Đắk Lắk ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp

Thứ hai, 17/06/2024 20:25
(ĐCSVN) – Những năm gần đây, do diễn biến phức tạp của thời tiết đã khiến ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp luôn đối diện tình trạng “đánh bạc với trời”, nguy cơ “mùa vàng” trở thành trắng tay trong phút chốc do thiên tai luôn tiềm ẩn.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Lòng hồ cạn nước do lượng mưa ít. (Ảnh: thiennhienvamoitruong.net) 

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như: rét đậm, rét hại; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường… Nhất là tình hình nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước đã gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp. Thiên tai đã làm 14 người thiệt mạng, mất tích; thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.

Riêng ở Đắk Lắk, ngoài đợt hạn khốc liệt trong mùa khô thì mới bước vào đầu mùa mưa, nhưng tính từ cuối tháng 4/2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 trận lốc tố, mưa đá, làm hư hỏng 8 nhà dân, hơn 340 ha cây trồng các loại bị hư hỏng nặng. Thiệt hại ước tính trên 25,7 tỷ đồng.

Theo dự báo về tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm 2024 của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện tượng El Nino đang suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính. Hiện tượng này có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong các tháng cuối năm 2024. Trong khi đó, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan của thời tiết. Vì vậy, năm 2024 sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp, gồm cả nắng nóng, hạn mặn, giông lốc, mưa đá hơn mức bình thường. Mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều, tập trung vào nửa cuối năm ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên.

Theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, từ tháng 6 đến hết năm 2024, nắng nóng gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm trong tháng 7 – 8/2024. Về bão, áp thấp nhiệt đới, dự báo có khoảng 11 – 13 cơn trên biển Đông và 5 – 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão (từ tháng 9 – 11/2024). Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn tiếp tục diễn ra do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi như Tây Nguyên.

Đài Khí tượng thủy văn Đắk Lắk cũng đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn (cấp 1). Dự báo tác động của mưa lớn, mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng con người, sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, hạ tầng cơ sở. Mưa lớn có khả năng gây ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các sườn đồi dốc. Do đó, chính quyền địa phương và người dân cần có biện pháp phòng tránh đối với các loại hình thiên tai.

Đắk Lắk cũng vừa trải qua một mùa khô khắc nghiệt hơn mọi năm, với hàng nghìn héc-ta cây trồng bị khô hạn do thiếu nước tưới, nhất là các loại cây lâu năm như cà phê, sầu riêng. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất vườn cây cũng như thu nhập của người dân.

Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk cho biết, những diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do khô hạn xem như là mất mùa, bởi mưa xuống cũng chỉ cứu được vườn cây, còn trái thì cơ bản đã hư hết. Niên vụ 2024 - 2025, cà phê Đắk Lắk sẽ tiếp tục bị giảm năng suất và sản lượng là điều khó tránh khỏi.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2023, mặc dù tổng lượng mưa toàn tỉnh đạt xấp xỉ trung bình nhiều năm, tuy nhiên một số khu vực thấp hơn trung bình nhiều năm như: Ea H’leo (85,5%), Krông Năng (86,7%)...

Trong khi đó, thời kỳ mùa khô của năm 2024, thời tiết trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chủ yếu là không mưa (cục bộ một số khu vực có mưa do ảnh hưởng của không khí lạnh); lượng mưa toàn tỉnh trung bình đạt 71,7 mm, bằng 45% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm.

Điều này cũng đã khiến nhiều khu vực bị thiếu hụt nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp trầm trọng, khiến khoảng 5.100 ha cây trồng các loại bị khô hạn; 1.348 hộ dân (với hơn 5.300 nhân khẩu) sử dụng nước giếng bị thiếu nước sinh hoạt.

Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu

 Chăm sóc cây ăn trái ở Đắk Lắk. (Ảnh: baodaklak.vn)

Trong giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk triển khai nhiều dự án nhằm nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương.

Tỉnh Đắk Lắk nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa cao nguyên, có lượng mưa trong năm khá lớn, tài nguyên đất đai đa dạng với hơn 320.000 ha đất đỏ bazan, là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là nơi phát nguyên các hệ sông suối lớn như sông Sêrêpôk, đầu nguồn sông Ba, có tiềm năng lớn về thủy lợi, thủy điện. Tiềm năng này đã và đang được khai thác để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk và của vùng Tây Nguyên.

Bên cạnh những thuận lợi, các hiện tượng cực đoan của thời tiết ngày càng xuất hiện nhiều đang trở thành rào cản đối với phát triển kinh tế của người dân. Biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại nặng nề tới đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, làm mất đất canh tác.... Sự thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa còn có nguy cơ làm thay đổi diện tích rừng, hạn hán và thiếu nước, nguy cơ cháy rừng... trên địa bàn.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND Hành động thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Đắk Lắk giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ để phòng ngừa, giảm thiểu các tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, giai đoạn đến năm 2030 thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu: Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng; sản xuất công nghiệp gắn với triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ môi trường; cải tạo, nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh, các hồ chứa nước nội tỉnh; tập trung cải tạo, mở rộng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các khu đô thị, dân cư tập; quản lý bền vững tài nguyên rừng gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao dịch vụ hệ sinh thái; phát triển mạng lưới y tế, chăm sóc sức khỏe đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường; triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai kịp thời và hiệu quả…

UBND tỉnh đã đề ra 22 nhiệm vụ, dự án ưu tiên thực hiện Kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Bộ tiêu chí chung, sẽ thực hiện hai nhiệm vụ: xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro khí hậu và xác định các dự án, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu.

Giai đoạn 2024 – 2025, thực hiện hai nhiệm vụ: xây dựng, thực hiện Kế hoạch hỗ trợ giống lâm nghiệp để trồng làm giàu rừng tự nhiên sản xuất, trang trại canh tác cảnh quan nông lâm nghiệp và điều tra, bảo tồn một số loại động, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm, loài được ưu tiên bảo vệ trên địa bàn tỉnh. Năm 2025, thực hiện Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Krông Bông thuộc địa phận thôn 1 và thôn 4 (xã Hoà Phong).

Giai đoạn 2024 – 2026, thực hiện 7 nhiệm vụ điều tra, đánh giá: khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất; hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hiện trạng xả nước thải vào nguồn trên địa bàn tỉnh; chất lượng đất, tiềm năng đất đai lần đầu; ô nhiễm đất lần đầu, phân hạng đất nông nghiệp; tiềm năng khoáng sản các khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản và rà soát, điều chỉnh, bổ sung các khu vực cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2024 – 2030, thực hiện 8 nhiệm vụ: tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực khí tượng thủy văn; tổ chức thực hiện nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, biên tập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 của tỉnh; xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường; xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu. Để duy trì sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng, ngoài mô hình nông nghiệp tích hợp công nghệ thông minh còn có các mô hình liên quan đến quản lý nước và tưới tiêu thông minh được áp dụng trong hầu hết các hệ thống sản xuất cây trồng ở Đắk Lắk như cà phê, tiêu, cây ăn quả... 

Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhận thấy tình hình biến đổi khí hậu ngày một ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất nông nghiệp. Do đó, từ nhiều năm này việc áp dụng các giống cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh (các giống lúa lai, các giống cà phê lai tạo…); phát triển hệ thống nông lâm kết hợp; áp dụng trồng xen canh trong sản xuất cà phê... cũng giúp điều hòa nhiệt hoặc trồng cây che phủ đất để giữ ẩm cho đất. Điều này cũng giúp nông dân đa dạng hóa thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng thích ứng với BĐKH.

Ngành Nông nghiệp của tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ nông dân canh tác trong tình hình biến đổi khí hậu như: Xây mới và nâng cấp các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Ngoài ra, để khắc phục tình trạng khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đang tích cực triển khai các biện pháp giúp nông dân giảm bớt thiệt hại và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đang phối hợp cùng chính quyền địa phương nhân rộng các mô hình đa dạng hóa cây lâu năm trong các vườn cà phê. Đây được xem là giải pháp không những góp phần duy trì, phát triển hệ thống nông nghiệp bền vững mà còn tăng hàm lượng hữu cơ trong đất, tăng hiệu quả kinh tế cho các nông hộ sản xuất, kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên.../

 

 

BC (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực