Lâm Đồng đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc

Thứ hai, 17/06/2024 09:10
(ĐCSVN) – Tỉnh Lâm Đồng đang đặt quyết tâm chính trị rất cao và nỗ lực bàn bạc với các nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ để sớm khởi công song song 2 Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.
Sơ đồ tuyến cao tốc đi qua tỉnh Lâm Đồng. 

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hai dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương: Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Tổng chiều dài hai dự án này là 140 km, tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Lâm Đồng đến TP Hồ Chí Minh xuống còn một nửa.

Tuyến cao tốc được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho Lâm Đồng, thu hút đầu tư và tạo điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện nay, hàng hoá nông sản của Lâm Đồng khi vận chuyển đến chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh hoặc bến cảng để xuất khẩu gặp nhiều hạn chế do giao thông không thuận lợi. Việc chuyên chở nông sản phải đối mặt với áp lực lớn để đảm bảo thời gian giao hàng, và việc vận chuyển hàng hoá trên Quốc lộ 20 trở thành một thách thức đáng kể. Các nhà sản xuất, nông dân và các doanh nghiệp cũng mong muốn quãng đường từ Lâm Đồng tới các vùng lân cận được rút ngắn, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường sức cạnh tranh.

Cùng với ngành Nông nghiệp, ngành Du lịch cũng hy vọng tuyến cao tốc này sẽ sớm được đưa vào sử dụng. Khi giao thông thuận lợi sẽ giúp cho du khách đến với Lâm Đồng thuận tiện hơn, nhanh hơn, và tần suất du lịch cũng sẽ dày hơn, hoạt động dịch vụ, du lịch Đà Lạt sẽ có cơ hội rất lớn để tăng trưởng và phát triển bền vững hơn chứ không chỉ đông đúc vào dịp hè hay ngày lễ, ngày nghỉ.

Có thể nói, tuyến đường cao tốc này sẽ giúp người dân và doanh nghiệp từ thành thị đến nông thôn trên khắp các khu vực của tỉnh Lâm Đồng dễ dàng giao thông và kết nối với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, từ đó thúc đẩy sự phát triển cả về kinh tế và văn hoá.

Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương đã được phê duyệt với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 140 km. Đây là hai dự án trong tuyến cao tốc 200,3 km Dầu Giây - Liên Khương, kết nối hai tỉnh Đồng Nai - Lâm Đồng và TP Hồ Chí Minh. Điểm đầu tiên nối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và điểm cuối nối với đường cao tốc Liên Khương - Prenn. Khi đi vào hoạt động chính thức, toàn bộ hệ thống cao tốc sẽ có 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với vận tốc thiết kế lên đến 100 km/giờ. Cả hai đoạn cao tốc này là phần của Dự án tuyến Dầu Giây - Liên Khương.

Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng, cơ quan có thẩm quyền của nhà nước, đồng thời hỗ trợ 2.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương để triển khai. Cả hai dự án này đều được giao thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Mặc dù dự kiến khởi công vào năm 2023, nhưng đã phải hoãn lại nhiều lần vì nhiều lý do.

Được biết, Dự án Tân Phú - Bảo Lộc được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), có tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia 6.500 tỷ đồng (tương đương 38% tổng mức đầu tư). Dự án Bảo Lộc - Liên Khương có tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 là khoảng 19.521 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 39,76% tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1.

Tuy nhiên, cả 2 dự án này các nhà đầu tư đều đang đề nghị Lâm Đồng nghiên cứu và bố trí thêm vốn ngân sách nhà nước.

Cụ thể, đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP), có chiều dài khoảng 66 km, đi qua hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai. Theo chủ trương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban đầu dự án có tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tham gia 6.500 tỷ đồng (tương đương 38% tổng mức đầu tư), nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu 1.605 tỷ đồng và huy động các nguồn vốn khác khoảng 9.095 tỷ đồng.

Đến nay, do cập nhật lại đơn giá bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của Nhà nước, cơ cấu tổng mức đầu tư dự án đã có sự thay đổi so với chủ trương đầu tư được duyệt, tổng mức đầu tư dự án tăng lên thành 18.120 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước tham gia 6.500 tỷ đồng, tương đương 35% (không đổi so chủ trương đầu tư ban đầu), nhưng vốn do nhà đầu tư góp và huy động tăng lên khoảng 11.620 tỷ đồng (tăng 920 tỷ đồng so chủ trương đầu tư ban đầu).

Dự án Bảo Lộc - Liên Khương, mới đây đã được tỉnh phê duyệt điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư (giai đoạn 1). Tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 của dự án là khoảng 19.521 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 39,76% tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1, ước tính là 7.761 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương bố trí 1.500 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ngân sách Trung ương đóng góp 2.500 tỷ đồng. Số vốn còn lại, tương đương 3.761 tỷ đồng, dự kiến sẽ được tỉnh bồi thường bằng việc giao đất cùng mục đích sử dụng đất.

Dự án này có tổng vốn huy động từ các nhà đầu tư là khoảng 11.760 tỷ đồng, chiếm 60,24% tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1. Trong số này, phần vốn chủ sở hữu tối thiểu của các nhà đầu tư là khoảng 1.764 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư (không bao gồm vốn ngân sách nhà nước), và vốn huy động từ các nguồn khác là khoảng 9.996 tỷ đồng, chiếm 85% tổng mức đầu tư (không bao gồm vốn ngân sách nhà nước).

Một tuyến giao thông được nâng cấp ở Lâm Đồng. (Ảnh: K.V) 

Bà Phạm Thị Tường Vân - Giám đốc Sở Tài chính Lâm Đồng, cho biết tỉnh có thể cân đối vốn bằng cách tạm thời sử dụng các nguồn vốn đầu tư công khác. Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng đến các dự án đầu tư công khác của tỉnh. Tỉnh có thể cân đối được nguồn vốn trong điều kiện cần phải ưu tiên cho việc làm cao tốc, nhưng như vậy thì nhiều dự án khác cũng đang chờ vốn sẽ phải lùi sang những giai đoạn sau. Bên cạnh đó, cân đối vốn nhà nước thì cũng sẽ phải đảm bảo đồng bộ ở cả 2 dự án.

Theo Tập đoàn Đèo Cả, thì từ tháng 5/2021, các nhà đầu tư đã đề xuất dự án và ngân hàng cam kết sẽ thu xếp khoảng 23.700 tỷ đồng để thực hiện hai Dự án Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ở Dự án Tân Phú - Bảo Lộc các nhà đầu tư khác đã không thể cam kết thu xếp vốn tham gia dự án vì nhiều nguyên nhân. Chỉ có Tập đoàn Đèo Cả vẫn kiên trì và tiếp tục thực hiện.

Trong bối cảnh này, Tập đoàn Đèo Cả đã có ý kiến đề xuất các giải pháp khả thi về tài chính cho dự án triển khai. Đối với phương án không tăng vốn ngân sách nhà nước, ngân hàng phải cho nhà đầu tư vay ưu đãi với tỷ lệ 80% nhu cầu vốn huy động, 20% do nhà đầu tư tự thu xếp. Tuy nhiên, nếu vốn ngân sách nhà nước tham gia với tỷ lệ thấp, rất khó để ngân hàng thu xếp vốn cho các nhà đầu tư. Trong trường hợp tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu, bố trí thêm 2.570 tỷ đồng ngân sách nhà nước nữa (tăng tỷ lệ vốn ngân sách lên 50% theo Luật PPP), nhà đầu tư có thể tự huy động được 9.073 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tính khả thi về tài chính của hai Dự án Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương phụ thuộc lẫn nhau. Vì thế, cả hai nhà đầu tư đều mong muốn thực hiện đồng thời toàn tuyến Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương để xác định kế hoạch thực hiện thông tuyến.

Tại buổi làm việc gần nhất với các nhà đầu tư, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học đề xuất hướng giải quyết đối với cả 2 dự án là nhà đầu tư giữ nguyên mức vốn của nhà nước hiện nay, bù lại tỉnh sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giới thiệu nhà đầu tư được vay tín dụng ưu đãi với tỷ lệ 80% nhu cầu vốn huy động.

Hiện nay, theo thông tin mới nhất tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia ngành Giao thông vận tải vào ngày 14/6 thì Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương đang chờ Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định, phê duyệt phương án tiền khả thi. Song song đó, cả 2 dự án vẫn đang triển khai các thủ tục quan trọng khác như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.../.

BC (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực