Đắk Lắk phát huy lợi thế địa lý tự nhiên để phát triển

Thứ hai, 07/10/2024 17:08
(ĐCSVN) – Đắk Lắk là một trong 5 tỉnh của Tây Nguyên. Vì vậy, cũng như các địa phương trong vùng, Đắk Lắk có nhiều lợi thế của vùng đất Tây Nguyên trù phú, đặc biệt là đặc điểm địa lý tự nhiên như diện tích, độ cao, tài nguyên đất, nước, khí hậu rất thuận lợi để phát triển nền kinh tế xanh, mang lại giá trị cao và kết nối để phát triển.

Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, đầu nguồn của hệ thống sông Sêrêpôk và một phần của sông Ba, nằm trong khoảng tọa độ địa lý từ 107o28'57" đến 108o59'37" độ kinh Đông và từ 12o9'45"  đến 13o25'06" độ vĩ Bắc, có độ cao trung bình 400 – 800 mét so với mặt nước biển, nằm cách Hà Nội 1.410 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km.

Đắk Lắk giáp ranh với nhiều địa phương, trong đó phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp Phú Yên và Khánh Hoà, phía Nam giáp Lâm Đồng và Đắk Nông, phía Tây giáp Campuchia.

Là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, địa hình tỉnh Đắk Lắk tương đối bằng phẳng. Theo các tư liệu cho thấy, một phần cao nguyên Đắk Lắk được hình thành từ quá trình phong hoá của đá bazan, một loại đất đỏ tự nhiên. Trong khi đó, trung tâm Đắk Lắk là một bình nguyên rộng lớn nối liền với nhiều đồng cỏ trải dài về phía Đông. Phía Tây địa hình thấp dần và phía Nam là miền đồng trũng có nhiều đầm hồ. Đất phù sa ở đây có 02 loại: Đất vùng cao có pha cát, ít bị ngập nước và đất thấp ngập nước quanh năm nên bị phong hoá mạnh, dưới thường động lớp than bùn.

Đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk  tham gia diễu hành,
khẳng định vai trò đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại địa phương. 

Về khí hậu, Đắk Lắk là địa phương có khí hậu mang tính chất nhiệt đới, tương đối ôn hoà. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 24oC, lượng ánh sáng tương đối dồi dào. Lượng mưa tại đây khá rộng lớn, trên dưới 2.000 mm/năm. Độ ẩm trung bình là 81%, không có bão. Một năm Đắk Lắk có 02 mùa rõ rệt, trong đó mùa mưa kéo dài từ tháng 5, đôi khi từ tháng 4 đến tháng 10 hay tháng 11 chiếm trên 70% lượng nước cả năm. Tháng 8 là tháng mưa nhiều nhất, lượng mưa lên tới 321mm, mùa này rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Trái với mùa mưa, khí hậu mùa này rất khô hanh, đất nứt nẻ, đường sá luôn bụi bặm, lượng mưa chỉ khoaeng 4-5mm vào tháng 1 và tháng 2, thường có gió cao nguyên từ cấp 4 đến cấp 6.

Với khí hậu như vậy, Đắk Lắk có hệ thống sông ngoài và đầm hồ phong phú. Địa phương có 03 hệ thống sông chính gồm: Hệ thống sông Ba hay Đà Rằng chạy ngang dãy Trường Sơn đổ ra Biển Đông; hệ thống sông Sêrêpôk  theo hướng Tây Bắc đổ vào sông Mê Kông và hệ thống sông Đồng Nai ở Tây Nam của tỉnh. Nhìn chung, các sông trong vùng đều khá bằng phẳng, ít thác ghềnh; trong khi Đắk Lắk là tỉnh có nhiều đầm hồ, nỗi tiếng là hồ Lắk rộng khoảng 500ha.

Phát huy lợi thế của địa phương, Đắk Lắk đang phát triển ngành cà phê theo hướng hiện đại và xuất khẩu. 

Cùng với những đặc điểm trên, Đắk Lắk là tỉnh có ưu thế về rừng tự nhiên với diện tích 1.200.000 ha, trong đó có một nửa là rừng giàu và rừng trung bình, có trữ lượng hàng trăm triệu mét khối gỗ quý các loại như cẩm lai, giáng hương, mun, kiền kiền, lim, sao, thuỷ tùng… Đây là nguồn lợi to lớn và có ý nghĩa về nhiều mặt. Ngoài ra, rừng nhân tạo tại Đắk Lắk cũng tương đối nhiều như rừng cao su, rừng cà phê…

Rừng Đắk Lắk phong phú và đa dạng. Thực vật có trên 3.000 loài. Rừng rậm và rừng cỏ tranh là nơi sinh tụ của nhiều loài động vật quý hiếm bao gồ 93 loài thú, 197 loài chim. Đặc biệt ở đây có đến 32 loài thú có tên trong danh sách đỏ như bò tót, bò rừng, bò xám, hưu vàng, nai cà tông, sóc bay, công, trĩ sao, gà tiền mặt đỏ… Đắk Lắk cũng nơi thuần dưỡng voi nổi tiếng. Trước đây riêng Buôn Đôn đã có gần 500 con voi dùng để vận chuyển.

Về giao thông, Đắk Lắk có các trục giao thông nối liền với các tỉnh Tây Nguyên và thông ra biển, gắn liền với Đông bắc Campuchia và vùng đồng bằng rộng lớn phía nam là thuộc vùng thượng nguồn sông Mê Kông. Sân bay Buôn Ma Thuột đảm bảo liên lạc hàng không với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Có thể nói, với những lợi thế về địa lý tự nhiên kể trên, đến nay tỉnh Đắk Lắk và Trung ương đã và đang tập trung hoàn thiện các quy hoạch tổng thể và các ngành nghề để phát huy lợi thế cạnh tranh, đồng thời gắn kết với các tỉnh vùng Tây Nguyên cung như các địa bàn lân cận để đưa Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói cung phát triển ổn định, bền vững./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực