|
Giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Q.T) |
Cùng với đó, tỉnh cũng có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, cùng nhiều mặt hàng đặc sản, đặc trưng có chất lượng tốt được người tiêu dùng đánh giá cao. Đây là tiềm năng để phát triển sản phẩm ra thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương): Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Tại chương trình “Triển lãm TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành hữu nghị tại Savannakhet lần thứ 4” diễn ra hồi đầu tháng 4/2024, Gia Lai trưng bày chủ yếu là hàng nông sản chế biến như: cà phê, hồ tiêu, mật ong, hạt điều, chanh dây, mắc ca, các sản phẩm thảo mộc… Đây là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng với mục tiêu quảng bá hình ảnh quốc gia và thương hiệu Việt, tăng cường phát triển sản phẩm chủ lực có thế mạnh của các địa phương, giới thiệu quảng bá đến nước bạn Lào.
Cũng vào cuối tháng 4/2024 vừa qua, tại Hội chợ công thương khu vực Tây Bắc-Điện Biên, tỉnh Gia Lai có một số đơn vị tham gia với các sản phẩm OCOP 3-4 sao như: bò khô, mật ong, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, trà thảo mộc và một số sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của tỉnh. Đây là dịp để các doanh nghiệp, hợp tác xã và địa phương trưng bày, quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, các đơn vị được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cuối tháng 5 này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cũng kết nối các doanh nghiệp, đơn vị có sản phẩm chất lượng tham gia lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP Hồ Chí Minh năm 2024. Lễ hội này kỳ vọng sẽ tạo môi trường xúc tiến thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp của Gia Lai.
Theo các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho nông sản, sản phẩm đặc sản, đặc trưng thì việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống thông qua các hội chợ, triển lãm trực tiếp… sẽ tạo tiền đề kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sau chế biến.
Có thể thấy, hiệu quả từ thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, khâu mở rộng thị trường tiêu thụ đang được các chủ thể chú trọng nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Thời gian tới, các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị tiếp tục liên kết với các hộ dân trên địa bàn mở rộng sản xuất theo hướng sạch, thu hái đúng quy trình nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Tăng cường đầu tư trang-thiết bị, máy móc để cho ra những sản phẩm chất lượng hơn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Việc tận dụng được ưu thế của địa phương và liên kết được vùng nguyên liệu là một trong những điều kiện quyết định đến sự bền vững khi phát triển các sản phẩm. Cùng với đó, quan tâm thiết kế mẫu mã bao bì và đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, trưng bày tại các hội chợ… Từ đó, các sản phẩm của địa phương sẽ ngày càng phát triển và đứng vững trên thị trường.
Chương trình OCOP đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực giúp các chủ thể yên tâm đầu tư cho sản phẩm của mình phát triển ngày càng lớn mạnh, mang lại nguồn thu nhập khá. Đây là động lực để đánh thức tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế nông thôn của địa phương của tỉnh Gia Lai trong những năm tới./..