Kon Tum: Phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ tư, 04/09/2024 09:31
(ĐCSVN) - Sau hơn 3 năm triển khai thưc hiện, Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi 2021-2030 (giai đoạn 1:2021-2025) đã mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển mạnh mẽ và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh.
 Sản phẩm nông nghiệp sạch của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum. (Ảnh: baokontum.vn)

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc Tây Nguyên với 43 dân tộc sinh sống chiếm hơn 54% dân số toàn tỉnh. Địa bàn sinh sống của các dân tộc chủ yếu là các vùng sâu vùng xa, trình độ dân trí còn hạn chế, vì vậy đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Thời gian qua, với việc tập trung nguồn lực, đồng bộ các giải pháp thực hiện đã tạo điều kiện, sức bật để các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhanh hơn và bền vững hơn; nâng cao đời sống người dân, từng bước rút ngắn khoảng cách về kinh tế- xã hội giữa các địa phương trong tỉnh.  

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum quan tâm chỉ đạo quyết liệt thực hiện việc triển khai các chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG), đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào (DTTS) và miền núi.

Theo đó, các ngành, các địa phương tích cực, chủ động triển khai, huy động và lồng ghép, tích hợp các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ các chương trình MTQG. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khơi dậy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi tích cực tham gia thực hiện các chương trình MTQG gắn với thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Qua gần 3 năm triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ nguồn đầu tư của Trung ương, UBND tỉnh Kon Tum tiến hành phân bổ, giao 1.741,871 tỷ đồng vốn kế hoạch giai đoạn 2021-2025 cho các sở, ngành và các địa phương thực hiện. Đồng thời, bố trí ngân sách địa phương đối ứng thực hiện các chương trình trong giai đoạn 2021-2025 hơn 174,187 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn đầu tư, các ngành chức năng và các địa phương đã thực hiện hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho 5.548 hộ, đầu tư xây dựng 29 công trình nước sinh hoạt tập trung cho các cụm dân cư; triển khai xây dựng 14 dự án sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở các vùng DTTS; hỗ trợ đào tạo nghề cho 3.387 người. Đồng thời, triển khai 15 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 108 mô hình phát triển cộng đồng, xây dựng vùng dược liệu; trợ cấp gạo cho 2.171 hộ nghèo tham gia trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, rừng phòng hộ góp phần cải thiện đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Toàn tỉnh Kon Tum cũng triển khai xây dựng160 công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông nông thôn, cầu dân sinh, điện, thuỷ lợi, trạm y tế, nhà văn hóa, trường học phục vụ sản xuất, đời sống người dân.

Ngành chức năng và các địa phương cũng đã thực hiện  khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS tại chỗ. Cụ thể như bảo tồn, phát huy bản sắc lễ hội ăn than của dân tộc Gié- Triêng tại làng Đăk Ga, xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei); bảo tồn lễ mừng nước giọt của dân tộc Ba Na (nhóm Rơ Ngao) tại thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà); hỗ trợ nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ba Na (nhóm Mơ Nâm) tại xã Măng Cành (huyện Kon Plông).

Từ việc triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Theo đó, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội vùng sâu, vùng xa có sự thay đổi tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển và hiện đại hóa nông thôn ở vùng DTTS. Cuộc sống của người dân ngày càng ổn định với 99,3% hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh hiện có đất ở, 99,28% hộ DTTS có đất sản xuất; 91% hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS được khôi phục, phát huy, vừa góp phần gìn giữ văn hóa, vừa tạo điều kiện cho phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2025, 100% hộ đồng bào DTTS có đất ở, đất sản xuất, 20% hộ đồng bào DTTS trở lên tham gia vào hợp tác xã. Đồng thời, cơ bản hoàn thành công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, thiên tai sạt lở; trên 90% hộ DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 50% số xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu để triển khai thực hiện trong thời gian tới, nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.Trong đó, tăng cường phối hợp với các ngành có liên quan tích cực kiểm tra, đôn đốc, giám sát, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đối với các dự án, tiểu dự án. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, huy động sự tham gia, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân tổ chức thực hiện chương trình để đạt hiệu quả cao hơn.

Với việc triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã góp phần tạo “lực đẩy” cho các vùng DTTS phát triển. Qua đây, tiếp tục củng cố niềm tin của đồng bào DTTS vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, động viên người dân nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.    

Đường về Măng Đen. (Ảnh: baokontum.vn) 

Theo lãnh đạo tỉnh Kon Tum, tỉnh luôn xác định việc thực hiện chính sách dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng trong việc thúc đẩy đời sống KT-XH vùng đồng bào DTTS, chính vì vậy địa phương đã tập trung mọi nguồn lực nhằm chăm lo cho đời sống đồng bào DTTS.

Nếu nói Kết luận 08-KL/TU là đòn bẩy kích thích, là ngọn lửa khơi dậy tinh thần đổi mới nếp nghĩ, thay đổi cách làm, tự tin, tự cường vươn lên thoát khỏi đói nghèo, phát triển kinh tế; thì Chỉ thị 12-CT/TU như nguồn năng lượng, tiếp thêm sức mạnh thúc đẩy bà dám nghĩ, dám làm, chung tay xây dựng miền núi tỉnh Kon Tum ngày càng sung túc.

Cùng với các chủ trương, đề án hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Kon Tum đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, chính sách đối với đồng bào các DTTS trên địa bàn.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 18/02/2022 đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU “về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” với mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 50% trở lên số thôn (làng) vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn thôn nông thôn mới.

Cùng với đó, tại Chỉ thị số 12-CT/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể để triển khai thực hiện thành công mục tiêu trên, trong đó yêu cầu các cấp, các ngành thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, đảm bảo sát hợp với đặc điểm, tình hình ở địa phương mình. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở; có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nâng cao ý thức, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân đối với công tác xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội; xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời, đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn 01 thôn (làng) đồng bào dân tộc thiểu số để làm điểm cấp tỉnh về xây dựng nông thôn mới; sau đó rút kinh nghiệm và triển khai ra diện rộng. Nghiên cứu phân bổ, bố trí nguồn lực phù hợp theo phân cấp và khả năng để hỗ trợ các huyện, thành phố xây dựng các thôn (làng) vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch.

Hiện, 98% đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa, 100% thôn, làng có điện quốc gia…

Mục tiêu của tỉnh đề ra, đến năm 2025, 100% hộ dân DTTS có đất ở, đất sản xuất; 20% hộ DTTS trở lên tham gia vào hợp tác xã; cơ bản hoàn thành công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, thiên tai sạt lở; 100% thôn, làng có nhà rông truyền thống được sửa chữa, trùng tu định kỳ; trên 90% hộ DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 50% số xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm vùng đồng bào DTTS và miền núi là 4%.

Để đạt được mục tiêu này, việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" theo Kết luận số 08-KL/TU ngày 24-02-2021 là một hướng đi đúng đắn./..

Bảo Châu (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực