Giải Báo chí viết về thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nhằm động viên, cổ vũ đội ngũ nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các tác giả, nhóm tác giả chuyên và không chuyên sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao; tạo phong trào thi đua trong đội ngũ những người làm báo trên địa bàn; tạo động lực để các nhà báo phát huy tính sáng tạo, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo.
Thông qua Giải để lựa chọn, trao giải thưởng cho những tác phẩm báo chí xuất sắc, đạt chất lượng cao về tư tưởng, chính trị, văn hoá; có nội dung và hình thức thể hiện hấp dẫn, đạt hiệu quả xã hội cao, phản ánh trung thực, phong phú về mọi mặt của đời sống xã hội về quá trình hình thành và phát triển, những dấu ấn lịch sử quan trọng, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc thành phố Buôn Ma Thuột. Qua đó lan tỏa, khơi dậy khát khao cống hiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân chung tay đồng hành xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột thông minh, hiện đại, bản sắc. Đồng thời, Giải báo chí lần này cũng để tiếp tục tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, con người, tiềm năng của thành phố Buôn Ma Thuột, xúc tiến đầu tư, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước,...
|
Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật phát biểu khai mạc tại Lễ phát động Giải báo chí viết về TP Buôn Ma Thuột. |
Theo Ban tổ chức, nội dung các tác phẩm tham dự Giải báo chí viết về thành phố Buôn Ma Thuột lần này tập trung làm rõ truyền thống của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc thành phố Buôn Ma Thuột; những thành tựu trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn giao thông, các sự kiện quan trọng, các ngày lễ lớn đã được tổ chức có sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân,...Khuyến khích các tác phẩm viết về đề tài xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; những bài viết về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cùng với các nội dung trên, các tác phẩm cũng tập trung tuyên truyền, phản ánh việc triển khai thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 09/7/2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 72/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột; Việc xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, “Thành phố cà phê của thế giới”; Kiến nghị, đề xuất các giải pháp xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian tới,...
Các tác giả/nhóm tác giả tham gia Giải là công dân Việt Nam có các tác phẩm báo chí phù hợp với tiêu chuẩn của Giải, không vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Luật Báo chí và luật pháp khác. Thành viên Hội đồng Giải, Ban Giám khảo, Tổ giúp việc không được gửi tác phẩm dự thi.
Những tác phẩm báo chí tham dự để xét tặng giải thưởng là những tác phẩm đã đăng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép trong thời gian từ 21/6/2024 đến 30/4/2025 và được tuyển chọn từ cơ sở (các Chi hội, Liên chi hội hoặc cơ quan báo chí) gửi về UBND Thành phố (qua Phòng Văn hóa và Thông tin, địa chỉ: Phòng 603 Trụ sở Liên cơ quan thành phố, số 01 Lý Nam Đế, TP. Buôn Ma Thuột) trong thời hạn quy định để chấm và trao giải vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025).
Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả được gửi tối đa 05 tác phẩm dự giải và mỗi tác giả chỉ đứng tên 05 tác phẩm hoặc trong 05 nhóm tác giả (tác giả là người quay phim được đứng tên tối đa 05 nhóm tác giả). Số tác giả của nhóm tác giả tối đa là 05 người.
Về cơ cấu, số lượng giải, gồm: 04 loại giải tương ứng với 04 loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, báo hình (truyền hình), báo nói (phát thanh). Mỗi loại hình có 10 giải, bao gồm: 01 giải A, 02 giải B, 03 giải C, 04 giải Khuyến khích.
Trong đó, mức thưởng với giải A: 15.000.000 đồng/giải; giải B:10.000.000 đồng/giải; giải C: 7.000.000 đồng/giải; giải Khuyến khích: 3.000.000 đồng/giải.
Mỗi tác phẩm là một tin hoặc một loạt tin (không quá 5 tin), một bài hoặc một loạt bài cùng tiêu đề (không quá 5 kỳ) của cùng tác giả (hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên) về cùng một đề tài. Không xét một loạt bài ghép từ những bài độc lập của tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau, không có tên chung loạt bài./.