng với công suất 117,8 triệu tấn/năm, trong đó bao gồm 07 cảng container với công suất 6,8 triệu TEUs/năm. Khu vực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện chiếm hơn 16% tổng lượng hàng hóa xếp dỡ qua cảng biển và 35% lượng hàng container cả nước, chiếm 50% lượng hàng container khu vực phía Nam.
|
Khu vực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện chiếm hơn 16% tổng lượng hàng hóa xếp dỡ qua cảng biển và 35% lượng hàng container cả nước. |
Cảng Cái Mép thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được xếp hạng cảng container thứ 12 trong số 370 cảng container tốt nhất toàn cầu. Thị xã có 21/35 cảng biển và cảng thủy nội địa với tổng vốn đăng ký hơn 100.563 tỷ đồng và 20/30 dự án kho bãi, logistics chuyên dùng hỗ trợ cho hệ thống cảng và các khu công nghiệp (diện tích 224 ha) đã đi vào hoạt động. Thị xã có nhiều dự án lớn như: Cảng cạn Phú Mỹ có quy mô diện tích đất khoảng 37,84 ha bao gồm 6 bến cảng có tổng chiều dài lên đến 600m trong giai đoạn 1 của KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 với tổng mức đầu tư 2.990 tỉ đồng. Đây là cảng cạn đầu tiên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và là cảng cạn thứ 3 của vùng Đông Nam bộ, với đầy đủ hệ thống hạ tầng cầu cảng, kho bãi, depot container rỗng, trang thiết bị khai thác hiện đại, cung cấp các giải pháp logistics toàn diện, trọn gói, đa phương thức. Kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng LNG Thị Vải 1 triệu tấn/năm - kho LNG đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 6.500 tỉ đồng.
Dự án không chỉ có ý nghĩa đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn có ý nghĩa quan trọng góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ về định hướng và quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng quốc gia, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững,..
Với hàng loạt cơ chế chính sách thông thoáng, quyết tâm cải cách thủ tục hành chính tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thị xã Phú Mỹ đang nỗ lực hết mình cho công tác thu hút đầu tư, xem đây là bước đột phá quan trọng để đẩy nhanh tốc độ phát triển, phấn đấu đến năm 2025 trở thành thành đô thị loại II của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nền kinh tế phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ để phát huy tiềm năng phát triển kinh tế tại địa phương./..