Gia Lai: Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế cho người dân

Thứ hai, 20/05/2024 10:15
(ĐCSVN) - Gia Lai là tỉnh miền núi Tây Nguyên có 17 huyện, thị xã, thành phố với dân số hơn 1,4 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 45%. Trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, không đồng đều, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, việc tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách bảo hiểm xã hội cho người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số là sử dụng nhiều tên, nhiều năm sinh, ngôn ngữ bất đồng dẫn đến việc sai lệch thông tin được in trong thẻ bảo hiểm y tế so với các giấy tờ tùy thân. Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc tổng hợp lập danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế bị trùng lắp, gặp nhiều khó khăn trong khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cho người dân.
 Quan tâm chăm lo sức khỏe cho người cao tuổi. (Ảnh: K.V)

Thời gian qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp nên người dân ngày càng thấy rõ quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng đã khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế. Theo đó, hỗ trợ 100% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế đối với người nghèo; 70% mức đóng cho đối tượng cận nghèo; 30% với đối tượng thuộc hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; 30% đối với học sinh, sinh viên; giảm mức đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình từ 70%, 60%, 50%, 40% so với người thứ nhất...

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Chỉ thị số 38-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 20-10-2009 về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh. Năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Chương trình số 55-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) giai đoạn 2012-2020. Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã ban hành các nghị quyết quy định mức hỗ trợ thêm cho các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, hộ nông-lâm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên thuộc hộ gia đình có đông con, gặp khó khăn về kinh tế… Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa thành các quy định, đồng thời phân công, giao nhiệm vụ các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện.

Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, người lao động, đơn vị sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia BHYT đã có những chuyển biến tích cực. Công tác quản lý nhà nước về BHYT được tăng cường. Chất lượng khám-chữa bệnh BHYT từng bước được nâng lên, người dân từng bước nhận thức được quyền lợi khi tham gia BHYT; được chăm sóc, điều trị sức khỏe ban đầu tốt hơn; do đó, tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 69,36% (năm 2009) lên 91% (năm 2023). Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp trong thực hiện công tác BHYT có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai, Nguyễn Thị Thanh Thủy, nhằm nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tham gia BHYT. Tỉnh Gia Lai đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH, BHYT đến các cấp Công đoàn và đông đảo người lao động; tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động tích cực tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tập hợp ý kiến của đoàn viên, người lao động, phản ánh kịp thời những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHXH, BHYT đến các cơ quan quản lý nhà nước để cùng phối hợp giải đáp, tháo gỡ và điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Sở y tế cũng đã chỉ đạo các cơ sở khám-chữa bệnh triển khai các giải pháp nhằm giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ (hệ thống lấy số tự động, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt và triển khai nền tảng quản lý đơn thuốc điện tử,...); tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, cải cách thủ tục hành chính cho người dân khi tham gia khám-chữa bệnh BHYT.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác BHYT trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn đề nghị các cấp ủy, đơn vị, địa phương tiếp tục tạo sự chuyển biến, thống nhất trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và người dân về tầm quan trọng của việc thực hiện BHYT. Đây là chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc; là một trong những biện pháp tích cực trong việc thực hiện an sinh xã hội và nhằm chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển chăn nuôi. (Ảnh: K.V) 

Các cấp ủy, đơn vị, địa phương, ban chỉ đạo các cấp phối hợp chặt chẽ với BHXH ở địa phương thực hiện chế độ, chính sách BHYT, quản lý tốt đối tượng tham gia BHYT từ cơ sở. Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT theo nhiều hình thức; đa dạng, linh hoạt trong triển khai các phương thức thu phí phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; đồng thời, tập trung rà soát, nắm chắc các nhóm đối tượng chính sách, người có công, đối tượng thuộc diện chính sách xã hội được ngân sách nhà nước cấp kinh phí mua BHYT; đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động để có kế hoạch phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra: Đến cuối năm 2025 có 95% dân số tham gia BHYT, trong đó có 98% là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, tiếp tục cải cách, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện chế độ, chính sách BHYT. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người tham gia. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, nhất là ở tuyến cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân có BHYT được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế; kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong công tác khám-chữa bệnh và thanh toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT. Huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, sự chung tay của các doanh nghiệp và người dân để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng yếu thế, người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh,.../..

Bảo Châu(t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực