|
Khách hàng đến giao dịch tại Kho bạc NN tỉnh Gia Lai. (Ảnh: baogialai.vn) |
Năm 2024 được tỉnh Gia Lai xác định là năm bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch giao, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, trong thời điểm các tháng cuối năm 2024, việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư công giữ vai trò then chốt gắn với tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, các đơn vị trong hệ thống Kho bạc Nhà nước tỉnh Gia Lai đã chủ động giảm thời gian kiểm soát chi, phấn đấu giải quyết hồ sơ đủ điều kiện ngay trong ngày, không để hồ sơ tồn đọng mà không rõ lý do. Trong 9 tháng qua, Kho bạc Nhà nước huyện Chư Sê đã giải ngân 44,7 tỷ đồng/129,3 tỷ đồng.
Ông Lương Thế Phong-Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Chư Sê cho hay, từ tháng 9, số lượng hồ sơ thanh toán có xu hướng tăng nhanh. Khối lượng thực hiện đến đâu, các đơn vị, chủ đầu tư tiến hành lập hồ sơ thanh toán đến đó. Do đó, Kho bạc đã chủ động phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, chủ đầu tư chủ động hoàn thiện hồ sơ chứng từ để rút ngắn thời gian kiểm soát chi”.
Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển của tỉnh Gia Lai là 4.468 tỷ đồng, bao gồm vốn kế hoạch năm là 3.856 tỷ đồng, vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 là 611,5 tỷ đồng.
Tổng số vốn đã giải ngân đến hết tháng 9-2024 là 1.903 tỷ đồng, bằng 42,59% kế hoạch vốn giao. Trong đó, nguồn vốn kế hoạch năm đã giải ngân là 1.745 tỷ đồng/3.856 tỷ đồng, bằng 45,26% kế hoạch; nguồn vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 đã giải ngân 157,5 tỷ đồng/611,5 tỷ đồng, bằng 25,77%.
Kết quả này đưa Gia Lai vào nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt mức bình quân chung so với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước là 42,96%.
Ông Phạm Quang Bút-Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Gia Lai cho biết:, để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, ngành kho bạc Gia Lai tập trung nhân lực, nguồn lực ở thời điểm cuối tháng, cuối quý để giải quyết nhanh, kịp thời các hồ sơ thanh toán trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Trong đó, tập trung theo hướng giảm thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình, thực hiện quản lý và kiểm soát thanh toán hoàn toàn trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý.
Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối, khai thác thông tin, dữ liệu gắn với công tác kiểm soát rủi ro và kết hợp giám sát từ xa. Số lượng hồ sơ kiểm soát thanh toán đi đôi với tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn tăng, góp phần tạo đà tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội./..