Gia Lai đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng nâng cao hiệu quả kinh tế

Thứ năm, 05/09/2024 07:59
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, nông dân tỉnh Gia Lai đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và nhu cầu thị trường. Đây là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất.
Trồng rau ứng dụng công nghệ cao ở Gia Lai. (Ảnh: baogialai.vn) 

Việc các hộ dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong thời gian qua đã tăng hiệu quả kinh tế, không những góp phần quan trọng trong việc xoá đói giảm nghèo, mà còn giúp người dân vươn lên làm giàu.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2016-2022, toàn tỉnh chuyển đổi được hơn 41.582 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Riêng trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 5.458 ha cây trồng. Trong đó, hơn 1.923 ha lúa thường xuyên bị hạn và hơn 3.534 ha cây trồng khác kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và thị trường tiêu thụ như bắp, khoai lang, rau, dưa hấu, đậu đỗ các loại, cây ăn quả, cây dược liệu... Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và các địa phương, hầu hết diện tích chuyển đổi cây trồng đều đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-5 lần so với lúc chưa chuyển đổi.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 20-8-2024 của UBND tỉnh, trong năm 2025, ngành Nông nghiệp dự kiến ổn định diện tích gieo trồng khoảng 580 ngàn ha, quản lý và sử dụng hiệu quả đất chuyên trồng lúa khoảng 70 ngàn ha.

Đồng thời, chủ động hướng dẫn cho nông dân và doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; rà soát, phân tích và đánh giá thực trạng thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, cơ sở hạ tầng để có định hướng phát triển cây trồng phù hợp, có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Ngành Nông nghiệp Gia Lai cũng sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp và tận dụng lợi thế sản xuất ở từng vùng, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất.

Được biết, sau thời gian thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, người dân trong tỉnh Gia Lai đã từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất và hiệu quả kinh tế được nâng lên đáng kể. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để ngành nông nghiệp phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có, Gia Lai đang ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được những kết quả khả quan. Tư duy sản xuất của người dân từng bước thay đổi, nhiều bộ giống mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn. Nhờ đó, năng suất, sản lượng các loại cây trồng tăng dần qua từng năm, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh ngày càng được nâng cao cả về chất lượng lẫn giá trị.

Để nâng cao hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Gia Lai sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm tăng giá trị chế biến nông-lâm-thủy sản; hình thành các chuỗi liên kết lớn kết hợp phát triển hợp tác xã; tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như: hồ tiêu, cà phê, rau quả, dược liệu… Đặc biệt, chú trọng thu hút doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm chủ lực nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Cùng với đó, tập trung phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung đảm bảo cung cấp cho các nhà máy chế biến; xây dựng hệ thống các chuỗi liên kết, mạng lưới phân phối, tiêu thụ và xúc tiến, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế./..

Bảo Châu (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực